08/02/2023 14:18 GMT+7

Nhà tôi có một em Lò

Không phải bếp nhưng vẫn đong đầy hơi ấm. Chẳng cần nồi niêu lích kích mà vẫn có đồ ăn nóng hổi. Đó là những câu miêu tả đúng nhất khi nhắc đến em Lò nhà tôi.

Nhà tôi có một em Lò - Ảnh 1.

Những ngày cuối năm, mẹ bán thịt kèm hành muối để những người xa quê thưởng thức một cái Tết thêm phần trọn vẹn

Nhà tôi có một em Lò. Người đời gọi em bằng cái tên dân dã: lò quay thịt. Nhưng với gia đình tôi, em được khai sinh "phi công chứng" với cái tên Lò và được chị em tôi gọi thân thương là "em" như một thành viên thực thụ.

Ngày mới ra đời, Lò trắng trẻo với làn da bằng thiếc ánh kim. Sau hơn chục năm "chinh chiến", Lò chuyển sang màu đen rắn rỏi cùng chiếc áo nhung thâm dày lên theo năm tháng. Người "sinh" ra em là bố tôi.

Một tay bố đi mua vật liệu, cắt, hàn và chọn mô tơ để Lò chạy êm ru ngay từ lần cắm điện đầu tiên. Dần dần, những "người anh em" của Lò bắt đầu xuất hiện ở thị trấn này nhưng với tôi, chúng gần như vô hình.

Lò nhà tôi, do bố tôi làm vẫn là đẹp nhất! Một cái lò với ống khói thật dài và cao như cổ thiên nga.

Mỗi ngày, em Lò cũng "thức dậy" khi mẹ tôi bắt đầu mở quán. Khoảng hai tiếng sau, từng món ăn như thịt quay; gà, vịt nướng móc mật; chả thịt... ra lò để kịp bán một lượt cho những người đi chợ mua quà sáng.

Dẫu chỉ là vài thứ chân chất như thịt lợn nuôi thô; con gà, con vịt thả vườn hay lá móc mật núi đá vôi mà khi nướng lên lại thơm lừng một góc chợ! Đôi khi có những món thật lạ như thỏ nướng ngũ vị, cá chép bỏ lò... do khách đặt quay thuê.

Những ngày giáp Tết, mẹ làm thêm các loại đặc sản Tây Bắc như vài mẻ lạp sườn, tảng thịt trâu sấy hay hong hạt dổi để thêm tiền sắm sửa.

Có khi mẹ muối vài hũ hành giòn mát, bán kèm cùng thịt cho những người xa quê thưởng thức một cái Tết thêm phần trọn vẹn.

Nhìn Lò quay những vòng tròn thật đều, tôi tự nhủ đó là những vòng quay thần kỳ: chúng tạo ra tiền để mẹ nuôi con. Sau những ngày bận rộn ấy, bố tra thêm cho Lò ít dầu để "chạy mượt hơn nhé" - nguyên văn lời bố nói.

Em Lò gắn bó với mẹ tôi nhiều đến mức trở thành một "huyền thoại". Cái danh "cô bán thịt xinh đẹp" đã được lưu truyền hơn mười năm nay ở chợ quê tôi. Mỗi cử chỉ thổi bếp, gạt than hay thậm chí là dập lửa đều khiến hai má mẹ hồng căng như hoa tớ dày và đôi mắt sáng lên, trong veo tựa đá hoàng ngọc.

Nhà tôi có một em Lò - Ảnh 2.

Mẹ bên em Lò "huyền thoại"

Có vị khách trung niên mang dáng vóc nghệ sĩ, liếc mắt qua mâm thịt bốc khói liền quay sang ngắm mẹ và tấm tắc: "Đứa gái này hợp đứng dưới ánh đèn spotlight hơn là ánh lửa và khói than". Những lúc ấy mẹ chỉ cười.

Mẹ cười vì người ta khen mẹ đẹp và trẻ như thuở còn là "đứa gái" hay để giấu nỗi buồn xa xăm? Đời mẹ chỉ đóng một vai duy nhất là tiểu thương chợ Cổ với bạn diễn không thể tách rời là em Lò trong những thước phim khởi quay từ thời thanh xuân vô tư đến tương lai vô hạn!

Tục ngữ Việt Nam có câu: "Đàn ông xây nhà/Đàn bà xây tổ ấm" với ngụ ý người đàn bà sẽ là "người giữ lửa" trong gia đình. Thời hiện đại, họ phải đảm đương thêm nhiều công việc xã hội nên đôi khi lơ là chuyện củi lửa.

Lúc này, cửa hàng của mẹ bỗng trở thành "địa chỉ đỏ" cho bữa cơm, mâm cúng và cả... sự hòa hợp của những tổ ấm ấy. Còn gia đình tôi, có những ngày vội vã mà bếp chính chẳng đáp ứng kịp thì cũng mang nguyên liệu tới em Lò, để em trở thành một chiếc bếp trong phút chốc dưới bàn tay mẹ.

Nhất là trong mâm cơm tất niên, bên cạnh những món ăn đặc trưng như bánh chưng, canh măng, giò lụa... chưa bao giờ thiếu đĩa chả nướng "nhà làm" thơm mùi hạt dổi và ấm nóng như một cái ôm sâu.

Nhìn hai căn bếp đỏ lửa, tôi chợt thấy tình yêu thương trong nhà mình đong đầy quá, đong đầy gấp đôi thường nhật!

Nhà tôi có một em Lò - Ảnh 3.

Hạt dổi - "linh hồn" của món nướng vùng cao Tây Bắc

Yêu thương biết mấy khi em Lò đã chứng kiến và tham gia vào những khoảnh khắc gắn kết của nhà tôi. Những ngày đông khách, đại gia đình với sáu thành viên luôn "hoạt động hết công suất". Bố tẩm ướp, mẹ bán hàng, tôi pha nước chấm, em gái giao hàng, em trai mời khách, Lò nướng thịt...

Hết buổi chợ, mẹ đón tay mấy chị em bằng miếng tim vịt thơm mùi hạt dổi, bắp ngô nướng nóng hổi... nhấc ra từ Lò và nhận lại lời cảm ơn ngây ngô từ cậu út bụ bẫm, thêm nụ cười tươi của hai "thị mẹt".

Những ngày cận Tết, mẹ tranh thủ phút ít khách hiếm hoi bảo ban các con, từ chuyện bếp núc như cơm cúng kỵ tỏi, gà rang ưa gừng... đến đối nhân xử thế trong ánh lửa Lò bập bùng.

Lò bằng tuổi em gái tôi, thi thoảng tôi đùa rằng nếu lười học thì em ở nhà với "bạn" Lò, kiếm tiền cùng mẹ. Trêu vậy, mẹ chỉ nghe không nói nhưng ánh mắt như thắp lên niềm mong ước các con được học hành, thoát cảnh buôn bán vất vả.

Những trưa lặng, tôi lên quán vừa trông Lò vừa viết văn, làm toán hay tập nói tiếng Anh. Khói Lò ban trưa nhè nhẹ như màn sương mờ ảo, nâng bước giấc mơ đổi đời của cô bé nghèo chăm ngoan.

Tôi lớn lên, học tập và làm việc xa nhà. Trên đường phố Hà Nội tấp nập hôm nay, tôi gặp một hàng thịt nướng và ghé vào ăn thử. Miếng thịt quay thơm ngon thật, nhưng với tôi, nó không tròn vị! Nó thiếu hẳn cái vị ký ức đậm đà - thứ thịt mà chỉ bố tôi ướp, mẹ tôi nướng ở em Lò có cái ống khói thật dài và cao như cổ thiên nga - mới có được.

Nhớ Lò, nhớ nhà quá! Từng ánh lửa Lò bập bùng trong tâm trí áp vào lòng tôi như những đợt sóng kỷ niệm, vỗ về người con gái tuổi đôi mươi vững vàng vươn xa ra biển đời lớn. Để đi xa tới đâu, Tết về vẫn nhớ: Nhà tôi có một em Lò.

Cảm ơn hơn 560 bạn đã gửi bài Về nhà

Tính đến ngày 8-2, cuộc thi đã nhận được hơn 560 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.

BAN TỔ CHỨC

Nhà tôi có một em Lò - Ảnh 5.

Về quê xây lại mái nhàVề quê xây lại mái nhà

Má lọ mọ dậy từ sớm mờ, bởi thói quen mấy chục năm qua chẳng thể bỏ. Căn nhà được má quét tinh tươm từ trong bếp ra tới ngoài sân. Rồi má xách từng gàu nước giếng tưới cây, dù máy bơm đã được chị gắn sẵn dây ống xịt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên