24/06/2023 08:22 GMT+7

Nhà thầu sốt ruột vì cầu Nhơn Trạch chậm mặt bằng

Cầu Nhơn Trạch là cây cầu lớn nhất đường vành đai 3 TP.HCM kết nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và TP Thủ Đức (TP.HCM).

Mặt bằng phía Đồng Nai bàn giao chậm, làm ảnh hưởng chung tiến độ toàn dự án. Trong ảnh: nhà thầu phải thuê đất của người dân (khu vực chờ đền bù, giải tỏa) để làm công trường xây dựng cầu Nhơn Trạch tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai - Ảnh: T.T.D.

Mặt bằng phía Đồng Nai bàn giao chậm, làm ảnh hưởng chung tiến độ toàn dự án. Trong ảnh: nhà thầu phải thuê đất của người dân (khu vực chờ đền bù, giải tỏa) để làm công trường xây dựng cầu Nhơn Trạch tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai - Ảnh: T.T.D.

Trong khi nhà thầu đã huy động toàn bộ lực lượng thi công suốt ngày đêm sẵn sàng đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ thì phía Đồng Nai đến thời điểm này vẫn chưa bàn giao đủ mặt bằng cho cây cầu quan trọng tuyến vành đai 3 TP.HCM.

Cả nhà thầu phụ, thầu chính, chủ đầu tư và Bộ Giao thông vận tải đều rất sốt ruột, liên tục đốc thúc địa phương bàn giao mặt bằng.

Nhà thầu có thư khẩn vì chậm bảy tháng

Cầu Nhơn Trạch là cây cầu lớn nhất đường vành đai 3 TP.HCM kết nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và TP Thủ Đức (TP.HCM).

Trong chuyến thị sát đầu năm 2023, Thủ tướng yêu cầu nhà thầu và chủ đầu tư phải tập trung toàn bộ lực lượng để triển khai thi công, hoàn thành công trình sớm hơn so với tiến độ trong hợp đồng 3-4 tháng.

Tuy nhiên, vướng mắc mặt bằng phía Đồng Nai đang là nút thắt rất lớn cản trở tiến độ dự án. Ông Cho Byeong Hwan, giám đốc dự án gói thầu cầu Nhơn Trạch (đại diện cho nhà thầu chính), vừa có thư gửi Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) bày tỏ quan ngại.

Tiến độ thi công tổng thể của gói thầu được lập với điều kiện tiên quyết là toàn bộ diện tích đất xây dựng bao gồm cả phía Đồng Nai và TP.HCM phải được thu hồi và bàn giao cho nhà thầu trong tháng 9-2022.

"Tuy nhiên, đến nay mặt bằng phía Đồng Nai vẫn chưa được bàn giao để triển khai thi công, chậm bảy tháng so với kế hoạch. Gói thầu cầu Nhơn Trạch có khối lượng xây lắp lớn, yêu cầu cao về chất lượng, kỹ thuật nhưng có tiến độ thi công rất khẩn trương.

Chúng tôi rất lo ngại công trình không thể hoàn thành đúng tiến độ nếu việc bàn giao mặt bằng cứ bị trì hoãn", ông Cho nêu. Việc chậm mặt bằng sẽ là lý do kéo dài thời gian hoàn thành và phía nhà thầu không chịu bất kỳ trách nhiệm, nghĩa vụ nào với việc làm chậm tiến độ thi công.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ thuộc nhà thầu chính cho hay hàng trăm công nhân, kỹ sư cắm chốt tại công trường triển khai các mũi thi công với tinh thần công trường luôn sáng đèn.

Hiện phía TP.HCM đã bàn giao 100% mặt bằng, nhà thầu cam kết thi công hoàn thành sớm hơn bốn tháng so với hợp đồng. Tuy nhiên, phía Đồng Nai mới chỉ có khoảng 21,4% mặt bằng.

Nhà thầu phụ là Công ty cổ phần Xây dựng công trình 525 cũng lâm vào cảnh khó khi đã tập trung toàn bộ lực lượng sẵn sàng chạy đua với tiến độ đề ra nhưng chưa có mặt bằng nên không có đất để làm lán trại, tập kết thiết bị, lập bãi đúc dầm...

Đơn vị này phải thuê đất của người dân (khu vực chờ đền bù, giải tỏa) để làm công trường và phải chi trả tiền thuê cho đến khi người dân nhận được tiền đền bù. Hiện tại người dân yêu cầu không được xây dựng kết cấu chính trên thửa đất khi chưa được đền bù.

"Do không có mặt bằng, nhà thầu phải chạy máy phát điện để thi công từ tháng 12-2022 đến ngày 10-4, chi phí rất tốn kém. Khi lắp trạm điện, nhà thầu thương lượng để các hộ dân đồng ý cho đường điện đi qua" - nhà thầu phụ cho biết thêm.

Chưa rõ ngày giao đất

Vướng mắc chính của công tác giải phóng mặt bằng phía tỉnh Đồng Nai là việc xác định đơn giá đất. Theo UBND huyện Nhơn Trạch, huyện đã rà soát sự biến động giá đất đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2022 so với giá đất thị trường tại thời điểm hiện nay.

Trường hợp có thay đổi giá đất, Nhơn Trạch trình lại giá đất cho hội đồng thẩm định giá để UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Vì vậy, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch đã liên hệ Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Đồng Nai (đơn vị trước đây xác định giá đất dự án) để xác định lại giá đất.

Tuy nhiên trung tâm này "đã tạm ngưng nhận hồ sơ thực hiện giá đất" nên huyện gặp khó khăn trong việc xác định lại giá đất để làm cơ sở trình các cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Trung tâm đang liên hệ các đơn vị tư vấn xác định giá đất để lập thủ tục tư vấn định giá đất bồi thường.

Tại thông báo kết luận cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng thống nhất yêu cầu huyện Nhơn Trạch khẩn trương làm việc với các sở ngành, có báo cáo đề xuất để tỉnh sớm phê duyệt đơn giá đền bù, phương án bồi thường để sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng.

Việc này nhằm tránh phát sinh khiếu kiện khiếu nại từ nhà thầu, tránh phát sinh thêm kinh phí do chậm bàn giao mặt bằng thi công, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Cách đây ít hôm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã yêu cầu huyện Nhơn Trạch khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh chứng thư thẩm định giá trình Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tỉnh thẩm định theo quy định và kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-6.

Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu huyện Nhơn Trạch chủ trì, phối hợp đơn vị có liên quan rà soát khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng để thi công trước và tổ chức vận động các hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng trước.

Đồng thời huyện thực hiện song song với việc lập, trình duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để sớm chi trả tiền bồi thường cho hộ dân đã bàn giao mặt bằng để công trình thi công đảm bảo tiến độ dự án.

Có mặt bằng đến đâu, thi công đến đó

Dự án thành phần 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 của đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 8,22km, bao gồm 6,3km đi qua tỉnh Đồng Nai, 1,92km qua TP.HCM.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã yêu cầu tất cả các nhà thầu nhận được mặt bằng đến đâu phải tập trung triển khai thi công đến đó. Các đơn vị tranh thủ từng chút một khi có mặt bằng, đặc biệt là các vị trí có xử lý đất yếu là đường găng tiến độ của dự án.

Trên công trường cầu Nhơn Trạch lớn nhất đường vành đai 3 TP.HCMTrên công trường cầu Nhơn Trạch lớn nhất đường vành đai 3 TP.HCM

Từ bến đò Long Phước (TP Thủ Đức), chúng tôi theo ca nô vượt sông Đồng Nai ra công trường cầu Nhơn Trạch - là cây cầu lớn nhất của đường vành đai 3 TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên