17/12/2019 11:40 GMT+7

Nhà ở - ước mơ không chỉ của người nghèo

TRỊNH MINH GIANG
TRỊNH MINH GIANG

TTO - Tốc độ tăng dân số cơ học ở TP.HCM vẫn cao chóng mặt, mỗi năm bằng số dân một quận. Áp lực về chỗ ở cho người dân ngày càng lớn, nhưng ngôi nhà mơ ước cho người nghèo vẫn còn xa vời.

Nhà ở - ước mơ không chỉ của người nghèo - Ảnh 1.

Gia đình anh Huỳnh Văn Thái trong căn nhà thuê khoảng 20m2 (P.15, Q.Bình Thạnh) dùng để ở và buôn bán - Ảnh: DUYÊN PHAN

Mới đây, UBND TP.HCM đã có quyết định bổ sung 48 dự án nhà ở vào kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2016 - 2020, sau khi đã có hơn 160 dự án được cấp phép trước đó.

Từ chủ trương đến thực tế

Số nhà ở xây dựng mới của thành phố không nhỏ. Nhưng số nhà ở này phục vụ đối tượng nào cần có sự khảo sát đầy đủ nhu cầu thực tế.

Tôi nêu lên vấn đề đó bởi hiện nay số dự án cho người nghèo và các dự án nhà ở xã hội được đầu tư không ít, nhưng một phần không nhỏ đang được mua để "đầu cơ", được bán lại nhiều lần mới đến tay người thực sự có nhu cầu, khi đó giá cả đã tăng cao. Trong khi đó, người nghèo cần nhà tìm đến cách xây dựng tạm bợ, trái phép hoặc không phù hợp quy hoạch.

Tăng thêm nhà ở cho người dân, diện tích nhà ở bình quân đầu người có thể tăng, nhưng để nhà xây mới đến tay người thực sự có nhu cầu lại không dễ, người nghèo vẫn rất khó có nhà.

Không ít người đến thành phố này từ 10 năm trước, có việc làm (công nhân), lập gia đình, sinh con và vẫn ở trọ từ chỗ này sang chỗ khác. Hai vợ chồng có thu nhập khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng (gồm tiền lương công nhân, tiền đi làm thêm và sống tằn tiện) cũng không thể nào mua được nhà khi ở quận ven giá đất không dưới 40 triệu đồng/m2, giá các căn hộ cũng khoảng 25 triệu đồng/m2 và giá nhà đất sẽ tiếp tục tăng.

Và bao người có thu nhập thấp hơn mức đó, hoặc những người tuy có thu nhập khá nhưng phải nuôi thêm nhiều người phụ thuộc.

Cần một cách nhìn khác về nhà ở

Để có giải pháp phù hợp về nhà ở, các cơ quan chức năng cần có thống kê đầy đủ và chính xác về tình trạng nhà ở tại từng thời điểm nhất định, ít nhất 5 năm một lần. Đối tượng cần quan tâm trong thống kê này nên là người dân thường trú tại thành phố, người đã sống và làm việc tại thành phố từ 5 năm trở lên, người có ý định sinh sống và làm việc lâu dài tại thành phố và có công việc ổn định.

Có lẽ cần một cách nhìn nhận mới hơn về nhà ở. Nhà ở cho người dân không chỉ là sở hữu nhà ở, mà là một nơi ở ổn định và bảo đảm cơ bản các điều kiện về an toàn, vệ sinh và chất lượng sống. Nhà ở cần đáp ứng cho người dân gồm: nhà ở có thể bán cho người dân để họ sở hữu và sử dụng vào mục đích ở (nhằm loại trừ số nhà dành cho mục đích cho thuê ngắn hạn, nhà để kinh doanh); nhà ở để bố trí (nhưng không hoặc chưa đáp ứng nhu cầu sở hữu) cho người dân; nhà ở cho người có nhu cầu thuê ở ổn định (5 năm trở lên chẳng hạn).

Đối với nhóm nhà ở thứ nhất, cần đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội và các dự án nhà giá rẻ khác, nhưng phải bảo đảm bán cho đúng đối tượng là người có thu nhập thấp. Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ về phí giao đất (tiền sử dụng đất), thuế cho các doanh nghiệp, đồng thời bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở phải dành một tỉ lệ đất và căn hộ nhất định nhằm phục vụ người thu nhập thấp.

Đối với nhóm nhà ở thứ hai, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng các khu lưu trú bảo đảm chất lượng cho công nhân bằng các chính sách về giao đất, thuế, phí... Cần khuyến khích một số doanh nghiệp có đông công nhân nên có nhà lưu trú cho công nhân. Những doanh nghiệp có 5.000-10.000 công nhân nên có khu lưu trú cho khoảng 10% số công nhân chẳng hạn.

Đối với nhà cho thuê, cần có yêu cầu về một số điều kiện tối thiểu như điều kiện vệ sinh, phòng cháy chữa cháy, diện tích tối thiểu/người kèm chính sách giá điện, nước sinh hoạt, giá cho thuê nhà... dành cho những người có nhu cầu thuê ở lâu dài. Những chủ nhà trọ nào đáp ứng và cam kết thực hiện các yêu cầu này có thể được hỗ trợ nhất định về thuế, các thủ tục gắn đồng hồ điện/nước... nhằm tạo điều kiện cho họ phục vụ người thuê tốt hơn.

Có nhà ở (an cư) gắn với lạc nghiệp và chất lượng sống, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội. Người lao động làm việc cật lực để phát triển kinh tế nhưng lại sống chui rúc trong không gian chật hẹp, thiếu tiện nghi cùng những bất ổn khác của "phận không nhà" thật sự là bi kịch chất lượng cuộc sống ở những nơi như TP.HCM.

Nhà ở không chỉ là ước mong của người lao động, mà cũng chính là mong muốn và trách nhiệm của chính quyền. Và người dân mong thấy quyết tâm chuyển biến thực tế hiện nay.

Phát triển nhà cho thuê

Chúng tôi đã rất hồ hởi với chính sách nhà ở xã hội mấy năm trước. Nhưng quả thật muốn biết thông tin và muốn được tiếp cận các dự án này rất khó! Có khi được biết đến dự án thì họ đã bán gần hết rồi! Cùng với những nhiêu khê thủ tục, yêu cầu, đi xem dự án nghe đây đó có những người mua được nhiều căn thì chúng tôi đành ra về trong thất vọng.

Nhà nào cũng về tay những người có tiền nhiều. Chỗ ở cho người thu nhập thấp rồi cũng thành món đầu cơ kiếm lời. Các dự án nhà ở cho người nghèo cũng không khỏi áp lực phải bán nhanh, bán giá cao dù người mua có thể không phải là "người nghèo", họ mua để bán lại chứ không ở.

Một chính sách nhà ở đúng nghĩa vì người thu nhập thấp cần siết chặt quản lý để giảm thiểu chuyện hưởng lợi từ dự án cho người nghèo. Theo tôi, giải pháp xây nhà cho thuê dài hạn cho những hộ gia đình có việc làm ổn định và khu nhà lưu trú, nhà tập thể (có thể có thu phí) cho công nhân cần được tập trung hơn.

PHẠM NGỌC TƠ

Le lói giấc mơ có nhà ở Le lói giấc mơ có nhà ở

TTO - TP.HCM lập đề án xây dựng 2 triệu chỗ ở cho người dân TP tăng thêm trong 10 năm tới. Giữa đô thị đất chật người đông, giá nhà đất tăng chóng mặt, chính quyền đưa ra thêm đề án về nhà ở, với người nghèo lại nhen nhóm ước mơ có một chỗ an cư.

TRỊNH MINH GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên