21/04/2022 10:01 GMT+7

Người trẻ nhọc nhằn tìm mái nhà an cư - Kỳ 3: Những người từ bỏ 'giấc mơ' nhà riêng

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Trong khi nhiều người trẻ có việc làm ổn định, đang cố gắng hết sức để đạt giấc mơ cầm chìa khóa nhà riêng của mình ở TP.HCM, thì cũng có một số người đã từ bỏ "kế hoạch lớn" này với những quan điểm rất riêng.

Người trẻ nhọc nhằn tìm mái nhà an cư - Kỳ 3: Những người từ bỏ giấc mơ nhà riêng - Ảnh 1.

Chị Bích Nhi lựa chọn thuê căn hộ, dùng tiền mua ôtô và đem đầu tư chuyện khác - Ảnh: DIỆU QUÍ

Bỏ "cục tạ" mua nhà

Thu nhập giảm sâu sau đợt dịch COVID-19 thứ tư, giá nhà lại không ngừng biến động theo hướng chỉ tăng chứ không giảm, biết mình càng cố càng khó với tới nên anh Huỳnh Anh Tuấn (ngụ phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) đã chọn thay đổi mục tiêu khác phù hợp với bản thân, trút bỏ gánh nặng bấy lâu.

Từng đặt mục tiêu có nhà trước năm 30 tuổi, sau khi ra trường, anh Tuấn làm nhiều việc dưới hình thức freelance (làm nghề tự do - PV) và đầu tư khoản nhỏ chứng khoán. Có một khoản tiết kiệm, cộng thêm người quen hứa cho mượn 500 triệu khi mua khiến giấc mơ trong anh nung nấu từng ngày.

Nhưng đại dịch kéo dài nhiều tháng liền trong năm 2021 đã cuốn bay dự định mua nhà khi anh sắp chạm mốc 28 tuổi.

Làm tự do, anh Tuấn không có lương cứng, cũng chẳng có bảo hiểm thất nghiệp, các khoản thu nhập vơi dần rồi mất đi. Anh Tuấn xài lẹm vào tiền dành mua nhà để trả tiền thuê, ăn uống, sinh hoạt trong lúc không có việc làm và gửi về quê khi mẹ bệnh. Để tiết kiệm, anh dọn ra khỏi căn hộ thuê 7,5 triệu đồng/tháng, cắt giảm các khoản không quá quan trọng, đồng thời… dẹp luôn chuyện mua nhà.

"Giờ tôi không còn nghĩ tới chung cư hay nhà giá rẻ nữa, vì giá được coi là rẻ cũng thuộc dạng "trên trời" so với người thu nhập không cao như tôi hay nhiều công nhân, lao động tự do khác", anh trải lòng.

Khi không còn ôm "cục tạ" mua nhà trong người, anh Tuấn chẳng phải làm việc bán sức như trước. "Tôi mua thêm một số máy móc, thiết bị phục vụ công việc của mình và đăng ký học một vài khoá học yêu thích. Thời gian rảnh thì đưa cả nhà đi du lịch, đặt chân đến một số nơi mà ba mẹ tôi thích nhưng không dám đi vì đắt đỏ. Giờ chỉ tiết kiệm để cưới vợ, chăm sóc gia đình thôi", anh Tuấn cười và cho biết dự tính làm việc ở TP thêm vài năm để tích vốn rồi sẽ về quê sinh sống.

Cũng như anh Tuấn, anh Minh Đức (30 tuổi, quận Phú Nhuận) cảm thấy cuộc sống khá thoải mái sau khi trút bỏ gánh nặng phải có nhà TP và áp lực trả nợ. "Trước đây tôi nghĩ phải làm ra nhiều tiền để có nhà cửa giống người ta. Nhưng dịch qua đi và mất mát quá nhiều, sức khỏe xuống dốc, giờ tôi chỉ làm vừa thôi, chừa sức dành cho bản thân và gia đình", anh Đức cho biết.

Người trẻ nhọc nhằn tìm mái nhà an cư - Kỳ 3: Những người từ bỏ giấc mơ nhà riêng - Ảnh 2.

Nhiều người trẻ đang cố gắng nhưng không dễ có được mái nhà riêng ở TP - Ảnh: TỰ TRUNG

Không muốn tuổi trẻ chỉ làm trả nợ

Theo anh nhân viên công nghệ thông tin này, không nên đánh đổi tất cả chỉ để có căn nhà ở TP.

Với anh, ở đâu tiện cho công việc và cuộc sống là được, không hợp có thể chuyển đi nơi khác. Tiền dự định mua nhà TP, giờ anh đem sửa căn nhà ở quê, còn lại gửi tiết kiệm phòng ốm đau, sự cố.

"Thay vì tăng ca, làm thêm job cuối tuần từ ngày này qua tháng nọ, bây giờ tôi có thể về thăm cha mẹ và em trai, ở bên họ nhiều hơn. Tôi không muốn dành cả tuổi trẻ chỉ để bán sức trả nợ, mà không biết có còn sức để trả đến 10 - 20 năm sau không. Chưa kể áp lực trả nợ có thể khiến vợ chồng lục đục, đổ vỡ hôn nhân. Nhà TP chỉ dành cho những người có nhiều tiền. Giá nhà ngày càng xa tầm với kể cả với những người thu nhập vừa như tôi", anh Đức nhận định.

Trong báo cáo đánh giá thị trường bất động sản năm 2021, số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho thấy căn hộ bình dân (dưới 25 triệu đồng/m²) ở TP này gần như "mất tích" khi không có bất kỳ sản phẩm căn hộ nằm ở phân khúc này được tung ra thị trường, tỉ lệ này năm 2020 là 1%.

Chọn để tiền đầu tư

Trong khi nhiều người cố gắng để có nhà riêng, thì ngay từ đầu một số người trẻ đã xác định không mua nhà TP dù có khả năng mua và trả góp hằng tháng. Họ chọn dùng tiền tích lũy, kinh doanh, đầu tư hoặc mua ôtô trước tiên. Giữa năm nay, Nguyễn Thị Bích Nhi sẽ xuống tiền trả 60% chiếc xe hơi mà cô yêu thích với giá lăn bánh 900 triệu đồng.

Là nhân viên ngân hàng kiêm chủ shop mỹ phẩm online, Bích Nhi cho hay chưa từng có ý định mua nhà TP bởi "tính tôi hay thay đổi, ở chỗ này một thời gian lại muốn qua chỗ khác. Rồi nhiều khi chuyển chỗ làm, mình vẫn có thể đi thuê gần nơi làm việc. Quan trọng môi trường sống thoải mái mới làm việc hiệu quả được". Nghĩ vậy, Nhi quyết định mua ôtô, dù người thân ở quê mong muốn cô an cư đất Sài Gòn và sẵn sàng cho mượn vài trăm triệu đồng để hỗ trợ mua nhà.

"Tôi không muốn mua nhà, vì mua ở một thời gian lỡ như có trục trặc gì, hoặc thấy nơi khác tiện nghi, rộng rãi, tân tiến hơn, muốn đổi chỗ thì kêu bán rất lâu. Với lại tôi sợ trong quá trình mua nhà, công việc có bất trắc gì khiến mình không đủ khả năng góp thì cái nhà sẽ thành gánh nặng trả nợ. Có con cái cũng không thể chăm sóc tốt cho con vì để dành tiền trả nợ, lúc đó an cư gì nổi.

Cho nên tôi vẫn ưu tiên mua xe, tiền trả hằng tháng cũng nhẹ hơn căn hộ rẻ nhất cũng 2, 3 tỉ đồng. Xe mình có thể bảo dưỡng, mua bảo hiểm, có khấu hao theo thời gian cũng không sao. Quan trọng là tiện cho công việc, an toàn cho mình", Nhi nói.

Do đó, cô nàng có lối sống hiện đại chọn thuê những căn hộ tương đối, đầy đủ tiện nghi. Thu nhập từ công việc chính và kinh doanh, cô đem trả tiền thuê nhà, góp xe, chi tiêu cá nhân.

Ở nhà thuê, dành tiền đầu tư cũng là cách mà chị Ngọc Thành (huyện Nhà Bè) lựa chọn. Người phụ nữ 36 tuổi sống tối giản, ít đồ đạc nên việc chuyển chỗ ở không thành vấn đề, miễn sao ở thoải mái, tiện cho công việc và học hành của con cái. "Tôi chọn thuê nhà, để dành tiền gửi ngân hàng hay đầu tư, kinh doanh sinh lời. Số tiền lời đó xem như thu nhập thụ động để đóng tiền thuê nhà hằng tháng", chị Thành nói.

Hiện chị đang thuê căn hộ ở chung với hai con và người bạn. Với chị, thuê nhà vẫn ở được nhưng không bị áp lực trả nợ, không thích có thể chuyển đi. Khác suy nghĩ nhiều người Việt, chị Thành không có suy nghĩ cố mua nhà để sau này để lại nhà cho con.

"Để lại kiến thức, đầu tư cho con học hành tốt hơn nhiều so với nhà cửa. Mà để lại tài sản cũng không nhất thiết phải là nhà, có thể là một khoản tiết kiệm, hay khoản đầu tư sinh lời nào đó rồi con tự lập thêm", người mẹ hai con tâm sự.

Người bỏ "gánh nặng", người vẫn cố có nhà

Trong khi trào lưu sống trẻ hiện đại, đã xuất hiện một số suy nghĩ không cần mua nhà, để tiền đầu tư chuyện khác và trang trải cuộc sống, đi du lịch đây đó cho "nhẹ thân", thích ở đâu sẽ thuê nhà ở đó như "kiểu sống Mỹ", thì phần nhiều vẫn cố gắng sở hữu được căn nhà riêng.

Ở nội thành, giá nhà đã lên cao, quá tầm với của đa số người trẻ, nên nhiều người đã chọn hướng mua căn hộ trả góp ở quận 8, Bình Chánh, Nhà Bè, quận 12... "Ở những nơi này, giá căn hộ chung cư nhỏ khoảng 2,5 - 3 tỉ vẫn có thể kiếm được. Mình dành dụm và vay mượn trả trước khoảng 30%, số tiền 70% sẽ trả góp khoảng 10 – 20 năm", anh Nguyễn Tiến Minh, quản đốc sản xuất của một công ty may ở quận Tân Bình, cho biết. Số tiền thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng, anh đang chỉ dám gói ghém tiêu xài dè sẻn trong 7 triệu, 13 triệu còn lại để trả góp căn hộ 55m2, giá 2,3 tỉ mua trả góp ở quận Bình Tân.

"Rõ ràng là tôi sẽ phải sống dè sẻn nhiều năm để tiền trả nợ nhà, nhưng tôi không muốn ở trọ nữa, vì dư được bao nhiêu tôi trả tiền cho chủ nhà hết", anh Minh tâm sự. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận không phải ai cũng giải được "bài toán" trả tiền nhà này, "số tiền nhà 1,8 tỉ tôi đang trả góp thật sự là nhức đầu và sẽ rất căng nếu việc làm trục trặc".

MẠNH DŨNG

*******

Mua được nhà như ước nguyện nhưng với những người thu nhập không cao thì giấc mơ biến thành gánh nặng khi sa vào vòng xoáy nợ nần, sức lực bị "bào" hết vào tiền trả góp hằng tháng.

>> Kỳ tới: Cố có nhà, đêm dài lắm mộng

Người trẻ nhọc nhằn tìm mái nhà an cư - Kỳ 2: Cố tìm mái nhà cho riêng mình Người trẻ nhọc nhằn tìm mái nhà an cư - Kỳ 2: Cố tìm mái nhà cho riêng mình

TTO - 8 năm từ quê lên TP.HCM học và làm việc, Lê Thị Bảo Trân đã đổi chỗ ở cả chục lần với đủ dạng nhà trọ. "Đó là lý do tôi luôn muốn có nhà của mình, rất sợ cảnh đi ở trọ nhà người ta", Trân trải lòng.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên