15/10/2018 15:27 GMT+7

Người nước ngoài than tiếng ồn là tật xấu 'khó trị' của người Việt?

HỒNG VÂN - HÀ MY  ghi
HỒNG VÂN - HÀ MY ghi

TTO - Hỏi những người nước ngoài từng sống ở VN về những tật xấu của người Việt, họ thẳng thắn chỉ ra rất nhiều thói tật cần phải thay đổi. Đặc biệt là vấn đề tiếng ồn.

Người nước ngoài than tiếng ồn là tật xấu khó trị của người Việt? - Ảnh 1.

Hát karaoke tại nhà gây ồn ào trong khu dân cư là hình ảnh phổ biến từ thành thị đến nông thôn (ảnh chụp ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau đây là ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ

* Ông MICHAEL V. (người Pháp):

Chuyển nhà vẫn không thoát tiếng ồn

Tôi là người khó ngủ và nhạy cảm với tiếng ồn nên những khu dân cư yên tĩnh là tiêu chí hàng đầu khi tôi chọn thuê nhà ở Việt Nam. Năm ngoái, tôi phải chuyển nhà hai lần vì tiếng ồn. Cứ 4h30 sáng là người hàng xóm nhà tôi mở đài radio rất to. Vào lúc tĩnh mịch đó, âm thanh này cũng cỡ như sét đánh ngang tai khiến tôi thức giấc và không thể nào ngủ lại được nữa. Chịu không nổi tôi phải dọn nhà. 

Tôi rất thích Việt Nam vì yên bình, vật giá rẻ và đời sống ít áp lực, nhưng tôi chưa thấy ở đâu khác lại lắm tiếng ồn như ở đây. Mở cửa sổ ra là tiếng xe, tiếng còi, tiếng loa mở nhạc chát chúa, tiếng hát karaoke nhà hàng xóm ập vào.

Tôi nghĩ ô nhiễm tiếng ồn chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý và thể chất. Nó có thể làm người ta luôn cảm thấy căng thẳng, bực bội, mất ngủ kéo dài dẫn đến các vấn đề tâm lý khác như cáu gắt, khó chịu... Ở Pháp, theo luật, bạn không được gây ồn ào sau 10 giờ đêm đến trước 6 giờ sáng. Tuy nhiên, bạn cũng không được gây tiếng ồn quá lớn trong ngày. 

Khi hàng xóm ồn ào, chúng tôi có thể góp ý với họ hoặc gọi điện báo cảnh sát. Đa số trường hợp khi cảnh sát đến và nhắc nhở, họ cũng giảm ồn hoặc thôi đi. Rất ít trường hợp khi cảnh sát quay lưng đi mọi thứ lại đâu vào đấy. Tuy nhiên, nếu ai quá lì lợm, tôi chắc chắn cảnh sát sẽ có biện pháp để phạt họ về hành vi gây ồn ào, ảnh hưởng đến người khác. Trát phạt tiền sẽ được gửi đến gia đình này ngày hôm sau.

Ở Việt Nam, trong các quán cà phê, có nhiều nhóm bạn người Việt rất hồn nhiên cười nói lớn tiếng theo kiểu mình người đông thế mạnh, ai làm gì được mình! Tuy nhiên, nếu để ý, bạn sẽ thấy những ánh mắt và vẻ mặt ngao ngán của người khác...

* Anh JEERACHART JONGSOMCHAI (người Thái Lan):

Cần chế tài nghiêm khắc

Nói về tiếng ồn thì nước tôi cũng ô nhiễm tiếng ồn không thua gì nước các bạn. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất tôi nhận thấy là ở Việt Nam mọi người đều bấm còi xe rất nhiều. Trong khi đó, Thái Lan dù là nước kẹt xe nhiều thứ ba thế giới nhưng chúng tôi đều cố gắng yên lặng nhất có thể khi đi trên đường để tránh làm phiền người khác.

Một điều khác tôi thấy nên thay đổi là thói quen đậu xe máy lấn chiếm lòng lề đường, cản trở việc đi lại của người đi bộ, đồng thời làm mất cảnh quan đô thị. Tôi thấy người Việt rất đáng yêu và vô cùng tốt tính, nhưng nhiều người có hành vi ích kỷ và họ không nghĩ sẽ ảnh hưởng đến người khác. Chính vì vậy những vấn đề này thuộc về thái độ của người dân hơn là sự lỏng lẻo của quy định.

Tôi nghĩ giải pháp tốt nhất cho những việc này là sự kết hợp giữa luật pháp và giáo dục. Cần có những quy định nghiêm khắc và người giám sát nhằm đảm bảo quy định được thực thi. Bên cạnh đó, giáo dục cũng cần phải giúp người dân hiểu tầm quan trọng và tính cấp thiết của những quy định này thay vì chỉ áp đặt chúng.

* Anh MICHAEL DOLAN (người Ireland):

Phép lịch sự tối thiểu

Ở nước tôi cũng có nhiều người làm phiền đến người khác nhưng không nghiêm trọng như ở đây. Chúng tôi cũng thường xuyên phải đối mặt với việc hàng xóm chơi nhạc cụ, những bữa tiệc đêm khuya, hay mở nhạc, tivi lớn tiếng. Tuy nhiên, nhiều người cũng lịch sự là có cảnh báo hàng xóm khi có khách đến chơi. Tôi nghĩ đó cũng là một phép lịch sự tối thiểu. Như vậy, người khác sẽ không quá khó chịu và không cảm thấy mình không được tôn trọng.

Một trong những thói quen xấu mà tôi ghét nhất có lẽ là xả rác. Các bạn có một đất nước vô cùng đẹp, với những cảnh quan, địa điểm du lịch ấn tượng hơn hết thảy các nước khác, nhưng lại phá hủy nó bằng rác thải nhựa. Điều này thật sự đáng tiếc. Ở nước tôi, nếu bạn xả rác hoặc làm ồn gây phiền đến hàng xóm, bạn có thể bị phạt hoặc ngồi tù, nếu vi phạm nhiều lần. Tôi nghĩ điều này nên được áp dụng ở nước các bạn.

* Anh VONGTHASITH SONG (người Lào):

Không dám than phiền

Tôi đã sống ở Việt Nam gần bốn năm và một trong những điều tôi vẫn không thể làm quen được là việc lấn chiếm lòng lề đường và thái độ của người dân khi tham gia giao thông.

Hiện tại tôi đang sống ở một khu dân cư khá nhỏ và gần như cuối tuần nào cũng có một vài sự kiện diễn ra. Những sự kiện này luôn bao gồm tiết mục hát karaoke hoặc mở nhạc lớn từ sáng sớm đến chiều tối, đêm khuya. 

Khi những sự kiện này diễn ra, chủ nhà luôn bày bàn ghế ra lòng lề đường làm cản trở giao thông. Nhiều quán ăn ở Việt Nam cũng hay bày bán trên lề đường với nhiều bàn ghế, không còn đường cho người đi bộ.

Tôi còn nhớ trong một lần tôi muốn đưa xe máy từ nhà ra vì có việc cần phải ra ngoài, tôi đã lịch sự nhắc nhở họ dọn bàn ghế vào để tôi có thể đi. Tuy nhiên, nhiều người trở nên hung hăng với tôi khiến tôi chẳng dám than phiền nữa. Một vấn đề khác là tôi cảm thấy như việc vi phạm luật giao thông đã trở thành một nét "văn hóa" ở đây nên không hi vọng có thể thay đổi.

* Anh ROB WATSON (người Mỹ):

Ô nhiễm tiếng ồn quá nghiêm trọng

Ở Việt Nam có nhiều tiếng ồn, đặc biệt là tiếng ồn từ các công trình xây dựng. Tiếng ồn này cùng với tiếng ồn từ động cơ xe cộ lưu thông trên đường khiến cho mức độ ô nhiễm tiếng ồn ở các thành phố lớn cao không thể tưởng. Tôi nghĩ nhà chức trách nên có biện pháp hạn chế tiếng ồn giao thông như ở Thái Lan, Đài Loan...

Khạc nhổ, vứt tàn thuốc lá trong lúc chạy xe máy, xả rác khi đang chạy xe, tè bậy... đều là những hành vi thiếu tôn trọng người khác ở nơi công cộng. Cơ quan chức năng nên áp dụng những hình thức phạt gắt gao đối với người xả rác hoặc làm ồn gây phiền toái đến người khác. 

Bên cạnh đó, tôi nghĩ trẻ em và người lớn nên cùng tham gia dọn dẹp, nhặt rác ở các khu dân cư, hoặc địa điểm du lịch lớn để họ có thể thấy vấn đề này nghiêm trọng thế nào. Đồng thời, nhờ đó mà họ sẽ không còn nghĩ rằng rác thải là "vấn đề của người khác".

* Anh HỒ LÂM (người Mỹ gốc Trung Quốc):

Nên gọi điện báo cảnh sát

Người Việt Nam, người Trung Quốc sống ở Mỹ thường ồn ào vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều nhà đốt pháo đì đùng, hàng xóm bực quá gọi báo cảnh sát. Người Mexico ở Mỹ thì lại hay ca hát, ăn nhậu. Khi rượu vào, lời ca tiếng hát của họ rất ồn ào.

Ở Mỹ, mọi người được khuyên là không nên sang trực tiếp nhà hàng xóm để than phiền khi họ gây ồn ào vì dễ có nguy cơ bị họ rút súng bắn chết! Đầu tiên là do mình đi vào nhà họ mà chưa xin phép, hai là nếu lỡ lời than phiền của mình không được họ tiếp nhận với thái độ cầu thị thì họ cũng có thể phản ứng kiểu xã hội đen. Vì vậy, an toàn nhất là gọi điện báo với cảnh sát. Cảnh sát là những người được giao nhiệm vụ để đảm bảo trật tự.

* Anh THOMAS BISSELL (người Canada):

Tôi học "sống chung với lũ"

Một thói quen của người Việt mà tôi phải học khi đến sống ở đây là thái độ "sống chung với lũ". Là người nước ngoài, tôi nghĩ việc nhận biết được nhiều thứ ở đây khác với nước mình là điều quan trọng.

Chúng ta có thể không thấy thích nhưng đó là cách mà những chuyện đó diễn ra và tôi nghĩ là tôi nên thích nghi với chuyện đó hơn là thay đổi người khác. Trước khi chuyển đến sống ở một khu vực nào đó, tôi dành thời gian nghiên cứu khu vực đó trước. Ngoài ra, tôi nghĩ nếu bạn muốn người khác tôn trọng mình thì hãy cho họ thấy bạn tôn trọng họ trước.

Canada là một quốc gia đa văn hóa, là nơi quy tụ nhiều dân tộc và phong tục. Tuy nhiên, may mắn là chúng tôi có một chính phủ rõ ràng về các quy tắc, chính sách. Những chính sách này tạo ra một môi trường đáng tin cậy, từ đó tạo ra sự tôn trọng lẫn nhau. Hầu hết mọi người đối xử với người khác theo cách mà họ muốn người khác đối xử lại với mình.

NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi

HỒNG VÂN - HÀ MY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên