22/06/2020 11:30 GMT+7

Người nước ngoài được mua bất động sản du lịch?

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Có thể tăng tỉ lệ sở hữu nhà của người nước ngoài tại các tòa chung cư và bán căn hộ du lịch (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng cho người nước ngoài, tuy nhiên, sẽ kiểm soát chặt.

Người nước ngoài được mua bất động sản du lịch? - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch nhằm gỡ khó cho ngành này. Trong ảnh: một khu bất động sản du lịch tại Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC

Để gỡ khó cho thị trường bất động sản (BĐS) trong dài hạn, ông Nguyễn Trọng Ninh - cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) - cho biết bộ đang nghiên cứu, kiến nghị Thủ tướng cho sửa đổi Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS theo hướng tăng tỉ lệ sở hữu nhà ở người nước ngoài và các tổ chức nước ngoài trong mỗi tòa chung cư. Đồng thời, kiến nghị cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các BĐS du lịch tại Việt Nam.

Tồn kho tăng, bất động sản cần hỗ trợ?

Cũng theo ông Ninh, quy định của Luật nhà ở hiện nay đã cho phép tổ chức nước ngoài, người nước ngoài được sở hữu nhà ở khi đầu tư dự án nhà ở tại Việt Nam. Theo đó, họ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Người nước ngoài muốn mua nhà ở phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định. Đồng thời, họ chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư.

Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường, người nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 250 căn nhà.

Thời gian sở hữu nhà với người nước ngoài được quy định không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm nếu có nhu cầu. Trường hợp người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài.

Số liệu của Bộ Xây dựng cho biết cả nước hiện có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, với khoảng 39.100 căn hộ du lịch (condotel). Trong đó, có 48 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang triển khai xây dựng, với 18.549 căn hộ du lịch và 3.359 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng.

Báo cáo của 34 tỉnh, thành phố gửi về Bộ Xây dựng ghi nhận trong quý 1 năm nay có 5 dự án bất động sản được cấp phép đầu tư, với 4.512 căn hộ du lịch và 476 biệt thự du lịch được cấp phép. Loại hình căn hộ du lịch mới hình thành nhưng đang phát triển rất nhanh, chủ yếu ở các vùng ven biển.

Trong những tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, giao dịch giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho bất động sản tăng mạnh. Ước tính giá trị tồn kho bất động sản của các doanh nghiệp đã niêm yết lên sàn tương đương 104.550 tỉ đồng. 

Lượng tồn kho bất động sản chủ yếu là căn hộ cao cấp, căn hộ du lịch. Bộ Xây dựng tính toán nếu không ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì trong quý 1 năm nay các chủ đầu tư có thể giải phóng được 15 - 20% lượng tồn kho bất động sản.

Người nước ngoài được mua bất động sản du lịch? - Ảnh 2.

Nha Trang (Khánh Hòa) là nơi có nhiều dự án bất động sản du lịch ở Nam Trung Bộ - Ảnh: DUY THANH

Kiểm soát chặt cư trú, di trú

Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Đoàn luật sư TP Hà Nội - cho rằng quan điểm về đầu tư kinh doanh bất động sản phải khác đi, giải pháp chính sách của ta hay chạy theo tình thế, giải quyết mục tiêu ngắn hạn. 

Người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng, họ phải tính toán đầu tư lâu dài. Cách làm chính sách cũng phải tư duy dài hạn, chỉ hạn chế người nước ngoài sở hữu đất đai, đặc biệt ở những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng còn lại không nên hạn chế người nước ngoài. Họ tham gia đầu tư, mua bán, bởi đây cũng là một kênh vốn đầu tư vào thị trường.

Theo luật sư Lập, chúng ta đang nhầm lẫn giữa kiểm soát sở hữu với kiểm soát định cư, cư trú và di trú. Tại nhiều quốc gia, sở hữu, mua bán bất động sản nhà ở là tự do, bởi họ quan niệm bất động sản là kinh doanh. Không giới hạn về sở hữu nhà ở, nhưng họ kiểm soát chặt việc di trú, cư trú, vì thế sở hữu bất động sản nhà ở không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, để bảo đảm an ninh quốc gia cần ngăn chặn tình trạng chính phủ nước ngoài núp bóng tư nhân để sở hữu bất động sản nhà ở tại Việt Nam. Hiện nay việc buông lỏng quản lý di trú, cư trú của người nước ngoài đang dẫn đến tình trạng không kiểm soát được hoạt động đầu tư BĐS của người nước ngoài thời gian qua.

Trong khi đó, một chuyên gia BĐS lại cho rằng người nước ngoài, doanh nhân nước ngoài sang Việt Nam chỉ làm việc theo nhiệm kỳ chứ họ không ở suốt đời. Vì thế, không nên kỳ vọng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng nếu sửa luật.

Ông Nguyễn Văn Đính - phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - phân tích trên mục tiêu của Việt Nam là đứng top 3 Asean về năng lực cạnh tranh du lịch, đón 35 - 50 triệu khách quốc tế vào năm 2030. Đây là thách thức lớn, vì Việt Nam vẫn rất thiếu hạ tầng du lịch. Hiện mới có khoảng 100.000 phòng nghỉ dưỡng từ 3-5 sao trở lên (bao gồm cả căn hộ condotel), còn thiếu khoảng 300.000 phòng nghỉ dưỡng nữa.

Theo ông Đính, các nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ là nhà đầu tư thứ cấp, vì thế  thu hút nguồn vốn này để hoàn thiện hạ tầng cho ngành du lịch. Nên để người nước ngoài mua dự án bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có condotel và biệt thự nghỉ dưỡng, nhưng không làm thay đổi bản chất dự án đó. 

"Các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng người nước ngoài mua cũng không thể tách rời khỏi dự án, buộc phải tham gia kinh doanh cùng dự án" - ông Đính nhấn mạnh.

Khuyến khích bán, trừ một số khu vực

Ông Đào Trung Chính - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai - cũng cho rằng nên ủng hộ đề xuất bán bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có condotel và biệt thự nghỉ dưỡng cho người nước ngoài, trừ những khu vực trọng yếu về quốc phòng an ninh. Còn lại nên khuyến khích doanh nghiệp mua bán, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng để nâng cao hiệu quả khai thác đất đai. Hiện nay Luật đất đai cũng quy định người nước ngoài được thuê đất đến 50 năm, trong trường hợp có nhu cầu sẽ được gia hạn thêm.

Bên cạnh đó, việc nâng tỉ lệ nhà ở bán cho người nước ngoài tại một dự án cũng không có gì phức tạp nếu chúng ta đủ khả năng quản lý. Chúng ta khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì cũng phải khuyến khích họ kinh doanh, kể cả kinh doanh chỗ ở. Tuy nhiên, việc nới quy định mua nhà ở, mua bất động sản nghỉ dưỡng với người nước ngoài cần có đánh giá tổng thể nhu cầu thực tế của người nước ngoài tại Việt Nam để nới với tỉ lệ phù hợp.

Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng (phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh):

Không ảnh hưởng quá lớn

thieu tuong nguyen hai hung 2 2(read-only)

Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng

Vừa qua có tình trạng người nước ngoài "lợi dụng", đứng tên người trong nước mua đất đai tại một số thành phố lớn vì Luật đất đai cấm mua bán, chuyển nhượng đất đai cho người nước ngoài. Đây là vấn đề cần quan tâm để tránh trường hợp tương tự. Việc chuyển nhượng các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như condotel và biệt thự nghỉ dưỡng cho người nước ngoài nếu quản lý được thì không có gì lớn. Đây là đất dự án nghỉ dưỡng nên nó không ảnh hưởng quá lớn.

Nếu cho phép mua bán, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng cho người nước ngoài cần quản lý chặt trong khâu cấp phép đất đai dự án. Theo quy định của Luật quốc phòng, những dự án liên quan đến quốc phòng an ninh phải có thẩm định của Bộ Quốc phòng.

Ông Phan Việt Hoàng (tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa):

Điểm nghẽn cần tháo gỡ

phan viet hoang 1 3(read-only)

Ông Phan Việt Hoàng

Đề xuất của Bộ Xây dựng cũng hợp lý trong giai đoạn này nhưng thực ra BĐS du lịch tại VN chỉ phát triển ở những địa phương có vùng biển đảo là chính. Nếu mở rộng bán cho người nước ngoài thì chỉ nên có những khu vực đặc thù riêng và tỉ lệ thế nào cho phù hợp, kèm theo những điều kiện chặt chẽ. Cần thí điểm, có tỉ lệ phần trăm nhất định cho từng vùng, từng dự án, bởi nếu thực hiện diện rộng thì rất phức tạp, khó quản lý, chưa lường hết được các hệ lụy.

Gần đây có vài vụ "đụng" tới việc người nước ngoài, cụ thể là người Trung Quốc, mua đất, dư luận, dân chúng phản ứng. Đặc biệt, đề xuất bán BĐS du lịch cho người nước ngoài chỉ là một trong những giải pháp để tháo gỡ những "điểm nghẽn" của kinh tế BĐS. Vấn đề mấu chốt là phải điều chỉnh luật cho phù hợp bởi tiềm năng của nhà đầu tư trong nước rất mạnh.

Chỉ vì một vụ lùm xùm với condotel của Cocobay Đà Nẵng mà từ năm ngoái đến nay thị trường căn hộ du lịch ở Việt nam "đứng bánh". Rủi ro quá cao do quy định pháp luật chưa hoàn chỉnh. Đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ sớm nhất.

DUY THANH ghi

Người Trung Quốc Người Trung Quốc 'lách luật' mua đất: Thu hồi được không?

TTO - Trong báo cáo trả lời chất vấn cử tri gửi tới Quốc hội mới đây, Bộ Quốc phòng cho biết người Trung Quốc đang sở hữu hơn 162.000 ha đất tại Việt Nam, trong đó có khoảng 6.300 ha đất biên giới, ven biển.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên