Nghệ thuật kết thúc hội thoại

T.ANH 08/05/2024 13:57 GMT+7

TTCT - Phòng khi ai đó cứ nói mãi những chuyện đâu đâu, còn ta thì muốn bấm nút biến lắm rồi mà cố làm người lịch thiệp thêm chút nữa.

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Có lẽ ai cũng thủ sẵn vài chiêu để dễ bề tẩu thoát khỏi những cuộc chuyện trò mà gần như độc thoại - một bên liên tu bất tận, một bên vận dụng hết trí óc để xem ngoài "thế à", "hay nhỉ" thì phải gật gù, ừ hử sao cho đặng. Miệng mỉm cười mà lòng bối rối, muốn bảo đối phương im đi mà không thể nên lời.

Lúc sinh thời, Nữ hoàng Anh Elizabeth II có hẳn một bộ tín hiệu mật mà đội ngũ thân cận bà phải thuộc nằm lòng để áp dụng cho những tình huống này. "Nếu đang nói chuyện với Nữ hoàng mà thấy túi của bà đi từ tay này sang tay khác là đáng lo đấy" - nhà sử học hoàng gia Hugo Vickers nói với tạp chí People. 

Lo, là bởi khi Nữ hoàng điện hạ đổi tay cầm túi, cụ thể là chiếc xắc tay Launer London trứ danh, đó là tín hiệu cho biết "nói thế xong rồi, đi thôi các khanh". Nếu tình hình cấp bách hơn, bà sẽ đặt túi xuống đất hoặc xoay xoay nhẫn cưới. 

Còn khi dự yến tiệc, tín hiệu "đến lúc đưa ta đi rồi" của nữ quân vương là đặt túi lên bàn. Khi Elizabeth II ra hiệu, bộ hạ sẽ vào kết thúc hội thoại thay bà.

Cố nhiên đâu phải ai cũng làm được như Nữ hoàng. Vậy làm thế nào để lĩnh ngộ nghệ thuật chấm dứt hội thoại - ta thoát thân, còn người kia vẫn thấy hài lòng? 

Theo Adam Mastroianni, nhà tâm lý học thực nghiệm chuyên nghiên cứu các cuộc hội thoại, cứ 100 cuộc trò chuyện thì chỉ có 2 cuộc mà cả hai bên đều nhất trí thời điểm nên chấm dứt, và kết thúc hội thoại êm thắm. 

Còn thì đa số mỗi người một cảm giác: người này sẽ muốn kết thúc sớm hơn 10 phút - tương đương 68% thời lượng của cuộc trò chuyện - so với người kia.

"Một cuộc trò chuyện khá giống việc lái xe trên đường cao tốc: chỉ có một số điểm được phép ra vào nhất định" - Mastroianni nói với Wall Street Journal. Nghệ thuật kết thúc hội thoại, suy cho cùng, là tự mở thêm lối ra trên cái cao tốc ấy.

Peter Wagner, lãnh đạo doanh nghiệp 67 tuổi ở New York, phải nghe người ngồi cạnh trong một bữa tiệc doanh nhân nói miết về trái phiếu và phân bổ tài sản. Được 10 phút, Wagner quay sang, mỉm cười và nói: "Tôi cạn hứng với chủ đề này rồi. Anh còn gì nói nữa không"? 

Người kia "đứng hình" mất 5 giây, sau đó toét miệng cười, và chuyển sang nói về nữ cầu thủ xinh đẹp Caitlin Clark và bóng rổ nữ. "Cá là quý vị cũng ước mình có thuật thoát thân như ảo thuật gia Houdini như thế" - tác giả Elizabeth Bernstein của Wall Street Journal viết.

Ngoài cách này, cùng với tuyệt chiêu bền vững với thời gian: để đi kiếm gì uống cái đã, Bernstein cho biết vẫn còn nhiều cách chấm dứt hội thoại rất hiệu quả khác. Chẳng hạn, nhiều người giả vờ là chồng hoặc vợ đang gọi (có cặp thống nhất tín hiệu với nhau trước, để được ứng cứu kịp thời). 

Bernstein đặc biệt tâm đắc với tuyệt chiêu của một cụ bà trên 80 tuổi: chờ đối phương dừng lại lấy hơi thì bà "cướp diễn đàn", nói đủ chuyện trên trời. "Thà là kẻ nói điên nói dại còn hơn đóng vai người nghe" - bà giải thích.

Từ góc độ chuyên gia, Mastroianni cho rằng cách tốt nhất để thoát khỏi hội thoại chán ngắt là làm nó thú vị hơn - cố tìm điểm gì chung để nói chẳng hạn. Philip Gable, giáo sư khoa học tâm lý và não bộ tại Đại học Delaware, khuyên phá vỡ cuộc độc thoại và làm nó sâu sắc hơn bằng cách "giới thiệu người mới với người mà bạn đang nói chuyện cùng".

Sau cùng, "tẩu vi thượng sách", nhưng nhớ báo trước để đối phương đỡ hụt hẫng, theo nhà trị liệu tâm lý Elisabeth Crain. Văn mẫu của bà như sau: "Tôi e là sắp phải rời khỏi đây trong vòng vài phút nữa, nhưng tôi vẫn muốn nghe hết chuyện của bạn trước khi đi". 

Crain cho rằng cách này tránh sự đột ngột và khiến đối phương có cảm giác được lắng nghe, "và họ sẽ có ấn tượng tốt về bạn".

Hay cứ theo lối Wagner mà làm. Vị này tiết lộ ông đã dùng câu "cạn hứng thú" trong nhiều năm và không ai thấy tổn thương gì. Thực chất cách làm này là lái cuộc trò chuyện sang chuyện khác chứ không phải chấm dứt. 

"Nếu nói câu này một cách thân thiện kèm nụ cười tươi, sẽ hiệu quả diệu kỳ" - ông mách nước.

Nhiều năm trước, Greg Reid, 59 tuổi, đang chờ máy bay thì người bên cạnh bắt chuyện. Dù muốn tập trung việc đang làm dở, Reid vẫn nghe người kia nói về con cái, nghề nghiệp và cả lịch tập thể dục.

Tới giờ lên máy bay, Reid kể người kia bắt tay anh và nói cám ơn, vì anh ta "chưa có cuộc trò chuyện vui vẻ nào như vậy kể từ khi vợ mất". Reid kể anh vui vì đã lắng nghe, bởi "chúng ta không bao giờ biết được người kia đã trải qua chuyện gì".

Tiếc thay, lắng nghe lại là biệt tài không phải ai cũng có.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận