03/07/2012 08:30 GMT+7

Nhận nền tái định cư ba năm chưa xây được nhà

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TT - Đó là tình cảnh của nhiều hộ dân có đất tại khu dân cư sau Trường phổ thông Dân tộc nội trú (Q.Ô Môn, TP Cần Thơ) do chính quyền quận cấp đất không hợp lý.

Ông Lê Nguyễn Duy Nhân, một người dân nhận nền tái định cư ở khu dân cư trên, cho biết ông bị giải tỏa ở dự án nâng cấp và mở rộng đường 26 Tháng 3 và được Q.Ô Môn cấp một lô đất tái định cư 50,2m2 từ tháng 3-2009.

Nhưng nhiều lần ông định xây nhà thì hàng xóm phản đối do nền tái định cư nằm trước mặt tiền nhà họ, nếu ông xây nhà họ không có lối đi.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Long cho biết ông mua lại một nền tái định cư ở đây nhưng khi động thổ xây nhà thì bị hàng xóm phản đối khiến vật tư để lâu ngày đã bị hư hỏng. Ngoài ông Nhân và ông Long, một số hộ khác cũng chịu chung cảnh khổ này, họ đã phản ảnh nhiều lần với UBND Q.Ô Môn nhưng chưa được giải quyết.

Bà Lê Thị Tân An - phó trưởng Phòng Quản lý đô thị Q.Ô Môn - thừa nhận vụ việc trên đã gây bức xúc trong người dân. Theo bà An, để giải quyết vụ này, quận đã có dự án mở một con hẻm rộng 2m nằm giữa phần đất của các hộ dân tái định cư và những hộ hàng xóm (những người phản đối, không cho các hộ dân tái định cư xây nhà) để bà con có lối đi. Tuy nhiên, hiện nay quận không có vốn để làm con hẻm này và bà An không trả lời được khi nào con hẻm này mới được triển khai thi công.

1XJ0q9Ri.jpgPhóng to

Nhiều lô đất cỏ mọc đầy là nền tái định cư nhưng không ai được xây nhà do đất này nằm trước mặt tiền những hộ dân khác - Ảnh: C.Quốc

* Làm đứt niêm chì đồng hồ nước, phải bồi thường. Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga, ngụ khu phố 6, P.16, Q.Gò Vấp (TP.HCM), phản ảnh: “Đồng hồ nước của gia đình tôi bị chó cắn đứt niêm chì thì bị công ty nước yêu cầu bồi thường bằng cách mua một đồng hồ nước mới, trong khi đồng hồ nước vẫn chạy bình thường. Ngày 26-6 vừa qua, công ty cấp nước đã cắt nước khiến gia đình tôi phải dùng nước giếng nhiễm phèn”.

Ông Nguyễn Minh Hải, cán bộ Công ty Cấp nước Trung An, cho biết việc bấm niêm chì vào đồng hồ nước nhằm đảm bảo không có tác động bên ngoài lên mặt số của đồng hồ để gian lận nước. Nếu khách hàng làm đứt dây niêm chì số của đồng hồ thì phải bồi thường thiệt hại bằng một đồng hồ nước mới, giá khoảng 739.000 đồng. Trường hợp khách hàng kể trên, công ty đã gửi giấy mời hẹn làm việc nhưng sau đó mấy tháng khách hàng vẫn không đến nên công ty cắt quyền sử dụng nước của khách hàng. Nếu muốn tái sử dụng nước, khách hàng có thể liên hệ với công ty để giải quyết. (ĐỨC PHÚ)

* Sản xuất bình khí đốt gây ồn, thải bụi. Một bạn đọc phản ảnh: “Công ty TNHH bình khí đốt Hong Vina ở đường An Dương Vương, P.13, Q.6 (TP.HCM) trong quá trình sản xuất bình khí đốt gây ồn, thải ra nhiều bụi kim loại, ảnh hưởng đến người dân trong khu dân cư”.

Đến nơi, chúng tôi thấy trên lá cây, mái tôn, bancông nhà dân xung quanh công ty trên phủ đầy bụi kim loại màu xanh. Một người dân sống tại đây cho biết: “Chúng tôi phải đóng cửa cả ngày do sợ bụi bay vào nhà. Gần đây, trẻ em và người già bị ho liên tục do hít phải loại bụi này”.

Ông Phạm Hồng Phát, tổng giám đốc Công ty TNHH bình khí đốt Hong Vina, cho biết công ty đã nhận được phản ảnh của người dân về vấn đề trên. Công ty đã cho xây tường bao xung quanh cao hơn để hạn chế tiếng ồn và bụi bay ra khu dân cư. Tuy nhiên, ông Phát thừa nhận: “Trong quá trình sản xuất có khi máy móc bị hư hỏng đột xuất, không thể khắc phục kịp thời nên phát sinh bụi và tiếng ồn nhiều hơn. Công ty sẽ nhanh chóng sửa chữa những máy móc hư hỏng để giảm thiểu tiếng ồn và bụi”.

Theo bà Trần Thúy Hằng - chủ tịch UBND P.13, Q.6, từ tháng 4 năm nay, khi nhận được thông tin phản ảnh của người dân, phường đã gửi công văn đề nghị Phòng tài nguyên và môi trường Q.6 tới lấy mẫu phân tích độ ồn và môi trường xung quanh công ty trên. Kết quả phân tích lúc đó cho thấy độ ồn và bụi thải ra từ công ty chưa vượt quá quy định. “Phường sẽ tiếp tục đến làm việc với công ty về vấn đề này để nhanh chóng giải quyết bức xúc của người dân” - bà Hằng nói. (ANH BẢO)

oUyKHzmE.jpgPhóng to
Bụi kim loại phủ trên lá cây, mái tôn, bancông nhà dân (ảnh chụp ngày 29-6)- Ảnh: A.Bảo

* Thi công đường khiến nhiều người té ngã. “Dưới chân cầu Nhị Thiên Đường, Q.8 (TP.HCM) có một công trình đang thi công đổ đá cục ra đầy đường làm nhiều người bị té ngã. Chỉ trong ngày 30-6 có khoảng 20 người đi xe bị té ngã (có cả một phụ nữ đang mang thai) khiến người dân bức xúc” - một bạn đọc báo tin ngày 30-6.

Ông Nguyễn Xuân Vinh - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 - cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát tại hiện trường và yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngoài ra, nếu sau ngày 2-7 mà tình trạng trên chưa được cải thiện thì chúng tôi sẽ có biện pháp chế tài các đơn vị liên quan”. (NGUYỄN NGỌC)

Z0f9BEeB.jpgPhóng to
Đoạn đường dưới chân cầu Nhị Thiên Đường đầy đá - Ảnh: N.Ngọc

* Nước sạch không... sạch. Sáng 2-7, bà Dương Lệ Hà, ngõ 79 Thụy Khuê, Q.Tây Hồ (Hà Nội), phản ảnh gần nửa tháng nay nước máy nhà bà thường xuyên có cặn bẩn.

Nhiều hộ dân ngụ ở ngõ 79 Thụy Khuê cũng phản ảnh nước máy bị nhiễm bẩn trên diện rộng. Ông Hoàng Ngọc Anh, nhà số 4 ngõ này, dẫn chúng tôi đến nhiều nhà dân trong ngõ vào trưa 2-7 để chứng kiến nước máy nhà nào cũng có màu vàng đục. “Chúng tôi đã báo chuyện nước bị nhiễm bẩn cho Xí nghiệp nước sạch Ba Đình và được giải thích xí nghiệp đang súc xả đường ống nên hiện tượng nước nhiễm bẩn chỉ một vài ngày sẽ hết. Thế nhưng chúng tôi đợi gần nửa tháng nay mà nước máy vẫn còn cặn bẩn” - ông Ngọc Anh bức xúc.

Tại ngõ 105 Thụy Khuê, nhiều hộ gia đình cũng phản ảnh nước sạch có nhiều cặn bẩn, không thể dùng cho sinh hoạt.

Ông Trương Tiến Hưng, giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình, cho biết hiện tượng nước nhiễm bẩn như người dân phản ảnh có thể do quá trình súc xả đường ống. Tuy nhiên, theo ông Hưng, nếu cặn bẩn do súc xả đường ống thì chỉ thời gian ngắn sẽ hết. “Tuần trước xí nghiệp đã xử lý hiện tượng này nhưng người dân phản ảnh chất lượng nước vẫn chưa đảm bảo, nên chiều 2-7 chúng tôi đã cho lấy mẫu nước để phân tích xem nguồn nước có tạp chất gì nhằm có giải pháp xử lý sớm” - ông Hưng nói. (X.Long)

mxbfVKxo.jpgPhóng to
Trưa 2-7, nước máy nhà bà Dương Lệ Hà vẫn có màu vàng đục. Còn chai nước lấy từ buổi sáng đầy cặn đen - Ảnh: X.Long

* Hải Phòng: khởi công sửa chữa cầu Bính. Sau hai năm cầu Bính bị tàu đâm hỏng, ngày 2-7, Sở Giao thông vận tải TP Hải Phòng, Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng cùng nhà thầu chính thi công (Công ty IHI Infastructure Asia Co.,Ltd) đã tiến hành sửa chữa, khôi phục cầu Bính.

Theo Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng, dự án sửa chữa khôi phục cầu Bính có tổng mức đầu tư hơn 157 tỉ đồng. Sở GTVT Hải Phòng đã phân luồng để phục vụ việc khôi phục cầu. Theo đó, từ ngày 23-7 đến 30-11-2012 sẽ cấm các loại ôtô lưu thông qua cầu Bính. Tùy từng thời điểm trong ngày sẽ cấm xe máy và xe thô sơ lưu thông qua cầu. Xe muốn qua sông Cấm thì đi lối cầu Kiền hoặc đi phà. (THÂN HOÀNG)

* Đá có nguy cơ đổ xuống đường. Ngày 2-7 ông Ngô Khắc Thinh - phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) - cho biết đang tìm cách xử lý hai tảng đá lớn với tổng khối lượng khoảng 1.500m3 có nguy cơ đổ xuống đường Ngô Đến thuộc tổ 15 Ngọc Sơn (P.Ngọc Hiệp). Qua khảo sát, hai tảng đá này không có “chân”, đứng trên đất đồi, nơi lớn nhất của vết hở giữa hai tảng đá khoảng 1,5m, còn nơi hẹp nhất khoảng 15cm. “Nếu có những trận mưa lớn liên tục thì khả năng ngã đổ của hai tảng đá này rất cao, có thể xảy ra thảm nạn” - ông Thinh nói.

“Trước kia hai tảng đá này gần sát vào nhau, nhưng 2-3 năm nay khoảng hở giữa hai tảng đá ngày càng lớn. Mỗi khi mưa lớn chúng tôi rất lo đá lăn xuống gây tai nạn” - ông Ngô Minh, một hộ dân ở gần hai tảng đá, phản ảnh. (DUY THANH)

dVmrcoS8.jpgPhóng to
Hai tảng đá có nguy cơ đổ xuống đường Ngô Đến (P.Ngọc Hiệp, TP Nha Trang) - Ảnh: Duy Thanh

* Đào đất ruộng đem bán? Người dân ở thôn Giáng Nam 1, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) phản ảnh UBND xã cho phép nhiều hộ dân đào đất mặt ruộng bán khiến những đám ruộng liền kề gặp khó khăn trong sản xuất và thiếu nước tưới tiêu dẫn đến tình trạng lúa chết khô vì cao hơn các đám ruộng xung quanh gần 50 cm.

Ông Võ Trần Minh Long, chủ tịch UBND xã Hòa Phước, cho biết: “Có khoảng chục hộ dân ở thôn Giáng Nam 1 khai thác đất trên ruộng. Các hộ dân này đều có đơn xin cải tạo đất, cụ thể là hạ thấp cao trình để bằng với kênh mương, tiện cho việc tưới tiêu. Các hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng bởi việc cải tạo đất có thể làm đơn xin cải tạo đất”. Ông Long cũng cho biết thêm xã sẽ kiểm tra phản ảnh đào đất ruộng để bán, nếu đúng như vậy sẽ phối hợp xử lý. (TRƯỜNG TRUNG)

* Hố sụt lớn trên vỉa hè. Một du khách ở Hà Nội vào du lịch Quảng Bình phản ảnh vỉa hè công viên bờ sông Nhật Lệ (TP Đồng Hới, Quảng Bình) có một hố sụt dài khoảng 2,5m, rộng 1,2m và chỗ sụt sâu nhất gần 1m. Nhiều du khách và người dân địa phương tản bộ dọc công viên mải ngắm cảnh có thể bị rơi xuống hố.

Ngày 1-7 ông Phạm Quốc Hùng, giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Đồng Hới, cho biết do thi công giữa các ống cống có khoảng hở, lâu ngày bị nước rút hết đất cát nền gây lún sụt. Trung tâm sẽ sớm sửa chữa lại toàn bộ đoạn hố sụt và các đoạn có nguy cơ lún sụt khác để bảo đảm an toàn cho du khách và mọi người. (HẢI THÀNH)

HdyeKyWR.jpgPhóng to
Hố sụt trên vỉa hè công viên Nhật Lệ - Ảnh: Trường Trung

* Hồ Xáng Thổi bốc mùi. Thời gian gần đây nhiều người dân ở khu vực hồ Xáng Thổi, P.An Cư, Q.Ninh Kiều (TP Cần Thơ) phản ảnh mỗi khi nước ròng, hồ Xáng Thổi bốc mùi hôi thối. Anh Lê Văn Phương, một người buôn bán ở bờ hồ, cho biết một số người dân ở khu vực ven bờ hồ đã lén vứt rác thải xuống hồ khiến nước hồ bị ô nhiễm nặng. Tại một góc hồ Xáng Thổi, khi nước cạn lộ ra một bãi rác thải có chiều ngang 2-3m, dài hơn 20m.

Hồ Xáng Thổi là hồ đẹp và lớn nhất TP Cần Thơ đã được cải tạo, làm mới và đưa vào sử dụng cách nay hơn năm năm. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, chủ tịch UBND P.An Cư, cho biết gần đây Sở Khoa học - công nghệ & môi trường TP Cần Thơ có cử cán bộ đo giám định mức độ ô nhiễm môi trường của hồ Xáng Thổi. Xung quanh hồ có đến bảy cống xả nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý và một số người dân ven hồ đã vứt rác thải xuống hồ khiến nước hồ ô nhiễm nặng.

“Phường đã in tờ rơi kêu gọi ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác thải xuống hồ, kết hợp với quận tổ chức vớt rác, nạo vét lòng hồ, giao đoàn thanh niên phường phụ trách theo dõi và vệ sinh hồ... Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý nước thải sinh hoạt đang gặp khó do dự án thu gom và xử lý nước thải của TP từ nhà máy ở Nam Cần Thơ chưa hoàn thành” - ông Tuấn nói. (QUỐC ANH)

jItiJ4zI.jpgPhóng to
Hồ Xáng Thổi ô nhiễm nặng - ẢNH: QUỐC ANH
CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên