01/03/2023 20:35 GMT+7

Nhà ơi! Quê ơi! Con biết phải làm sao đây?

Nhà tôi ở ngay gần ngã ba sông, nơi tàu ghe qua lại tấp nập ngày đêm. Căn nhà cấp bốn cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa vườn cây ăn trái đủ loại. Ngay trước sân là hai cây long nhãn tuổi đời đã hai mươi năm.

Nhà ơi! Quê ơi! Con biết phải làm sao đây? - Ảnh 1.

Dòng sông trước cửa nhà tôi

Dưới bến sông là hai cây vú sữa tím ba tôi trồng từ lúc tôi còn nhỏ. Ngôi nhà bé nhỏ nhưng chứa đựng tấm lòng bao dung của má, sự rộng lượng của ba mà cho dù đi cuối đất cùng trời chị em tôi vẫn đau đáu muốn được trở về.

Ngôi nhà ấy luôn có tô canh chua cá lóc thơm nức mùi ngò gai, lá quế đậy lồng bàn chờ tôi sau mỗi buổi tan học. Ngôi nhà ấy bếp luôn ủ nóng nồi bắp nấu hay mẻ khoai lang vùi tro mỗi tối sau khi tôi học xong bài.

Và hai cây nhãn trước sân luôn phảng phất mùi thơm đợi chờ tôi hái mỗi khi hè về. Hai cây vú sữa de nhánh ra sông đến mùa lại đung đưa những chùm trái chín như mời như gọi. Tôi như chú mèo con chuyền hết nhánh này qua nhánh khác tha hồ thưởng thức vị ngọt thơm.

Sau này đi học xa tôi vẫn đau đáu nhớ về nhà, trông cuối tuần để được chạy nhanh về nhà. Nỗi nhớ cồn cào từ trong nhà ra tận bến sông, nỗi nhớ vương từ hai cây vú sữa trái lúc lỉu nhớ sang cả bến sông bên kia, nơi có đám bạn từ thời tóc để ba vá đến khi tụi nó có chồng có con.

Vẫn là cái bến sông đó, nhưng ngụp lặn dưới dòng nước bây giờ là đám con nít loi choi, các ông ba bà má thì ngồi trên bến mà hỏi thăm nhau oang oang.

Dù thời gian có thay đổi, dù sóng WiFi đã phủ tận cùng xóm nhỏ nhưng chúng tôi vẫn thích ngồi nói chuyện trực tiếp với nhau hơn là nói qua màn hình điện thoại. Nhìn mặt nhau để phát hiện ra từng sự đổi thay trên gương mặt, để thấy những thoáng lo âu, niềm vui, nỗi buồn của nhau.

Nhà ơi! Quê ơi! Con biết phải làm sao đây? - Ảnh 2.

Lối ra sau vườn

Nhà là nơi để về. Xóm là nơi gắn kết tình thân. Ngày chị Hai đi lấy chồng, chị từ bến bước xuống tàu rước dâu mà mắt da diết nhìn mãi lên ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ như muốn lưu lại trong ký ức nơi đã gắn bó với chị suốt một đời con gái.

Để rồi đến hôm phản bái, cũng là chị từ dưới chiếc đò máy phóng như bay lên bến, quấn quýt bên ba má trong ngôi nhà yêu thương, cứ ngỡ như mình đã xa nhà cả tháng. Ngày chị sanh con đầu lòng, đích thân má đi rước mẹ con chị từ bệnh viện trở về.

Trong ngôi nhà giữa vườn cây ăn trái, chị được má xông hơ, nuôi nấng cho đến ngày cứng cáp, đỏ da thắm thịt. Ba tháng sau, chị bịn rịn từ giã ba má để trở về bên chồng - về nhà của chị.

Má lại đưa chị xuống bến, dặn dò kỹ lưỡng đến khi chiếc tàu đã xa thật xa má còn đứng ngó theo. Đêm đó, má nằm đưa võng kẽo kẹt đến khuya, lòng chất ngất những lo lắng, để rồi sớm mai má lại bắt chiếc đò sớm nhất khăn gói đi thăm con gái và cháu ngoại.

Nhà là nơi để về. Nhỏ em Út lấy chồng xa, mỗi lần cơm không lành canh chẳng ngọt lại về kể lể khóc lóc. Má lắng nghe rồi rủ rỉ khuyên.

Ba chỉ la con gái rồi thở dài. Sáng ra thì ba "đuổi": "Con gái lấy chồng rồi phải biết một điều nhịn chín điều lành. Tụi mày cưới nhau vì yêu chứ ai ép buộc? Có chuyện gì cũng tỉnh táo tự tìm cách giải quyết!".

Nhà là nơi để về. Anh rể trúng xổ số ùa về như một cơn lốc khoe với ba và đòi xây lại ngôi nhà mới cho ba má. Ba gạt đi: "Nhà này ba má phải tích góp dành dụm biết bao năm mới xây được.

Nó chứa đựng kỷ niệm tuổi thơ của ba đứa nhỏ. Tụi con để dành tiền làm vốn liếng buôn bán. Ba chỉ nhận tấm lòng của con thôi". Anh rể năn nỉ mãi ba mới chịu sơn phết lại cho mới chứ dứt khoát không chịu đập bỏ.

Nhà là nơi để về... Tôi luôn hứa với lòng mình là sau khi ra trường sẽ lập nghiệp ở quê, sẽ ở gần ba má để chăm sóc cho ba má và khu vườn. Nhưng bài toán cuộc đời nào có ai tính chính xác?

Để rồi giờ đây tôi cũng xa quê, cũng đau đáu chờ đến cuối tuần để được về thăm nhà. Những cây trong vườn đã già nhưng tán lá vẫn sum sê rợp mát. Những cây vú sữa, bưởi, nhãn, mít trái ngày càng nhiều nhưng càng nhỏ hơn trước vì đã lão.

Cũng như dáng đi của ba má ngày càng nặng nề chậm chạp hơn và trĩu xuống những tâm tư. Suốt cả cuộc đời ba má luôn chăm chỉ làm lụng, luôn che chở bảo bọc và dạy con những điều hay lẽ phải.

Nhà là nơi để về. Cuối tuần chị em tôi lại hẹn nhau về ngôi nhà của ba má, nấu nướng ăn uống với ba má một ngày, ngủ một đêm rồi lại như bầy chim vỗ cánh bay đi.

Một tuần có đến bảy ngày có dài quá không? Nhìn mái tóc ba má như màu mây trắng mà không khỏi chạnh lòng. Mình còn gặp ba má bao lâu nữa?

Nhà ơi! Quê ơi! Con biết phải làm sao đây? - Ảnh 3.

Bếp củi nhà ba má

Về lần này nghe má bảo bác Năm ở đầu xóm mới bán bớt đất vườn vì tụi nhỏ đi thành phố hết không có người làm. Ba nói dân thành phố vô đây kiếm mua đất để làm nghĩa địa. Xóm mình giờ chỉ còn ông già bà cả, tụi thanh niên đi làm ăn xa hết rồi.

Nhìn ánh mắt rưng rưng của ba má mà trong lòng trào lên bao nỗi xót xa, chợt thấy như mình là kẻ có tội. Chao ôi! Ba má cho con quá nhiều! Quê hương cho con quá nhiều! Mà chúng con - đám hậu sinh đã làm gì cho ba má, cho quê hương mình khi cứ lần lượt rời bỏ tổ ấm ra đi.

Con mãi mưu sinh, bon chen ở nơi thị thành rồi cất quê mình trong một góc trái tim, khi bận rộn thì quên mất, khi có ai khơi dậy thì mới mở ra để ôn lại, rồi thôi. Nhà ơi! Quê ơi! Con biết phải làm sao đây?

Hơn 1.000 bạn đọc đã gửi bài Về nhà

Cuộc thi viết "Về nhà" do báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành HDBank tổ chức đã nhận được sự tham gia của hơn 1.000 bạn đọc gửi bài dự thi. Hạn cuối nhận bài: hết ngày 1-3.

Các bài Về nhà được chọn đăng trên Tuổi Trẻ nhật báo và Tuổi Trẻ Online là những bài đã vào sơ khảo, sẽ được tập hợp trong một cuốn sách cùng tên.

Ban giám khảo xét giải chung cuộc bao gồm nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, diễn viên Hứa Vĩ Văn và biên tập viên Lê Thị Thái Hòa.

Dự kiến lễ trao giải cuộc thi, ra mắt sách Về nhà diễn ra ngày 18-3 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM.

BAN TỔ CHỨC

Nhà ơi! Quê ơi! Con biết phải làm sao đây? - Ảnh 5.
Có những ngôi nhà không cũ nổi trong ta…Có những ngôi nhà không cũ nổi trong ta…

"Út còn nhớ căn nhà cũ hay không?/Mảnh sân nhỏ chênh vênh mưa nắng/Chúng mình vùi na trong đống rơm cuối vụ/Quả chín chị cầm, tráo trả quả xanh". Những câu thơ ấy cứ như mạch nước nguồn chảy ra từ trong sâu thẳm ký ức.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên