27/10/2020 17:31 GMT+7

'Ngôi làng bền vững' kỳ 7: Ngôi nhà vững chãi mở ra hi vọng, vun đắp tương lai tươi sáng

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Những ngày này không chỉ miền Trung hứng chịu mưa gió bão lụt mà miền Tây giông gió cũng nhiều hơn. Nhưng giờ đây, nỗi lo chực chờ vì những ngôi nhà cũ kỹ mưa tạt, gió lùa không còn ám ảnh với những hộ dân tham gia dự án “Ngôi làng bền vững".

Ngôi làng bền vững kỳ 7: Ngôi nhà vững chãi mở ra hi vọng, vun đắp tương lai tươi sáng - Ảnh 1.

Căn nhà mơ ước của vợ chồng anh Âu Văn Cà Riêm đã thành hiện thực, giờ đây các con anh chị không còn bị thức giấc vì những cơn giông gió bất chợt - Ảnh: A.V.

Dự án là sáng kiến của Công ty cổ phần Bất động sản Sơn Kim (SonKim Land), với tư duy của một nhà phát triển cộng đồng luôn hướng tới việc mang đến những giá trị thực, những cách tiếp cận sáng tạo và sự phát triển bền vững cho cộng đồng.

Có nhà rồi mừng lắm

Gặp chị Đỗ Thị Chúc Linh, một trong tám hộ dân được xây nhà mới. Vẫn người phụ nữ lam lũ, chịu thương chịu khó nhưng nụ cười thường trực trên môi. Căn nhà xập xệ ngày nào được thay thế bằng nhà tường khang trang, vững chắc. Nhìn những con đứa học bài, đứa vui đùa mặc cơn mưa đang nặng hạt, chị Linh lại cười thêm tươi.

"Sau khi nhận được ngôi nhà mới, thì gia đình tôi cũng yên tâm đi làm, có thêm thu nhập nhiều hơn. Hồi chưa có nhà, tôi không dám đi làm, vì mưa tạt gió lùa, phải ở nhà coi chừng mấy đứa nhỏ. Cuộc sống bây giờ đã thay đổi nhiều hơn, có nhà mừng lắm. Mấy nay trời mưa bão suốt, nhưng tôi không sợ nữa, vẫn đi làm bình thường, chứ hồi xưa thì cứ phải chạy đi chạy về suốt", chị Linh tâm sự.

Ngôi làng bền vững kỳ 7: Ngôi nhà vững chãi mở ra hi vọng, vun đắp tương lai tươi sáng - Ảnh 2.

Nụ cười hạnh phúc của chị Chúc Linh, từ nay chị yên tâm chăm lo sản xuất, lo cho các con học hành đến nơi đến chốn - Ảnh: A.V.

Niềm vui của chị cũng là niềm vui chung của những hộ dân được hỗ trợ xây mới, sửa nhà. Với họ căn nhà an toàn, vững chắc tưởng chừng chỉ có trong mơ nay trở thành hiện thực là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Còn với chính quyền địa phương, cũng nhận thấy niềm vui của các hộ dân tham gia dự án đã lan tỏa và thắp lên nhiều hi vọng, nhiều sự đổi thay trong cộng đồng.

"Đến nay dự án đã góp phần giúp tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm 11%. Giờ đây, các hộ nghèo trong xã đã có nhà cửa khang trang hơn, an tâm để phát triển kinh tế gia đình.

Qua kết quả giai đoạn 1, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu, tạo điều kiện để ban quản lý dự án hỗ trợ cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở và nhà vệ sinh, các điểm trường trong khu vực có nhà vệ sinh sạch sẽ và hệ thống nước sạch đầy đủ", chị Lê Thị Kim Cương, phó chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh, nói.

Nối dài "Ngôi làng bền vững"

Ngôi làng bền vững kỳ 7: Ngôi nhà vững chãi mở ra hi vọng, vun đắp tương lai tươi sáng - Ảnh 3.

Gia đình anh Nguyễn Văn Xuyên có được ngôi nhà khang trang và kinh tế ổn định từ khi tham gia dự án "Ngôi làng bền vững" - Ảnh: A.V.

Trong chuyến thăm và khảo sát địa bàn dự án, bà Maricelle Regino Borja đã gặp gia đình anh Nguyễn Văn Xuyên - cặp vợ chồng hiền lành, chân chất, đi làm mướn mỗi ngày để nuôi ba đứa con. Anh Xuyên ao ước có thể cho các con có được một điều kiện sống tốt đẹp hơn, an toàn và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

Thông qua dự án những gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn như vậy đã được hỗ trợ toàn diện về nhà ở cũng như các giải pháp khác để giúp gia đình anh tiếp tục phát triển bền vững sau này. Đó là điều không chỉ bà Maricelle Regino Borja mà toàn thể thành viên tham gia dự án đều hướng đến.

Có thể thấy việc xây dựng nhà cho những gia đình chính sách, gia đình khó khăn không còn xa lạ. Nhưng với dự án đặc biệt này, yếu tố bền vững được đặt lên hàng đầu.

Ngôi làng bền vững kỳ 7: Ngôi nhà vững chãi mở ra hi vọng, vun đắp tương lai tươi sáng - Ảnh 4.

Không chỉ hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà, dự án còn hỗ trợ xây nhà vệ sinh và tập huấn kiến thức sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường - Ảnh: A.V.

Bà Vũ Thụy Vy, giám đốc điều hành lĩnh vực đầu tư và dịch vụ doanh nghiệp SonKim Land, chia sẻ dự án không chỉ dừng lại ở hoạt động xây và sửa nhà cho các hộ gia đình khó khăn mà còn mong muốn người dân trong khu vực dự án có thể tự đứng trên đôi chân của mình, có sinh kế bền vững, có nhận thức tốt về phòng chống thiên tai cũng như vệ sinh nước sạch.

"Vì vậy, sau giai đoạn 1 của dự án - hỗ trợ xây dựng và sửa sang nhà cửa, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo và sinh kế để đảm bảo cộng đồng được dự án hỗ trợ sẽ phát triển một cách bền vững sau khi dự án hoàn thành. Chúng tôi hi vọng Hưng Thạnh sẽ trở thành một mô hình cộng đồng thành công để từ đó trở thành động lực cho các cộng đồng khác học tập theo", bà Vy chia sẻ.

"Ngôi làng bền vững" đã mang đến cho vùng đất Hưng Thạnh, Tháp Mười những luồng gió mới, sinh khí mới. Từ những con người chỉ biết cần mẫn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nay họ tự tin, có nhiều hoạch định cho tương lai. Càng quý hơn khi chính họ sẽ là những "đại sứ" cho dự án, truyền đi những thông điệp từ chính công cuộc chuyển mình của họ.

Với sự hợp tác giữa tập đoàn SonKim Land, các cấp cơ quan chính quyền huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp và tổ chức Habitat for Humanity Việt Nam đã từng bước thực hiện dự án "Ngôi làng bền vững". Dự án được xem là nền móng để nối dài cho nhiều địa phương khác.

Ngôi làng bền vững kỳ 7: Ngôi nhà vững chãi mở ra hi vọng, vun đắp tương lai tươi sáng - Ảnh 5.

Bà Trần Thị Lệ được dự án hỗ trợ sửa nền nhà, từ nay bà không còn sợ trơn trượt, dột tạt mỗi khi mùa mưa đến - Ảnh: A.V.

Giai đoạn 2 thêm bền vững thêm các hoạt động tập huấn

SonKim Land cam kết trong giai đoạn 2 bên cạnh việc tiếp tục đồng hành mang đến nhiều hơn nữa những ngôi nhà vững chãi mà còn tiếp tục triển khai các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực và sinh kế. Từ đó, đảm bảo cộng đồng được hỗ trợ sẽ phát triển một cách bền vững. Ngôi làng bền vững sẽ là mô hình kiểu mẫu ở đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai không xa.

SonKim Land vẫn kiên trì với 4 nguyên tắc chính trong việc vận hành dự án: Hỗ trợ tập trung tại một khu vực; Hỗ trợ toàn diện cả về tài chính, tập huấn nâng cao năng lực; Hỗ trợ trên cơ sở hai chiều, có đối ứng từ phía hộ dân giúp; Ứng dụng mô hình 3 bên gồm doanh nghiệp, đơn vị phát triển cộng đồng, chính quyền địa phương.

Dự án được đảm bảo trong việc lựa chọn đúng đối tượng thụ hưởng, tiến độ công trình cũng được quản lý, giám sát chặt chẽ, tranh thủ nguồn lực từ địa phương và tạo ra môi trường phát triển bền vững cho cộng đồng trong dài hạn.

Thêm "Ngôi làng bền vững" bớt ổ chuột thị thành

Nhiều năm qua đã có nhiều dòng người miền Tây lặng lẽ bỏ quê "đi Bình Dương bán nước tương" như cái cách họ vẫn nói vui nhưng nghe mà cay xé lòng. Di dân càng dữ dội từ sau trận hạn măn lịch sử năm 2016 và mới đây là 2020 "đổ bộ" vào miền Tây, từ đây bao nhiêu dòng người cứ đổ về các đô thị, các khu công nghiệp trở thành cư dân đô thị bất đắc dĩ.

Không riêng Việt Nam mà thực trạng di dân từ nông thôn ra thành thị diễn ra khắp thế giới. Bà Maricelle Regino Borja, giám đốc quốc gia Tổ chức Habitat Vietnam, chia sẻ trung bình mỗi ngày trên thế giới có 180.000 người chuyển lên sống tại các thành phố lớn. Từ đó không thể tránh khỏi phát sinh các khu ổ chuột với điều kiện sống không đầy đủ, thường phát sinh các vấn đề bệnh tật, tội phạm...

"Đây là lý do tại sao các dự án cải thiện an toàn nhà ở và xây dựng cộng đồng bền vững với thiên tai ra đời, nhằm duy trì cuộc sống của người dân ở nông thôn, giúp họ yên tâm lao động và sản xuất", bà Maricelle Regino Borja chia sẻ.

Ngôi làng bền vững kỳ 6: Từ an cư đến lạc nghiệp - giấc mơ đã thành hình Ngôi làng bền vững kỳ 6: Từ an cư đến lạc nghiệp - giấc mơ đã thành hình

Miền Tây bước vào mùa mưa, nhiều gia đình đang lục đục lo chằng chống nhà cửa để đối phó với những cơn giông gió. Nhưng tại châu thổ Chín Rồng này, có một 'Ngôi làng bền vững' tại xã Hưng Thạnh rất khác.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên