09/04/2020 12:33 GMT+7

Ngoại giao khẩu trang và con đường tơ lụa y tế của Trung Quốc

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Trong nỗ lực xóa định kiến 'virus Vũ Hán', chính quyền Trung Quốc đang thực hiện chiến lược ngoại giao 'con đường tơ lụa y tế' để làm thay đổi hình ảnh nước này trong con mắt thế giới.

Ngoại giao khẩu trang và con đường tơ lụa y tế của Trung Quốc - Ảnh 1.

Các thành viên phi hành đoàn của Serbia vẫy cờ Trung Quốc và Serbia chào đón các chuyên gia y tế từ Trung Quốc đến sân bay Nikola Tesla ở Belgrade, Serbia ngày 23-1 - Ảnh: Reuters

Với lợi thế là nước vừa bước ra khỏi khủng hoảng trong khi các nước khác đang vật lộn với dịch bệnh, Bắc Kinh đã tranh thủ cơ hội để thúc đẩy ảnh hưởng và hình ảnh của nước này bên ngoài, xóa đi những hình ảnh ban đầu là nơi khởi phát dịch bệnh và làm mầm bệnh lan rộng.

Ngoại giao khẩu trang

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát ra toàn cầu, cả thế giới mới ngỡ ngàng khi lệ thuộc quá nhiều vào "công xưởng toàn cầu". Từ những mặt hàng đơn giản như khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ y tế đến những thiết bị phức tạp như máy thở.

Trung Quốc là nước sản xuất khẩu trang y tế lớn nhất thế giới và đã tăng sản lượng lên 10 lần thời gian vừa qua, tạo điều kiện để xuất khẩu đi khắp thế giới. Trung Quốc cũng là nước sản xuất một nửa số khẩu trang N95 chuyên dụng dành cho các y bác sĩ trên toàn cầu.

Các nước lao vào cuộc cạnh tranh để giành trang thiết bị y tế từ Trung Quốc, thậm chí xuất hiện những lời cáo buộc lẫn nhau giữa các nước về việc giành giật hàng hóa của nhau giữa Đức và Mỹ, giữa Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ...

Những tuyên bố về việc Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ cùng với những chuyến hàng và cả các chuyên gia y tế của Trung Quốc được cử đến hỗ trợ các nước trong cuộc chiến chống COVID-19 được đưa rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này đã cung cấp thiết bị y tế và các viện trợ khác cho 120 quốc gia trên thế giới tính đến cuối tháng 3 năm nay.

Không chỉ các nước nghèo, thiếu khả năng chống chịu với dịch bệnh, ngoại giao y tế của Trung Quốc còn vươn tới các nước phát triển lớn, mạnh ở châu Âu vốn trước đây chỉ quen với việc giúp đỡ các nước nghèo trong dịch bệnh như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức...

Ảnh hưởng của Trung Quốc không đâu rõ hơn ở Ý. Trong lúc đất nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ và không thể trông chờ các nước đồng minh EU vốn cũng đang vật lộn với cơn địa chấn COVID-19, sau hàng chục tấn hàng viện trợ được gửi đến, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc nói chuyện với Thủ tướng Conte đề cập đến "con đường tơ lụa y tế".

Không chỉ chính phủ mà cả các cá nhân, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tham gia việc xây dựng hình ảnh Trung Quốc trong chống dịch COVID-19. Tỉ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma và Tập đoàn Huwei cũng đã gửi hàng triệu khẩu trang đến khắp mọi nơi từ châu Phi, châu Mỹ Latin, thậm chí đến cả nước Mỹ và châu Âu giàu có.

Không chỉ màu hồng

Tổng thống Serbia, nước đang xin gia nhập Liên minh châu Âu, đã phát biểu sự đoàn kết châu Âu chỉ là "câu chuyện thần tiên" và "nước duy nhất có thể giúp đỡ chúng ta lúc này là Trung Quốc".

Và với những chuyến hàng của Trung Quốc đang được gửi đến cùng việc phải bận tâm xử lý khủng hoảng, ít quốc gia trong lúc này còn nghĩ đến hoặc chỉ trích nguồn gốc của virus cũng như cách xử lý chậm trễ và được cho là thiếu minh bạch lúc đầu của Trung Quốc đã góp phần làm dịch bệnh lan rộng.

Cùng với việc đẩy mạnh viện trợ ra bên ngoài và thể hiện hình ảnh dập tắt dịch bệnh thành công trong nước, Trung Quốc còn cho thấy "tiêu chuẩn mới về nỗ lực toàn cầu chống lại dịch bệnh" như phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Nhưng mọi việc không chỉ toàn màu hồng. Dù chấp nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc nhưng như Thủ tướng Đức Merkel phát biểu, việc Trung Quốc giúp đỡ các nước châu Âu là điều đương nhiên vì các nước đã giúp đỡ Trung Quốc khi dịch bệnh xảy ra ở Vũ Hán.

Hơn nữa, hình ảnh của những chuyến hàng từ Trung Quốc còn bị vấy bẩn bởi những thông tin về các sản phẩm kém chất lượng của Trung Quốc. Tây Ban Nha đã phải trả lại những bộ kit xét nghiệm không đạt chuẩn của Trung Quốc trị giá hàng chục triệu USD. Hoặc việc các bác sĩ Hà Lan từ chối sử dụng các khẩu trang y tế không đủ tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Và trong lúc số người nhiễm ở các nước châu Âu tiếp tục gia tăng lên hàng trăm nghìn người và hàng chục nghìn người chết trong khi con số này ở Trung Quốc, nơi xuất phát điểm của dịch bệnh, chỉ là hơn 80.000 người nhiễm bệnh và hơn 3.000 người tử vong cũng khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ về con số xác thực của Trung Quốc.

Nhưng dù thế nào, dường như Trung Quốc đang tạm thời giành lợi thế trong lúc rối ren này. Từ một nước được gắn liền với xuất phát điểm của dịch bệnh, Trung Quốc đang cố gắng tạo dựng hình ảnh một nước đi đầu trong việc chống dịch bệnh.

Mỹ tung tiền cạnh tranh

Nikkei Asian Review ngày 8-4 đưa tin Mỹ cam kết hỗ trợ thêm 225 triệu USD nhằm giúp toàn cầu ứng phó với sự lây lan nhanh của virus corona chủng mới, nâng tổng mức hỗ trợ lên gần 499 triệu USD. Theo đó, số tiền hỗ trợ này dùng để tăng cường khả năng sàng lọc, đào tạo các nhân viên y tế…

"Không có quốc gia nào có mức độ hào phóng tương tự như vậy" - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định.

Theo Nikkei Asian Review, động thái của Mỹ được cho là cạnh tranh với ngoại giao khẩu trang của Trung Quốc.

Tuy vậy, không như Bắc Kinh, Ngoại trưởng Pompeo nói Washington sẽ không viện trợ các thiết bị y tế và trang thiết bị bảo hộ vì đây là những mặt hàng khan hiếm trong nước. (D.AN)

'Ngoại giao khẩu trang' của Trung Quốc thời COVID-19

TTO - Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng lại hình ảnh và trách nhiệm của một nước lớn thông qua các gói viện trợ thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang - mặt hàng đang khan hiếm toàn cầu.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên