Người đàn ông và nửa triệu chiếc đĩa "mê tư"

HOA KIM 07/10/2022 06:55 GMT+7

TTCT - Nếu bạn biết đĩa "mê tư" là gì, hẳn là bạn không còn trẻ nữa. Chiếc đĩa mềm (floppy disk) tưởng đã hoàn thành nhiệm vụ từ hơn chục năm trước, nay vẫn là "kẻ cuối cùng còn đứng vững" trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị lưu trữ này.

Người đàn ông và nửa triệu chiếc đĩa mê tư - Ảnh 1.

Với Tom Persky (72 tuổi), nhà sáng lập floppydisk.com - công ty có trụ sở tại Mỹ chuyên mua bán, tái chế và cung cấp tất tần tật các dịch vụ liên quan đến đĩa mềm, chiếc đĩa kích thước 3,5 inch với dung lượng 1,44MB (nên thế giới vi tính ngày xưa quen gọi là "mê tư") có vẻ đẹp vượt thời gian, sánh ngang những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ.

Cơ duyên

Cái duyên với nghề kinh doanh đĩa mềm đến với Persky rất bất ngờ. Sau một thời gian làm luật sư thuế cho công ty kế toán danh tiếng Price Waterhouse, ông nghỉ việc để mở một công ty phần mềm có trụ sở ở California. 

"Đó là đầu những năm 1990. Tôi không có chút kinh nghiệm nào trong mảng phần mềm, nhưng lại có nền tảng khá tốt về thuế má. Ý tưởng khi đó là tôi sẽ sử dụng kiến thức chuyên môn về thuế của mình để làm việc với các lập trình viên và phát triển những phần mềm tốt hơn dành cho dân hành nghề thuế" - Persky trả lời phỏng vấn trang Eye on Design.

Vào thời đó, phương tiện chính để phân phối phần mềm là thông qua những chiếc đĩa "mê tư" hoặc tiền thân của nó là đĩa "mê hai" (5,25 inch, dung lượng 1,2MB). Có lúc công ty của Persky chốt thành công bản hợp đồng khổng lồ với một công ty cung cấp dịch vụ quản lý tiền lương của Mỹ với số lượng đĩa mềm cần sao chép lên đến hàng trăm nghìn đĩa.

"Công ty tôi phải gửi phần mềm cho bên thứ ba để thực hiện khâu sao chép. Điều đó không thành vấn đề, nhưng lại tốn kém và mất rất nhiều thời gian trong khi chất lượng cũng không hoàn toàn như mong muốn" - Persky giải thích. Thế là kể từ sau lần đó, ông quyết định đầu tư hẳn máy móc thiết bị để sang phần mềm ra đĩa mà không cần thuê dịch vụ bên ngoài.

Nhưng xài đồ nhà cũng có chỗ dở. Đặc thù khi làm việc với ngành thuế là thường chỉ bận rộn một vài mùa trong năm, nên máy móc cũng gần như mỗi quý mới lôi ra sử dụng một lần. Các thiết bị thường không được đụng tới trong 89 ngày liên tiếp, để rồi trong một ngày cao điểm duy nhất có thể phải chạy hết công suất để cho ra lò hàng nghìn chiếc đĩa mềm. 

Nhìn vào mớ máy móc đắt tiền nằm phủ bụi gần hết thời gian của năm, Persky chợt lóe lên ý tưởng cung cấp thêm dịch vụ sao chép đĩa để tăng doanh thu.

"Tôi bắt đầu dành một giờ mỗi ngày cho việc này, rồi hai giờ, rồi bốn giờ, và cuối cùng thuê hẳn người khác làm việc đó thay mình. Quay đi quay lại, tôi đã có trong tay một công ty sao chép đĩa mềm hoạt động song song với công ty phần mềm hiện hữu" - Persky kể.

Người đàn ông và nửa triệu chiếc đĩa mê tư - Ảnh 2.

Bộ máy sang đĩa của Tom Persky.

Cái gì không hỏng thì đừng sửa

Sao chép phần mềm vào những năm 1980 và đầu thập niên 1990 được xem là ngành hot "chẳng khác gì in tiền". Khi đĩa CD rồi DVD xuất hiện, công ty của Persky cũng tiếp tục dịch vụ sao chép với các phương tiện lưu trữ mới này.

Trở lại thời ăn nên làm ra với việc chép đĩa. Ban đầu Persky không nghĩ đến chuyện bán đĩa trắng vì chúng vẫn là sản phẩm phổ biến có thể mua tại bất kỳ cửa hàng văn phòng phẩm hoạc thiết bị tin học nào. Song kể từ khi các công ty sản xuất và phân phối đĩa mềm lớn dần đóng cửa, kho đĩa mềm của công ty ông bỗng trở thành hàng hiếm được săn đón.

Nếu như doanh nghiệp của Persky từng có thời gian phụ thuộc phần lớn vào nguồn thu từ sao chép đĩa CD/DVD thì giờ đây 90% doanh thu công ty lại đến từ bán đĩa mềm trắng. "20 năm trước, tôi có mơ cũng không thể nghĩ có ngày mình sẽ bán đĩa mềm" - Persky nói khi được BBC phỏng vấn.

Persky gần đây khá bận rộn trả lời truyền thông, và với câu hỏi chắc chắn sẽ được hỏi - tại sao ông vẫn gắn bó với chiếc đĩa mềm suốt ngần ấy năm mà không chuyển sang các mô hình kinh doanh khác hợp thời hơn, Persky luôn có sẵn câu trả lời đơn giản mà dí dỏm: "Vì tôi quên".

Trong khi mọi người nhìn về tương lai và đi đến kết luận ngành công nghiệp đĩa mềm đang ngắc ngoải, Persky không thấy lý do để thay đổi khi ông vẫn duy trì dòng tiền ổn định đến từ việc kinh doanh của mình.

 "Theo thời gian, lượng người dùng đĩa mềm ngày càng đi xuống. Tuy nhiên, số lượng nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ đĩa mềm thậm chí còn giảm nhanh hơn. Nếu nhìn vào hai đồ thị đó, bạn sẽ nhận ra rằng vẫn có thị phần ngày càng tăng dành cho người cuối cùng còn trụ vững trong ngành này, và người đó chính là tôi" - Persky lý giải về lối đi riêng mà ông lựa chọn.

Hiện kho của công ty Persky có khoảng nửa triệu chiếc đĩa mềm đủ loại: 3,5 inch, 5,25 inch, 8 inch... cùng một số mẫu đĩa mềm hiếm khác không dễ tìm thấy trên thị trường. Nhưng bán chạy nhất vẫn là mẫu 1,44 MB - không đủ chứa một tấm ảnh chụp bằng smartphone ngày nay.

Khách hàng cũng có thể gửi đĩa mềm không còn sử dụng đến công ty của Persky để tái chế thay vì vứt vào thùng rác. Số lượng đĩa mềm tiếp nhận theo hình thức này có khi lên đến 1.000 đĩa mỗi ngày, trong đó 90% là hàng đã qua sử dụng và phần còn lại là đĩa mềm còn mới nguyên. "Với lượng kiện hàng gửi đến đều đặn, mỗi ngày ở công ty đều như Giáng sinh" - Persky nói vui.

Có lần, một người đàn ông gọi điện đến văn phòng công ty ngỏ ý muốn bán lại 50.000 đĩa mềm mà ông vô tình tìm thấy trong một lần dọn dẹp gara. Lần khác, một công ty trong lúc dọn nhà kho cũng tìm thấy một kiện hàng đĩa mềm còn mới nguyên và liên hệ Persky để nhượng lại. Nhờ vậy mà dù đã hơn 10 năm không còn nguồn cung từ một nhà sản xuất đĩa mềm chính thức, Persky vẫn tự tin mình có đủ nguồn hàng để duy trì kinh doanh "ít nhất 4 năm nữa".

Người đàn ông và nửa triệu chiếc đĩa mê tư - Ảnh 3.

Ai mua đĩa mềm?

Khách hàng dễ tính nhất của Persky là những người chơi đĩa mềm vì đam mê - những người chỉ muốn mua 10, 20 hoặc có thể là 50 cái để thỏa mãn sở thích cá nhân. Tuy nhiên, doanh thu phần lớn lại đến từ nhóm khách hàng công nghiệp - những người phụ thuộc vào đĩa mềm để giao tiếp với các loại máy móc công nghiệp được thiết kế từ thế kỷ trước.

Một ví dụ điển hình là ngành công nghiệp hàng không: Persky ước tính có khoảng một nửa số lượng máy bay đang sử dụng trên toàn thế giới có tuổi đời trên 20 năm và vẫn còn sử dụng đĩa mềm trong thiết kế. 

Nhiều thiết bị y khoa cũng chỉ trao đổi thông tin thông qua đĩa mềm mà không tương thích với đĩa quang hay ổ flash. Không quân Hoa Kỳ cũng mới chính thức ngưng dùng đĩa 8 inch để chuyển dữ liệu hồi năm 2019, khi đã bền bỉ phụ thuộc vào phương tiện này từ những năm 1970.

Nhưng khách hàng lớn nhất phải kể đến là ngành dệt may: hàng nghìn dòng máy thêu được thiết kế để sử dụng đĩa mềm vẫn đang hoạt động cho đến ngày nay, theo Persky. "Hãy tưởng tượng đó là năm 1990 và bạn đang chế tạo một cỗ máy công nghiệp lớn. Bạn thiết kế để nó có tuổi thọ 50 năm và muốn sử dụng công nghệ tốt nhất hiện có. Vào thời điểm đó, công nghệ đó chính là đĩa mềm 3,5 inch" - Persky giải thích.

Nếu nhu cầu sử dụng thực tế vẫn còn, tại sao không còn ai sản xuất đĩa mềm? Theo lý giải của Persky, dây chuyền sản xuất ra các thành phần phức tạp của đĩa mềm đòi hỏi đầu tư tốn kém nên hiệu quả kinh tế trong bối cảnh hiện nay là không khả thi. Một chiếc đĩa mềm được tạo nên từ 9 thành phần khác nhau: khuôn nhựa, đĩa, cửa chớp, lò xo... 

"Có thể bạn tự sản xuất được 8/9 thành phần này nhưng, như tôi vẫn nói, dù hoàn thành 95% thì bạn cũng chỉ mới đi được nửa chặng đường. Bạn cần tất cả thành phần để tạo nên chiếc đĩa mềm hoàn chỉnh" - Persky giải thích.

Hơn thế nữa, theo thời gian, các thiết bị sử dụng đĩa mềm sẽ chỉ giảm xuống chứ không tăng thêm. "Ai lại muốn đầu tư một nhà máy 25 triệu USD chỉ để sản xuất một thứ nhân loại đã không thèm sản xuất trong 25 năm qua cơ chứ?"

Người đàn ông và nửa triệu chiếc đĩa mê tư - Ảnh 4.

Ảnh: Gigazine

Tình cảm đặc biệt với đĩa mềm

Là người chứng kiến đĩa mềm ra đời và nằm gai nếm mật cùng nó khi cực thịnh cho đến lúc thoái trào, Persky thừa nhận dành cho đĩa mềm tình cảm gắn bó đặc biệt bên cạnh sự trân trọng đối với thứ mà ông cho là xứng hàng kiệt tác trong các phát minh kỹ thuật.

"Chúng có vẻ đẹp và sự sang trọng khó tả. Tôi hiểu chúng phức tạp như thế nào và là một giải pháp thanh lịch cho thời đại của chúng ra sao" - Persky xúc động bày tỏ. Cũng như một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ là tác phẩm nghệ thuật đáng để thưởng thức chứ không chỉ phục vụ chức năng hiển thị giờ, đĩa mềm với Persky cũng không còn đơn thuần là một thiết bị lưu trữ hết thời.

Công việc của người đàn ông 72 tuổi này thỉnh thoảng mang đến cho ông những bất ngờ nho nhỏ. Một số người gửi đến chiếc đĩa mềm họ vô tình tìm thấy trong ngăn bàn và muốn nhờ ông khôi phục danh bạ cũ, luận văn tiến sĩ hoặc những hình ảnh cũ có thể còn được lưu giữ bên trong. Những lá thư cảm ơn mà Persky nhận được sau khi giúp cứu sống những tư liệu quý giá đó luôn khiến ông cảm thấy thêm yêu nghề hơn.

"Có những người tìm lại được ảnh người bà quá cố hoặc ảnh chụp lúc còn nhỏ - những thứ có ý nghĩa cá nhân rất quan trọng - Persky nói - Chúng tôi không làm từ thiện và không cần được khen vì những việc mình làm, nhưng thật vui khi biết rằng chúng tôi đang mang đến cho mọi người những thứ họ thật sự cần".■

Theo báo Anh The Telegraph ngày 1-9, Bộ trưởng Kỹ thuật số Nhật Bản Taro Kono vừa "tuyên chiến" với đĩa mềm - thứ công nghệ lạc hậu (cùng với máy fax và con dấu cá nhân) mà nhiều bộ phận trong chính phủ vẫn còn chưa chịu bỏ.

Theo ông Kono, khoảng 1.900 điều khoản về thủ tục giấy tờ ở Nhật vẫn đòi hỏi phải gửi nhận qua đĩa mềm hoặc CD. "Ngày nay mà muốn mua đĩa mềm thì biết mua ở đâu? Chúng tôi sẽ đánh giá lại các quy định này sớm nhất có thể" - ông bộ trưởng tuyên bố.

Việc đĩa mềm còn "sống khỏe" ở Nhật không quá bất ngờ khi có đến gần 20% người trẻ từ 15 - 29 tuổi ở Nhật vẫn đang sử dụng phát minh này, CBS News dẫn một khảo sát năm 2022 do một tổ chức tư nhân thực hiện.

Người đàn ông và nửa triệu chiếc đĩa mê tư - Ảnh 6.

Sony lần đầu tiên ra mắt đĩa 3,5 inch năm 1981 và góp phần giúp nó trở nên phổ biến, nhất là trong thập niên 1990 - đầu 2000. Năm 1996, 5 tỉ đĩa mềm được sử dụng. Nhưng dung lượng quá ít, dễ hỏng khiến đĩa mềm sớm bị thay thế bởi các thiết bị lưu trữ khác.

"Trời ơi tin được không, Sony bán được tới 12 triệu đĩa mềm 3,5 inch ở Nhật vào năm ngoái. Nhưng than ôi, thời gian không chờ một ai, thiết bị lưu trữ dữ liệu thần thánh vốn có từ những năm 1981 sẽ bị ngừng sản xuất vào tháng 3 năm sau. Sony là nhà sản xuất lớn cuối cùng còn làm những chiếc đĩa nhựa này, nhưng điều này sẽ sớm chấm dứt. Đã bị cho ra rìa ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đĩa mềm giờ cũng sẽ chấm dứt ở thị trường nội địa và có thể chính thức thành quá vãng."

(Trích mẩu tin Sony sẽ dừng bán đĩa mềm ở Nhật từ tháng 3-2011, đăng trên Engadget vào ngày 26-4-2010)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận