23/11/2018 10:29 GMT+7

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 1: Nhập cư Hà Nội

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Ở Hà Nội, có một thế giới Ả Rập “thu nhỏ” sinh động và đầy màu sắc. Không khó để nhận diện họ: đàn ông thì lông mày rậm với hàm râu quai nón đặc trưng, phụ nữ thì mắt sâu to huyền bí, tóc xoăn và quấn khăn trên đầu.

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 1: Nhập cư Hà Nội - Ảnh 1.

Cộng đồng người Palestine trước gian hàng ẩm thực Palestine tại một hội chợ ẩm thực quốc tế ở Hà Nội năm 2015 - Ảnh: Đại sứ quán Palestine

Saleem Hammad (25 tuổi) người Palestine, hiện làm việc cho sứ quán Qatar, được xem là "ma xó" ở Hà Nội vì am tường văn hóa miền Bắc và nói tiếng Việt siêu giỏi.

Cảm giác Hà Nội

Saleem cho biết cuộc sống ở Việt Nam so với các nước Ả Rập nói chung, đặc biệt là quê hương Palestine của anh, rất an toàn và yên bình. Theo anh, cộng đồng người Ả Rập ở đây được tạo điều kiện thể hiện tự do tín ngưỡng và không nhận sự nghi kỵ nào từ người Việt.

"Thế giới Ả Rập hiện nay khá bất ổn vì các vấn đề địa chính trị. Do đó, Hà Nội cho tôi cảm giác rất yên bình. Cuộc sống ở đây khá thoải mái và dễ chịu. Tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập vì tôi nói được tiếng Việt - Saleem chia sẻ - Khi đến một đất nước mới sinh sống, hiểu văn hóa và ngôn ngữ nước đó rất quan trọng".

Chàng trai Palestine cho biết cộng đồng người Ả Rập ở Hà Nội rất đa dạng. Bên cạnh các cán bộ ngoại giao làm việc cho khoảng 10 sứ quán các nước Ả Rập đang hiện diện ở Hà Nội, còn có rất nhiều du học sinh (đa phần là người Palestine), các thương gia, kinh doanh nhà hàng, làm cho các công ty Ả Rập ở Việt Nam...

Cô Phạm Thị Thùy Vân (29 tuổi) - giáo viên dạy tiếng Ả Rập tại Trường đại học Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết ngày càng nhiều người Ả Rập sang Việt Nam để tìm cơ hội kinh doanh.

"Người Ả Rập rất thích các sản phẩm như quế, hồi, trầm, cây mắc ca ở Việt Nam" - cô nói.

Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, người đã gắn bó với Việt Nam ba thập kỷ, khẳng định với chúng tôi rằng tổng số người Ả Rập ở Việt Nam bao gồm cả những người gốc Ả Rập nhưng mang quốc tịch khác là không quá 200 người.

Nếu so với cộng đồng Ả Rập ở các nước khác thì quá khiêm tốn.

"Có một số người Ả Rập kết hôn với người Việt nên dễ dàng hòa nhập với cuộc sống ở đây. Từ đó, họ trở thành những thành viên tích cực của cộng đồng người Ả Rập và làm cầu nối trong việc phát triển thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia Ả Rập" - ông nói.

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 1: Nhập cư Hà Nội - Ảnh 2.

Saleem Hammad (bìa trái) tại tiệc kỷ niệm Quốc khánh Morocco tổ chức ở khách sạn Lotte, Hà Nội ngày 30-6-2018 - Ảnh: NVCC

Nhập cư vì chiến tranh

Ông Nguyễn Quang Khai, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Đông, cho biết theo sử sách, những nhà buôn Ả Rập từ vùng Trung Đông đã du nhập đạo Hồi vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 10.

Theo ông Khai, những nước có khả năng kinh tế như Algeria, Iraq, Libya đã giúp đỡ không hoàn lại và cho Việt Nam vay một khối lượng lớn dầu mỏ để giải quyết những khó khăn sau giải phóng.

Các nước như Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Saudi Arabia, Qatar... hiện đang cho Việt Nam vay tiền với các điều kiện ưu đãi và đầu tư vào nhiều dự án tại Việt Nam.

Đại sứ Saadi Salama cho biết người Ả Rập bắt đầu tìm đến Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Hàng ngàn binh lính, bao gồm người Morocco và Algeria... chiến đấu trong đội ngũ binh lính Pháp đã chạy sang quân đội Việt Nam.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Nông trường Việt - Phi tại Ba Vì, tiếp nhận hơn 300 hàng binh Ả Rập và tuyển hơn 100 công nhân Việt Nam để khai hoang, nuôi bò sữa, trồng trọt.

Trong số các hàng binh Ả Rập này, nhiều người đã lấy vợ là người Việt Nam.

Theo đại sứ Palestine, chính những người Ả Rập ở Sơn Tây đã mang đến phương pháp làm sữa chua và chế biến các loại sản phẩm từ sữa cho vùng Sơn Tây như phômai, bơ, mỡ...

"Cách chế biến sữa và làm các món ăn từ sữa thì người Ai Cập rất giỏi, họ có thể đưa cho bạn 100 sản phẩm khác nhau đến từ sữa" - ông Saadi tự hào khoe.

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 1: Nhập cư Hà Nội - Ảnh 3.

Cổng Morocco dưới chân núi Ba Vì - Ảnh: phuot.vn

Cổng Morocco ở Ba Vì

Theo cựu đại sứ Khai, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến tranh kết thúc, những người lính Morocco bị kẹt lại ở Việt Nam đã xây dựng một "làng Marốc" dưới chân núi Ba Vì, cách Hà Nội chừng 40km về phía bắc.

Họ kết hôn với các cô gái Việt Nam và sinh ra những đứa con lai mang hai dòng máu Việt Nam và Morocco.

Năm 2008, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Vương quốc Marocco Abbas El-Fassi đã đến thăm ngôi làng này và cho dựng một tấm bia bên cạnh cổng làng ghi lại những tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người lính lê dương đi theo Việt Minh.

Trả lời phóng viên Đài truyền hình Morocco đến thăm "làng Marốc", ông Mohammed Abdul Salam, một cư dân ở đây, cho biết ông bị Pháp bắt lính đưa sang chiến trường Việt Nam và ném vào chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khi cuộc chiến chống thực dân Pháp giành độc lập dân tộc bùng nổ ở Morocco, nhiều người lính Morocco như ông đã chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Chiến tranh kết thúc, ông ở lại Việt Nam, lấy vợ Việt Nam và sinh sống tại ngôi làng này.

Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều công trình trong làng bị phá hủy nhưng chiếc cổng Marocco vẫn còn nguyên vẹn dưới chân núi Ba Vì. Cổng này hiện nằm trên đất của gia đình anh Nguyễn Văn Thành, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì.

Cựu đại sứ Nguyễn Quang Khai cho biết chiếc cổng này được những người Morocco xây theo phong cách kiến trúc Morocco gọi là "Bab Al-Maghariba" trong thời gian 1956-1960 nhằm hướng về quê hương cho đỡ nhớ nhà, đồng thời để biểu thị tình yêu đối với Việt Nam.

Có khoảng 10 sứ quán Ả Rập tại Hà Nội

Theo Đại sứ Saadi, năm 1980 ở Việt Nam chỉ có bốn đại sứ quán Ả Rập. Đại sứ quán đầu tiên được thành lập ở Việt Nam là Algeria, tiếp theo là Ai Cập, Iraq và Palestine. Khi Việt Nam có chính sách đổi mới thì các quốc gia Ả Rập khác mới mở sứ quán tại Việt Nam.

Hiện có khoảng 10 sứ quán Ả Rập ở Hà Nội như: Kuwait, Ai Cập, UAE, Oman, Morocco, Palestine, Algeria, Qatar...

_____________________

Kỳ tới: Chuyện anh Mã

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên