22/08/2012 10:20 GMT+7

Người sưu tập vỏ bom

NGUYỄN LOAN - HẢI YẾN
NGUYỄN LOAN - HẢI YẾN

TT - Từng hàng dài các loại bom, đạn, được sắp xếp không theo thứ tự, thậm chí ông không nhớ hết tên của các loại bom, đạn mình đang có nhưng đó là cả một gia tài mà ông sưu tập được. “Đó là chứng tích của chiến tranh, giữ lại làm kỷ niệm để cho con cháu sau này” - ông Nguyễn Tú Lâm (xã Thanh Tuyền, H.Dầu Tiếng, Bình Dương) chia sẻ.

KZr9L2Fp.jpgPhóng to

Ông Lâm bên bộ sưu tập bom đạn của mình - Ảnh: H.Yến

Ngày trước đây được xem là khu vực thuộc tam giác sắt (An Tây - Thanh Tuyền - An Điền), địa điểm quân đối phương dùng để trút bom sau mỗi lần oanh kích trở về. Sau ngày đất nước thống nhất, bom đạn phủ dày cả lớp trên mặt đất, phong trào nhặt bom, cưa bom trở nên rầm rộ. Ông Lâm trở thành một trong những người đi mua sắt vụn. Lúc đó bom đạn (đã được lấy thuốc) cũng được cân bán theo giá sắt vụn. Ông vừa mua phế liệu vừa mở lò rèn.

Vì đã có kinh nghiệm trong việc thu gom vỏ bom, đạn nên ông có cách hàn gió đá riêng để tận dụng những miểng bom, chế tạo những dụng cụ lao động như dao, cuốc, cày, xẻng... bán lại cho người dân trong vùng. Công việc này gắn liền với ông gần 20 năm.

Những năm sau nhận thấy vỏ bom đạn ngày càng cạn dần, ông bắt đầu mua vỏ bom đạn rồi hàn ghép lại, vật lộn với những mớ đồ của “thần chết” để làm kỷ niệm. Gần ba năm trở lại đây, ông Lâm đã từ bỏ nghề hàn rèn, nhưng thỉnh thoảng nghe ở đâu bán vỏ bom, đạn là ông tìm cho bằng được đến nơi để mua.

Đến nhà ông Lâm, người ta có thể nhớ về quá khứ tàn khốc đau thương. Trong nhà kho la liệt các loại vỏ bom đạn được ông giữ lại. Từ bom B52, bom lu, bom heo, bom cá mập, pháo 105mm, 350-500mm... cho đến những trái cối, pháo sáng hỏa châu... “Tôi chỉ mua vỏ, còn thuốc tuyệt đối không đụng tới” - ông giải thích thêm.

Ông Lâm tự hào là nhà cung cấp vỏ bom đạn làm chứng tích cho các nhà truyền thống Bến Dược, nhà truyền thống của Công ty cao su Dầu Tiếng... Chỉ tay về số vỏ bom, ông nói: “Mua với giá phế liệu chớ số vỏ bom này có đơn vị trả gần bạc tỉ tôi chưa bán”.

Những vỏ bom mìn như thế đắt tiền vì không còn nhiều trong lòng đất, dần khan hiếm. Vì thế giá cả của chúng trở nên đắt đỏ. Chẳng hạn như trái bom 500mm của ông có người trả giá cả trăm triệu đồng. Có người mua về làm kỷ vật khi chính mình thoát khỏi những quả bom kinh hoàng đó, cũng có đoàn khách đề nghị mua về trưng bày ở phòng truyền thống.

Với bộ sưu tập độc đáo này, ông trở thành nhà cung cấp các chứng tích lịch sử cho các bảo tàng, truyền thống. Cũng có nhiều khách thập phương thỉnh thoảng ghé nhà ông để được tận mắt chứng kiến bộ sưu tập độc đáo này. Rất nhiều người tìm đến hỏi mua nhưng ông không bán. Ông bảo để đó giữ lại cho con cháu, “để chúng biết thêm về lịch sử của quê hương mình”.

NGUYỄN LOAN - HẢI YẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: sưu tập đạn vỏ bom