Nhà ở xã hội tại TP.HCM: Người sống chen chúc, đất lại bỏ hoang

KHÁNH YÊN 28/07/2022 12:16 GMT+7

TTCT - Những lý do khó hiểu cho câu chuyện luẩn quẩn bế tắc về nhà ở cho người lao động tại TP.HCM.

Nhà ở xã hội tại TP.HCM:  Người sống chen chúc, đất lại bỏ hoang - Ảnh 1.

Khu nhà lưu trú cho công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2 giai đoạn 1. Ảnh: K. YÊN

Muốn có nhà trọ giá phù hợp

Trong khu nhà trọ ở khu phố 3, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức (TP.HCM), vợ chồng chị Nhi và hai con trai sống trong phòng trọ khoảng 15m2, chỗ ngủ là cái gác nhỏ. Tiền nhà trọ, điện, nước... tổng cộng 2,5 triệu đồng/tháng. 

Tháng nào tăng ca nhiều thì thu nhập của hai vợ chồng gần 20 triệu đồng, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng nên việc mua nhà với gia đình chị là chuyện xa vời. "Gia đình tôi chỉ mong có khu trọ giá phù hợp với thu nhập, chỗ ở ổn định để con cái học hành", chị Nhi nói.

Ông Phạm Chí Tâm, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, dẫn kết quả khảo sát cuối năm 2021 cho thấy khoảng 60% công nhân ngành may nói thu nhập của họ từ vừa đủ đến thiếu hụt trong chi tiêu hằng tháng, do vậy phần lớn những công nhân này không có khả năng mua nhà mà chỉ cần có chỗ thuê khang trang, phù hợp túi tiền.

Thực tế phát triển nhà ở xã hội của TP.HCM những năm gần đây cho thấy cơ quan chức năng ít quan tâm đến loại hình này. Số dự án nhà ở xã hội của Nhà nước xây dựng rất ít, còn nhà ở xã hội do tư nhân xây dựng chủ yếu để bán. 

Phần tỉ lệ nhà ở cho thuê bắt buộc ở mỗi dự án nhà ở xã hội cũng được "cho thuê thu tiền một lần", nghĩa là các chủ đầu tư bán luôn những căn hộ cho thuê hoặc cho thuê mua (trả góp) nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, giá bán nhà ở xã hội từ 1 - 1,6 tỉ đồng/căn hộ. Ông Tâm nhận định với mức giá này dù có vay đến 900 triệu đồng thì đa số công nhân vẫn không có khả năng mua nhà.

Giá nhà theo thị trường quá cao, nhà cho thuê hiếm, nhà ở xã hội càng hiếm nên phần lớn trong 6 triệu người lao động tại TP.HCM đều dựa vào lượng nhà trọ tư nhân. 

Mặc dù kết quả khảo sát của Sở Xây dựng TP cho thấy hơn 80% phòng trọ công nhân đủ tiêu chuẩn nhưng thực tế nhiều nơi còn thiếu ánh sáng giữa ban ngày, môi trường sống và chất lượng nhà ở là chuyện... hên xui.

Thủ tục: Khó trăm bề

Cuối tháng 4 vừa qua, Sở Xây dựng TP động thổ giai đoạn 2 dự án nhà cho công nhân thuê của một doanh nghiệp tại Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức). 

Giai đoạn 1 của dự án đã đi vào hoạt động từ nhiều năm trước. Trong khu nhà ở này có vườn hoa, cây xanh, nhà trẻ, sân chơi trẻ em... như một chung cư hạng trung.

Tuy nhiên, theo chủ đầu tư giai đoạn 2 của dự án trên, dù động thổ nhưng chưa biết đến khi nào mới đủ điều kiện khởi công xây dựng. Dự án này bắt đầu làm thủ tục giai đoạn 2 từ năm 2018.

Chủ đầu tư phải trải qua nhiều thủ tục, chứng minh các điều kiện với cơ quan chức năng. Theo quy định, nhà ở cho công nhân thuê thuộc nhà ở xã hội, được tăng 1,5 lần các chỉ tiêu so với quy hoạch chung của khu vực. 

Doanh nghiệp đã thiết kế đúng chỉ tiêu được hưởng nhưng đến phút 89 lại nhận một "gáo nước lạnh" khi cơ quan chức năng yêu cầu phải thực hiện đúng như quy hoạch 1/2000 của Khu chế xuất Linh Trung 2. 

Lý do là dự án thực hiện trên đất thương mại dịch vụ nên không được hưởng những tiêu chuẩn của nhà ở xã hội. Nếu dự án này được hưởng những tiêu chí như chính sách nhà ở xã hội quy định thì giá thuê có thể sẽ giảm phân nửa so với nhà cho thuê thông thường. 

Tuy nhiên, những kiến nghị của chủ đầu tư để công nhân được hưởng giá thuê thấp hơn đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Trước đó, Công ty TNHH xây dựng - thương mại Lê Thành cũng gặp nhiều vướng mắc khi xây nhà cho thuê. 

Cuối cùng, khu nhà cho thuê của công ty này tại quận Bình Tân cũng được triển khai nhưng đứng tên trên pháp lý là một cá nhân chứ không phải là công ty như dự định ban đầu.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết trường hợp xây dựng nhà ở xã hội trên đất thương mại dịch vụ trong các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn được hưởng các chính sách nhà ở xã hội. Nhưng thực tế, đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết.

Nhà ở xã hội tại TP.HCM:  Người sống chen chúc, đất lại bỏ hoang - Ảnh 2.

Ảnh: Crainsnewyork.com

Diện tích nhà ở xã hội bắt buộc: quy ra tiền, tiền đi đâu?

Những vướng mắc còn xảy ra với các dự án của cơ quan nhà nước. Cuộc giám sát về chương trình phát triển nhà ở của HĐND TP.HCM mới đây lộ ra chuyện: dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với hơn 2.200 căn hộ ở phường Hiệp Thành (quận 12) do Quỹ Phát triển nhà ở TP làm chủ đầu tư hơn 12 năm chưa thể xây nhà. 

Theo đại diện Quỹ Phát triển nhà ở TP, dự án đã làm xong hạ tầng nhưng không còn tiền để xây nhà. UBND TP đồng ý mời các nhà đầu tư bên ngoài nhưng không có đơn vị nào tham gia. Đến nay, khu đất hơn 11ha vẫn để trống.

Theo quy định tại Luật nhà ở và nghị định số 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị tại các đô thị loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. 

Đối với các dự án nhà ở có diện tích dưới 10ha, có thể nộp tiền thay cho việc dành đất và số tiền này dùng để xây dựng nhà ở xã hội tại địa phương. 

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tại TP.HCM có khoảng 250 dự án nhà ở thương mại có diện tích dưới 10ha đã đóng tiền thay cho việc thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội.

Các đại biểu HĐND TP.HCM đặt câu hỏi: Vì sao TP không dùng số tiền của các chủ đầu tư nộp theo quy định trên để xây nhà ở tại khu đất 11ha ở phường Hiệp Thành? Sở Tài chính TP cho rằng sở này không có dữ liệu về các dự án nhà ở thương mại được nộp bao nhiêu tiền, việc này do Sở Xây dựng phụ trách. 

Tuy nhiên khi các đại biểu HĐND TP dẫn các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP giao cho Sở Tài chính và Cục Thuế TP báo cáo về khoản tiền trên thì Cục Thuế TP cho biết khoản tiền này đã được nhập chung với tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách, còn đại diện Sở Tài chính xin thêm thời gian để lọc số liệu và báo cáo.

Đối với các dự án nhà ở thương mại chủ đầu tư không nộp tiền mà đồng ý dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội, theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện TP.HCM có khoảng 57ha từ quỹ đất này.

Tuy nhiên, các chủ đầu tư không mặn mà với việc xây dựng nhà ở xã hội do giá bán loại nhà này bị khống chế, không đem lại lợi nhuận cao, thủ tục phức tạp hơn dự án nhà ở thương mại. Không ít doanh nghiệp còn tìm cách chuyển quỹ đất này thành nhà ở thương mại để kinh doanh. 

Dù vậy, các doanh nghiệp chậm làm nhà ở xã hội không bị chế tài, cơ quan chức năng cũng không thu hồi được phần đất đó. 

Theo Sở Xây dựng TP, hiện chưa có quy định sau khi thu hồi đất của doanh nghiệp thì phải tính toán ra sao các chi phí về bồi thường, chi phí hạ tầng mà nhà đầu tư đã bỏ ra.

Đất làm nhà ở xã hội không thiếu, tiền để xây nhà ở xã hội đã được các chủ đầu tư nộp vào ngân sách nhưng vì sao các dự án nhà ở xã hội vẫn giậm chân tại chỗ trong nhiều năm qua?

Câu trả lời dành cho các cơ quan có trách nhiệm, họ phải giải quyết được nghịch lý: nhiều người thu nhập thấp, công nhân đang phải ở chen chúc trong các khu nhà trọ kém chất lượng còn đất xây nhà ở xã hội lại bỏ hoang.■

Nhà lưu trú cho công nhân mới đáp ứng 15%

Theo thông tin từ Liên đoàn lao động TP.HCM, hiện tại TP có khoảng 6 triệu người lao động, trong đó có 270.000 người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Khảo sát tháng 12-2020 của cơ quan này cho thấy có 83% công nhân đến làm việc tại TP.HCM có nhu cầu thuê chỗ ở, trong đó nhà lưu trú công nhân chỉ đáp ứng 15%.

Cuộc khảo sát về thu nhập của công nhân vào tháng 12-2021 (khảo sát 1.700 người, trong đó 1.400 người là công nhân may) của Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng cho thấy thu nhập bình quân đạt 6,8 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, công nhân có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng chiếm 21%, từ 5-8 triệu đồng/ tháng chiếm 60% và công nhân thu nhập 8-12 triệu đồng/tháng chiếm 16%, trên 12 triệu đồng/tháng chỉ chiếm 3%.

Kết quả khảo sát cho biết mỗi công nhân đang nuôi thêm ít nhất 1 người và ai cũng phải tiết kiệm tiền để gửi về cho người thân, chủ yếu nuôi cha mẹ. Về việc thu nhập có đủ trang trải cuộc sống hay không, có hơn 22% người trả lời có dư chút đỉnh, 15,8% người nói vừa đủ chi tiêu và 44% người trả lời thiếu hụt, phải vay mượn hoặc làm thêm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận