18/10/2023 22:02 GMT+7

Ngoại trưởng Nga thăm Triều Tiên, phương Tây càng lo ngại hơn

Ngày 18-10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến Triều Tiên, bắt đầu chuyến thăm kéo dài hai ngày tại nước này, trong bối cảnh phương Tây lo ngại hai nhà sản xuất vũ khí lớn "bắt tay" nhau.

Ngoại trưởng Nga Lavrov tại buổi lễ đón ở sân bay khi ông vừa đến Bình Nhưỡng (Triều Tiên) tối 18-10 - Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Nga Lavrov tại buổi lễ đón ở sân bay khi ông vừa đến Bình Nhưỡng (Triều Tiên) tối 18-10 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã đến Triều Tiên hôm 18-10, trong bối cảnh phương Tây lo ngại về mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc giữa hai đồng minh lịch sử Nga - Triều Tiên.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với Hãng thông tấn TASS rằng chuyến thăm kéo dài hai ngày này dự kiến sẽ đặt nền móng cho chuyến công du tới Bình Nhưỡng của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tương lai.

Hồi tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đích thân đến thăm Nga và gặp mặt Tổng thống Putin trên chuyến tàu chống đạn đặc biệt.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19, ông Kim tuyên bố mối quan hệ song phương với Matxcơva là “ưu tiên số một” của Bình Nhưỡng.

Chuyến thăm Nga của ông Kim đã làm phương Tây càng thêm lo ngại về việc Bình Nhưỡng có thể cung cấp vũ khí cho Matxcơva, khiến chiến sự ở Ukraine kéo dài thêm.

Cũng theo AFP, ông Lavrov đến Bình Nhưỡng từ Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi Tổng thống Putin đang có một chuyến công du nước ngoài hiếm hoi khác.

Mỹ tung bằng chứng Bình Nhưỡng chuyển vũ khí cho Nga

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các chuyến tàu chở theo những container bí ẩn xuất hiện ở cảng Rajin (Triều Tiên) và cảng Dunai (Nga) trong thời gian gần đây - Ảnh: WASHINGTON POST

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các chuyến tàu chở theo những container bí ẩn xuất hiện ở cảng Rajin (Triều Tiên) và cảng Dunai (Nga) trong thời gian gần đây - Ảnh: WASHINGTON POST

Trong một diễn biến liên quan, Washington tố các lô vũ khí từ Triều Tiên đã được giao đến Nga. Trong đó, Bình Nhưỡng đã giao hơn 1.000 container thiết bị quân sự và đạn dược cho Matxcơva trong những tuần gần đây.

Theo đồ họa do Nhà Trắng công bố, một lượng lớn container đã đi bằng đường biển từ Triều Tiên đến Nga trong khoảng thời gian từ ngày 1-9 đến 1-10.

Sau đó, số container này được vận chuyển bằng đường sắt đến một kho đạn cách biên giới với Ukraine khoảng 290km.

Tuy nhiên, hôm 17-10, Điện Kremlin tuyên bố Washington không có bằng chứng nào có thể chứng minh vũ khí đang được vận chuyển vào Nga.

“Họ liên tục đưa tin về điều này mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào”, phát ngôn viên Peskov trả lời các hãng thông tấn Nga khi được hỏi về các lô vũ khí.

Các nhà phân tích tại dự án Beyond Parallel, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, công bố loạt hình ảnh vệ tinh cho thấy điều mà họ gọi là “sự gia tăng giao thông đường sắt chưa từng có” dọc biên giới Nga và Triều Tiên.

Các chuyên gia của dự án này báo cáo những hoạt động hỗn loạn này cho thấy Bình Nhưỡng đang cung cấp vũ khí và đạn dược cho Matxcơva.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với truyền thông rằng Bình Nhưỡng đang tìm kiếm một loạt hỗ trợ quân sự, trong đó có cả các công nghệ quân sự tiên tiến.

Hai nhà sản xuất vũ khí lớn “bắt tay”

Gần đây, giới chức Nga cho biết nước này đã tăng cường sản xuất đạn pháo trong năm 2023 lên đến 2,5 triệu quả. Trái lại, các nhà phân tích cho rằng số lượng đạn pháo này có thể vẫn không đáp ứng được nhu cầu của Matxcơva trên chiến trường.

Trong khi đó, “người bạn” Triều Tiên của Nga là nước sản xuất hàng loạt vũ khí thông thường, và được cho là đang sở hữu một lượng lớn khí tài từ thời Liên Xô, mặc dù chưa rõ tình trạng của số khí tài này.

Động thái Nga - Triều thắt chặt liên minh diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức thấp lịch sử. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng tiến hành một loạt vụ thử vũ khí kỷ lục trong năm nay.

Thậm chí, gần đây Triều Tiên còn chính thức tuyên bố vị thế quốc gia hạt nhân trong hiến pháp của nước này.

Mặt khác, cả Nga và Triều Tiên đều đang phải chịu các lệnh trừng phạt từ quốc tế do Matxcơva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine và do Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên nói hợp tác với Nga là "tự nhiên"Triều Tiên nói hợp tác với Nga là 'tự nhiên'

Phản ứng lại chỉ trích và lo ngại của các nước, Triều Tiên cho biết hợp tác với Nga là "tự nhiên" và "thông thường" giữa các nước láng giềng muốn tăng cường hợp tác với nhau.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên