14/10/2023 16:52 GMT+7

‘Ngoại hãy giữ tóc con làm kỷ vật nếu con hy sinh’

Đó là lời bà Đoàn Thị Hồng Thắm - cựu thanh niên xung phong - hoạt động trên tuyến đường huyền thoại 1C, xúc động tâm sự cùng Tuổi Trẻ Online khi nhớ về thời tham gia kháng chiến của mình.

Tác phẩm "Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái" của nhà văn Trầm Hương cho người ta niềm cảm phục với sự hy sinh của những người con ưu tú của đất nước - Ảnh tư liệu

Tác phẩm "Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái" của nhà văn Trầm Hương cho người ta niềm cảm phục với sự hy sinh của những người con ưu tú của đất nước - Ảnh tư liệu

Tọa đàm Đường 1C hôm qua và hôm nay do Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam tổ chức sáng 14-10 tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.

Tọa đàm nhằm nhớ lại và thêm trân trọng những giá trị quý giá mà thế hệ thanh niên xung phong đã sống và chiến đấu hết mình trên tuyến đường 1C huyết mạch.

Những người con gái kiên cường trên tuyến đường 1C 

Đường 1C được mệnh danh là nơi "sắt thép cũng phải tan chảy". Đây là con đường huyết mạch, vận chuyển nhiều vũ khí do hậu phương miền Bắc chi viện. Con đường kéo dài từ miền Đông Nam Bộ về đến mũi Cà Mau.

Nhà văn Bích Ngân mong muốn có một thư viện điện tử về những câu chuyện xoay quanh tuyến đường 1C để những người trẻ có thể đọc, hồi tưởng và sống lại một giai đoạn lịch sử hào hùng - Ảnh: HỒ LAM

Nhà văn Bích Ngân mong muốn có một thư viện điện tử về những câu chuyện xoay quanh tuyến đường 1C để những người trẻ có thể đọc, hồi tưởng và sống lại một giai đoạn lịch sử hào hùng - Ảnh: HỒ LAM

Hoạt động trên tuyến đường này là những thanh niên xung phong ở độ tuổi từ 15 đến 20 tuổi, nữ chiếm 2/3. Họ vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược cho chiến trường Tây Nam Bộ.

Bà Hồng Thắm từng hoạt động trên tuyến đường huyền thoại 1C cho biết bà mất cha từ lúc nhỏ vì ông là tù chính trị ở Côn Đảo và mất trong tù. Sau này, bà quyết tâm đăng ký đi thanh niên xung phong phục vụ hỏa tuyến từ năm 15 tuổi.

Bà nhớ lại: "Tôi đã từng có một mái tóc dài nhưng khi đến đơn vị ở vùng đồng nước, tôi phải cắt tóc để cây cỏ không vướng, hoạt động cho dễ.

Tôi cắt tóc đến đâu, nước mắt rớt đến đó. Tôi dặn ngoại rằng hãy giữ lấy tóc tôi để làm kỷ vật nếu tôi hy sinh".

Theo tiến sĩ Lê Hồng Liêm - trưởng Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam - thì có hơn 400 thanh niên xung phong đã ra đi mãi mãi trên tuyến đường 1C huyền thoại.

Bà Thắm tâm sự trong nước mắt về hai người đồng đội đã hy sinh của mình.

"Ngày đó, hai đại đội cùng ra kênh Vĩnh Tế để nhận vũ khí. Khi nhận xong và đi về miền Nam thì giặc phục kích sâu bên trong.

Ở ngoài tàu thì bị phá, trên đầu là máy bay. Còn ở trong này, chúng tôi vừa đánh đuổi địch nhưng giá nào cũng phải bảo vệ hàng.

Khi về đến điểm tập trung thì thiếu hai đồng chí. Một người bị thương nhẹ nhưng lăn xuống bờ mương, sau đó không thể tìm thấy. Đồng chí còn lại thì bị thương nặng, hôn mê nên Pháp đưa về đồn, chích thuốc cho tỉnh và hỏi cung.

Nhưng khi tỉnh lại rồi thì cô này đã dồn hết sức mình, lao về phía trước và đập đầu vào tường để tự kết liễu đời mình".

Bà Thắm đã ròng rã đi kháng chiến trong hơn 10 năm và không có cơ hội quay về thăm nhà. Bà và đồng đội đã cùng rong ruổi qua tuyến đường 1C, tải đạn bằng vai. Mỗi người vác hai thùng đạn AK vuông, mỗi thùng nặng hơn chục ký.

Bà xúc động kể: "Mùa mưa, nước ngang đầu gối, dưới thì nước, trên thì mưa. Ban ngày chúng tôi nghỉ, ban đêm lại tiếp tục đi. Sáng ra nhìn mặt ai cũng xanh dờn".

Để thế hệ sau mãi không quên ký ức đường 1C

Những hy sinh, gian khổ của những người thanh niên xung phong trên tuyến đường này là không thể đếm xuể.

Nhiều ý kiến trong tọa đàm cho rằng nên có nhiều đóng góp hơn để tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho dân tộc trên tuyến đường huyền thoại 1C. 

Và quan trọng là để cho thế hệ trẻ có nơi được tiếp cận, được biết về lịch sử đấu tranh của thế hệ thanh niên xung phong.

Bà Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - bày tỏ: "Nếu được, tôi mong muốn có một thư viện điện tử về những câu chuyện xoay quanh tuyến đường 1C để những người trẻ có thể đọc, hồi tưởng và sống lại một giai đoạn lịch sử hào hùng".

Nhà văn Trầm Hương chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online về trách nhiệm kết nối giữa bạn đọc trẻ với các nhân chứng sống trong lịch sử.

Bà cho biết viết ký về những câu chuyện thời kháng chiến không phải là dễ. Những nhà văn trẻ cần có những kỹ năng để lựa chọn góc độ khai thác và cách kể câu chuyện sao cho hợp lý, gợi nhiều hứng thú cho người đọc.

Dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phongDâng hương tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM dâng hương, tưởng nhớ các liệt sĩ chiến đấu ở biên giới Tây Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên