19/07/2020 12:09 GMT+7

Nghe mặt nạ kể chuyện

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài khi tới phố cổ Hội An đều tìm tới gian nhà cổ trên đường Bạch Đằng để tìm họa sĩ Bùi Quý Phong - người chuyên vẽ những tấm mặt nạ mà người mua kiếm tìm một ước nguyện hạnh phúc, viên mãn…

Nghe mặt nạ kể chuyện - Ảnh 1.

Họa sĩ Bùi Quý Phong - người “vẽ lại thời gian” bằng những tấm mặt nạ - Ảnh: T.B.D.

Cái tên cơ sở "Mặt nạ thời gian" ít nhiều cũng gây tò mò, và tò mò hơn với những "mặt nạ" nhưng không thể đeo lên mặt. Đôi mắt trên tấm mặt nạ cũng được giữ nguyên, mà không đục rỗng lỗ như thường thấy.

Nỗi buồn của một nghệ sĩ hát bội

Một buổi sáng giữa tháng 7, dịch bệnh COVID-19 đã khiến phố cổ Hội An vắng tanh như ngày phố cổ chưa biết làm du lịch. Gian phòng tranh của họa sĩ Bùi Quý Phong lỉnh kỉnh những đồ đạc, những tấm mặt nạ đủ thứ to, nhỏ dựng lên la liệt ở góc nhà, treo kín trên các bức tường. Ông Phong ngồi tỉ mẩn vừa vẽ vừa chỉ bảo cho hai cô gái trẻ mới được ông nhận vào để theo nghề vẽ.

Nhiều người đến Hội An được nghe kể về người họa sĩ đặc biệt này cứ ngỡ phòng tranh của ông có từ lâu đời. Tuy nhiên, tất cả mới bước qua năm thứ 5. Cho biết tới giờ, mỗi lần nhắc tới hát bội - một bộ môn nghệ thuật vang bóng một thời - là ông lại rưng rưng nước mắt, bởi tuổi trẻ của ông đã gắn bó và sống với nghề ấy quá nhiều. Ông nhớ những ngày mà người ta còn nườm nượp kéo tới xem ông hóa thân vào nhiều vai diễn trên các sân khấu ở Hội An.

Rồi bộ môn hát bội xuống dốc và lụi tàn rất nhanh những năm sau 1986 và cho tới năm 2000, một nơi sầm uất như phố cổ Hội An không một gánh hát bội nào còn hoạt động. Các nghệ nhân qua đời dần, những tấm mặt nạ được vứt vào xó xỉnh, nước màu, râu giả, đạo cụ, cờ quạt... cũng dần dà thất lạc. Nghiệp diễn đó ngấm vào trong máu, để lại quá nhiều duyên nợ tới sau này và chính là câu chuyện trực tiếp khiến ông chuyển qua nghề vẽ mặt nạ như hiện nay.

Mặt nạ kể chuyện

Khách đến tiệm mặt nạ hiện không chỉ là người nước ngoài, nhiều người trẻ gặp bế tắc trong cuộc sống cũng tìm đến đây để trò chuyện cùng nhau về những quy luật, câu chuyện về triết lý nghiệt ngã của cuộc sống. Phần ông Phong, ông không chỉ kể câu chuyện của chính mình, ông đem những câu chuyện đó vẽ lên những tấm mặt nạ.

Ông kể rằng khi nghề hát bội lụi tàn, ông đã đi tìm đủ nghề để sống. Khi thì làm trọng tài bóng đá cho các giải phong trào, lúc thì vẽ mặt nạ lân sư rồng cho trẻ con, có khi ông làm đạo diễn sân khấu cho các chương trình nghệ thuật phong trào. Nhưng ông không thể nào quên những khuôn mặt cũ, những vai diễn mà ông từng hóa thân và yêu đến cháy bỏng khi đứng trên sân khấu phục vụ bà con trong tiếng pháo tay rần rần.

"Mỗi vai diễn ở hát bội cũng như câu chuyện cuộc đời của chúng ta. Có đau khổ, có bi lụy, có vui, có buồn. Nhưng nó đã chết và tôi là một phần của lịch sử ở đó. Tôi quyết định quay về Hội An, chọn một gian nhà nhỏ để giữ lại những khuôn mặt cũ, giữ lại hình hài và linh hồn của nghề hát bội vang bóng một thời" - ông Phong nói. Mặt nạ của ông không tái hiện hay miêu tả nhân vật cụ thể nào, mà đó là những gam màu, đường nét của quá khứ pha lẫn với hiện tại để kết hợp trên một nét mặt kể một câu chuyện về đời sống.

Điều rất đặc biệt ở những mặt nạ ông Phong vẽ là sự ảo diệu: dù nhìn qua ai cũng có thể nghĩ tới một nhân vật nào đó, nhưng càng nhìn kỹ thì lại càng... không nhận ra. "Đó là lý do mà tôi đặt tên cho mặt nạ chính mình là "Mặt nạ thời gian". Tôi đem những hình ảnh, khuôn mặt thần thái nhất của các nhân vật tuồng chèo, hát bội để tái hiện trên mỗi tấm mặt nạ. Bất kỳ mặt nạ nào cũng được "cơ cấu" rất đều đặn với tỉ lệ 40% hình ảnh nhân vật tuồng chèo quá khứ và 60% là hình ảnh thông điệp thời gian, hiện tại, hiện đại và câu chuyện tôi muốn chuyển tải" - ông Phong nói.

Nói về những mặt nạ không dùng để đeo, ông Phong cười và bảo rằng nếu chỉ vẽ một tấm mặt nạ để người ta đeo lên khuôn mặt, che đậy đi phần thật của con người mình thì tấm mặt nạ đó sẽ vô tình trở thành hiện thân của sự giả dối. 

"Tôi đã đấu tranh rất nhiều về việc đục rỗng mắt hay để nguyên cho mặt nạ. Và tôi đã quyết định để nguyên phần hốc mắt để vẽ những gì mình yêu thương, trân quý nhất. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhìn vào đôi mắt của mặt nạ người ta có thể thấy người ấy đang giận dữ, giả dối hay đang ngập tràn hạnh phúc, bao dung và yêu thương" - ông Phong nói.

Ông Phong đưa cho chúng tôi và những người khách Việt một tấm mặt nạ, ai cũng nói thấy quen quen nhưng tuyệt nhiên không ai nhớ đã thấy ở đâu. Ông cười bí hiểm: "Tôi dùng nhiều nét điển hình của nhân vật trong tuồng để làm nền và dùng hình ảnh con người hiện đại để thể hiện.

Tấm mặt nạ này được tách thành hai nửa riêng biệt: một nửa của người nam và nửa kia là nữ. Những đường nét trên nét mặt đều thể hiện sự can trường, mạnh mẽ và cũng có những khiếm khuyết của người đàn ông.

Và ngược lại, bên cạnh sự đằm thắm, dịu dàng thì người phụ nữ cũng có những khoảng tối. Chỉ có sự kết hợp lại trong tình bao dung, bằng yêu thương thì người nam với nữ mới có sự hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản là thấu hiểu, chia sẻ và chấp nhận sự xấu - tốt của nhau" - ông Phong giải thích, rồi chỉ cho chúng tôi biểu tượng trái tim khớp nối khuôn mặt nam và nữ trên tấm mặt nạ.

Nghe ông giải thích xong, những tiếng "ồ" của khách vang lên.

Mặt nạ thế nhân trên Mặt nạ thế nhân trên 'gánh hát xe đạp' giữa phố Sài Gòn

TTO - Ở ngã tư đường Trần Quốc Thảo - Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), một người đàn ông với chiếc xe đạp cà tàng, ngồi bán mặt nạ với đủ biểu cảm trầm tư lẫn ngộ nghĩnh, vui cười của thế nhân.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên