20/12/2012 07:45 GMT+7

Người mua nhà được vay lãi suất thấp

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - “Ít ngày nữa sẽ giảm tiếp lãi suất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ giảm thuế cho lĩnh vực bất động sản”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy khi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội sáng 19-12.

MR760oyL.jpgPhóng to
Theo UBND TP Hà Nội, khu nhà Trung Yên Plaza nằm trong 23 dự án nhà ở có căn hộ tồn kho - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ngân hàng đưa ra gói ưu đãi với lãi suất thấp để người dân có thể vay mua nhà sẽ được nêu trong nghị quyết của Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội sáng 19-12 về gỡ khó cho bất động sản gắn với xử lý nợ xấu.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS). Theo đó, một trong những giải pháp được xem như đột phá là kiến nghị mua nhà thương mại để phục vụ tái định cư.

Thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân

Báo cáo về thực trạng thị trường BĐS tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo cho biết đang có 5.789 căn chung cư, 3.843 căn biệt thự và nhà liên kế tồn kho. Còn nợ xấu BĐS tại Hà Nội chiếm khoảng 13% tổng dư nợ xấu của ngân hàng.

Theo ông Thảo, thị trường BĐS tại Hà Nội đang có thực tế nhà ở thương mại phân khúc cao cấp, biệt thự và nhà liên kế rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu. Trong khi nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập trung bình, thu nhập thấp còn rất lớn: ước toàn TP có khoảng 114.500 cán bộ, công nhân viên chức đang có nhu cầu mua nhà ở, còn số hộ gia đình có diện tích ở dưới mức bình quân khoảng 375.000 hộ, tương đương 52% số hộ gia đình trên địa bàn TP.

“Thị trường BĐS phát triển không ổn định, giá cả hàng hóa BĐS - đặc biệt giá nhà ở - biến động bất thường, thực trạng đầu cơ còn nhiều, cơ cấu hàng hóa BĐS nhà ở mất cân đối, thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ có giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt là loại hình nhà ở cho người thu nhập thấp” - ông Thảo nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thảo, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS, nhất là giải quyết nợ xấu và chính sách hỗ trợ về vốn, về giải quyết quỹ nhà tồn đọng, việc giải quyết nợ xấu cho doanh nghiệp BĐS cần tập trung xem xét cho các doanh nghiệp BĐS được khoanh nợ xấu, cơ cấu lại các khoản nợ vay cũ, đang chịu lãi suất cao để chuyển sang hưởng mức lãi suất theo chính sách hiện nay.

Đồng thời xem xét cho doanh nghiệp BĐS được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới để tiếp tục hoàn thiện các dự án có tính thanh khoản cao, sớm hoàn chỉnh phần nhà ở đang xây dựng dở dang để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

yUsWpRRK.jpgPhóng to

Diễn biến lãi suất cho vay bất động sản thời gian qua - Ảnh: N.Khánh - Đồ họa: Như Khanh

Dân nghèo mà quy hoạch toàn nhà to

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Tôi nghe các ý kiến nêu chỉ riêng chuyện nhà ở đã có tới 250 ngành sản xuất đi theo. Thậm chí có ý kiến nói làm được nhà thì mấy ông họa sĩ cũng có chỗ bán được tranh, chưa nói tới nhóm nghề cây cảnh, hoa kiểng cũng phát triển. Vì thế tồn kho lớn nhất, nợ xấu lớn nhất hiện nay vẫn là BĐS nên trọng tâm tới đây là phải tháo gỡ”.

Đề cập vấn đề thị trường BĐS đang chạm đáy và đồng ý với một số ý kiến nêu nguyên nhân tồn đọng của thị trường BĐS có lý do khách quan, tuy nhiên Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân đầu tiên là do quản lý nhà nước yếu kém. “Dân mình còn nghèo mà quy hoạch dự án toàn nhà to, nhà sang, trong khi nhà nhỏ, nhà thu nhập thấp cho người lao động vẫn thiếu. Vì vậy Hà Nội cần rà soát quy hoạch theo hướng có cơ cấu hợp lý, chú ý quan tâm tới nhà ở xã hội, bớt resort, bớt nhà cao cấp” - Thủ tướng lưu ý.

Đi liền với việc điều chỉnh quy hoạch, chú trọng phát triển nhà ở cho cán bộ công nhân viên, người thu nhập thấp, Thủ tướng cũng yêu cầu cả Chính phủ, Hà Nội, các địa phương cần tập trung hoàn thiện và sớm ban hành bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với phát triển nhà ở xã hội và người được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội.

Theo Thủ tướng, ngoài chính sách khuyến khích nhà đầu tư xây nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cần sớm bổ sung các chính sách ưu đãi đối với các đối tượng được mua, được thuê mua nhà ở xã hội theo hướng khuyến khích cả ba loại hình gồm thuê, thuê mua và mua trả một lần.

“Đối với lãi suất cho vay, tới đây Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng, kiên quyết đưa ra gói cho vay ưu đãi. Làm thí điểm trước ở Hà Nội hay Quảng Ninh hoặc ở TP nào đó. Có thể tính dành khoảng 20.000-40.000 tỉ đồng theo hướng lãi suất cơ bản. Các ngân hàng cũng cho vay với lãi suất thấp, kèm theo đó là quỹ hỗ trợ của các địa phương. Đặc biệt nếu chúng ta kiểm soát lạm phát, mức cho vay một năm với lãi suất 4-5% chắc là người dân mua nhà được. Những định hướng này, chủ trương này sẽ được đưa vào nghị quyết để ban hành, triển khai sớm” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM):

Sẽ kích hoạt toàn bộ thị trường

Tại TP.HCM, chỉ riêng công chức đã lên tới hơn 210.000 người. Một bộ phận không nhỏ trong số này có nhu cầu mua nhà để ở nhưng lãi suất quá cao nên họ không dám vay.

Thời gian qua, nhiều người có tiền vẫn tâm lý chờ giá giảm thêm. Khi thấy Chính phủ đã có định hướng rõ nét về thị trường này, người ta có thể trở lại, kể cả đầu tư. Như vậy, dù số tiền hỗ trợ lãi suất không lớn và chỉ những dự án căn hộ phân khúc trung bình và giá thấp hưởng lợi trực tiếp, nhưng sẽ kích hoạt toàn bộ thị trường ở tất cả phân khúc.

Ông Nguyễn Văn Đực (phó giám đốc Công ty Đất Lành):

Không dám vay vì lãi suất cao

Nhu cầu mua nhà để ở có giá 1 tỉ đồng/căn trở lại khá lớn. Với gói hỗ trợ lãi suất, lãi vay phải trả của người mua nhà sẽ giảm một nửa và duy trì trong nhiều năm, nên họ sẽ không bỏ qua cơ hội. Ví dụ, căn hộ trị giá 600 triệu đồng, người mua trả trước 200 triệu, còn lại vay hơn 400 triệu đồng. Với lãi suất được hỗ trợ, người vay chỉ phải trả 2,5 triệu đồng lãi/tháng thay vì 5 triệu/tháng như trước, cộng với tiền nợ gốc 4 triệu đồng/tháng, tính ra người vay chỉ phải trả 6,5 triệu đồng/tháng, nằm trong khả năng chi trả của những cặp vợ chồng có thu nhập 15 triệu đồng/tháng trở lại.

TS Trần Du Lịch (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):

Lãi suất phải ổn định thời gian dài

Bên cạnh hỗ trợ lãi suất cho người vay mua nhà, cần có cam kết cố định mức lãi suất này trong ít nhất ba năm thì người dân mới dám vay mua nhà. Thời gian qua lãi suất cho vay liên tục giật cục, có thời điểm lên trên 20%/năm khiến nhiều người vay tiền mua nhà “chết đứng”.

Bên cạnh đó, tỉ lệ cho vay cũng là vấn đề cần xét đến. Do lo ngại biến động từ thị trường, nhiều ngân hàng xét tỉ lệ cho vay rất thấp. Nên cho vay 70-80% giá trị bất động sản thế chấp, đồng thời kéo dài thời hạn cho vay lên đến 15-20 năm.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên