07/05/2024 12:49 GMT+7

Nhành hoa cưới ở hầm De Castries - Kỳ cuối: Đám cưới trong hầm De Castries

Đám cưới không có xe hoa, chỉ có xe tăng. Cô dâu chú rể mặc áo bộ đội cũ, quà cưới do chủ hôn và tổ chức tặng là huy hiệu Hồ Chủ tịch!

Một tình yêu tuyệt đẹp thời chiến - Ảnh tư liệu gia đình

Một tình yêu tuyệt đẹp thời chiến - Ảnh tư liệu gia đình

Trong khi đại tá Cao Văn Khánh tổ chức việc trao trả tù binh, thu dọn chiến trường, đồng đội đã "lập mưu" đưa Ngọc Toản ra Mường Thanh. Cô quân y sĩ vẫn đang mải miết với nhiệm vụ, và nếu không phải nhiệm vụ, không có gì có thể dứt cô ra khỏi các hầm cứu thương, kể cả khi tin vui thắng trận lan đến như sóng vỗ...

Quân lệnh đặc biệt

Thư của anh Khánh gửi đã nêu rất nhiều lý do Toản "nên" ra Mường Thanh: tận mắt thấy chiến trường Điện Biên Phủ, để cùng nhau về hậu phương, để xem việc thả thương binh, và "em sẽ còn được xem phái đoàn Liên Xô đến quay phim tác chiến ở Điện Biên"... Nhưng Toản vẫn chưa chịu đi, rất nhiều thương binh đang cần cô.

Ông Trần Lương, chủ nhiệm chính trị mặt trận (sau này là bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, với bí danh Trần Nam Trung), cho rằng cần "quyết liệt" hơn. Ông trực tiếp gửi quân lệnh: "Yêu cầu đồng chí Toản sáng 18-5 có mặt ở Chỉ huy sở Mường Thanh để nhận nhiệm vụ".

Y lệnh, 17h chiều ngày 17-5, Ngọc Toản rời Bản Tấu ở cây số 62 nơi đội điều trị 2 đóng quân, theo anh liên lạc đi bộ, khi đến nơi đã gần 2h sáng.

Trăng mờ trên nóc hầm có che dù. Cờ chiến thắng cắm trên nóc hầm De Castries - viên chỉ huy quân Pháp vừa được thăng thiếu tướng cách đó chỉ ít ngày. Đại tá Cao Văn Khánh đang dùng hầm này làm trụ sở chỉ huy. Anh nằm nhắm mắt trên chiếc giường vải đặt trên nóc hầm, giật mình choàng dậy khi nghe cần vụ báo tin: "Chị Toản đến rồi!".

Hôm nay bà vẫn còn xúc động: "Giữa cảnh chiến địa ngổn ngang, trên nóc hầm De Castries đêm 18-5-1954, anh kéo tôi xuống ngồi trên cái ghế vải. Anh ôm ghì lấy, hôn tôi tới tấp trên tóc, trên mắt, trên môi: "Ôi em đây rồi, không phải anh mơ chứ? Anh đã có em thật rồi, hạnh phúc quá! Em đi có mệt không? Cảm ơn em, cảm ơn các đồng chí". Anh bối rối. Lòng tôi thì bỡ ngỡ, rộn ràng, xao xuyến. Lần đầu tiên tôi hiểu được thế nào là những cảm xúc của tình yêu".

Chưa kịp trao nhau bao nhớ nhung dồn nén, ông Trần Lương đã đến "giao nhiệm vụ": trong hàng ngàn tù binh Pháp, duy nhất có một nữ y tá nguyên là tiếp viên hàng không, cô Geneviève de Galard. Ngọc Toản biết tiếng Pháp, hãy đến gặp, cho cô ta biết Hội Phụ nữ Việt Nam đã đề nghị Hồ Chủ tịch ân xá cho cô.

Toản gặp Geneviève truyền đạt thông điệp, nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 19-5, cô cùng cả Sư đoàn 308 dự lễ kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ. Sáng hôm sau, Toản được người yêu dẫn đi tham quan khu đóng quân ở Mường Thanh, đồi A1, những nơi giao tranh kịch liệt của các đại đoàn 308, 312, 304...

Cảm thấy việc của mình đã hết, Toản lại xin phép trở về đơn vị, nhưng thủ trưởng Trần Lương nói: "Chị chưa về được đâu, còn một nhiệm vụ đặc biệt nữa! Chúng tôi biết chị và anh Khánh yêu nhau đã lâu, nhưng trận mạc liên miên không có điều kiện gặp gỡ. Ta nên tổ chức cưới ngay tại đây, tôi sẽ đứng làm chủ hôn cho".

Ảnh cưới của Cao Văn Khánh - Nguyễn Thị Ngọc Toản chụp trên chiếc xe tăng nằm giữa chiến trường Mường Thanh ngày 22-5-1954 - Tư liệu gia đình

Ảnh cưới của Cao Văn Khánh - Nguyễn Thị Ngọc Toản chụp trên chiếc xe tăng nằm giữa chiến trường Mường Thanh ngày 22-5-1954 - Tư liệu gia đình

Toản sốc vì quá bất ngờ. Đám cưới ở Huế luôn là nghi lễ trang trọng tôn nghiêm nhất, không thể thiếu cha mẹ, gia đình, bánh phu thê, áo dài. Dù ở đây là chiến trường, cưới cũng phải có mặt mẹ, anh chị em và bạn bè thân thiết, cũng phải sắm sửa chút áo quần, chăn màn. Kháng chiến nhưng con gái đi lấy chồng vẫn là một sự kiện lớn trong đời, không thể vội vã, không thể tự ý...

Ông Trần Lương phân tích: "Về hậu phương, nhỡ anh Khánh không được nghỉ, có nhiệm vụ ngay thì làm sao cưới được?". Khánh thì thuyết phục: "Căn bản là chính thức hóa tình yêu của hai ta, và tranh thủ thời gian được sống cùng nhau sau chiến dịch. Tổ chức đã đồng ý rồi, chắc gia đình cũng sẽ hiểu thôi". Và Ngọc Toản đã chấp nhận.

Vui duyên mới khi hoàn thành nhiệm vụ

Ngày 21-5 chuẩn bị, anh em mỗi người một việc. Bộ đội trang trí hầm De Castries bằng dù Pháp đủ màu, sắp xếp chỗ ngồi cho gần 40 đại biểu của hai họ. Nhà gái là các cán bộ quân y, nhà trai là các cán bộ của Sư đoàn 308.

Đêm 22-5-1954, lễ cưới của Cao Văn Khánh và Nguyễn Thị Ngọc Toản được tổ chức trong hầm De Castries trong ánh đèn măng-sông. Cô dâu chú rể dắt tay nhau trong sự hồ hởi của khách mời. Hạnh phúc riêng được cộng hưởng cùng niềm vui chung thăng hoa chất ngất. Nhiều năm sau, thư tướng Cao Văn Khánh vẫn bâng khuâng: "Em có nhớ lúc anh và em âu yếm bước vào chỉ huy sở De Castries để làm lễ không?".

Vợ chồng ông Cao Văn Khánh và Ngọc Toản ở Điện Biên Phủ sau ngày cưới - Ảnh tư liệu gia đình

Vợ chồng ông Cao Văn Khánh và Ngọc Toản ở Điện Biên Phủ sau ngày cưới - Ảnh tư liệu gia đình

Kẹo nuga, thuốc lá Philip, rượu Tây do máy bay Pháp thả xuống mừng De Castries lên tướng, giờ là chiến lợi phẩm khách khứa đem tới chung vui. Chú rể hát bài Bộ đội về làng, cô dâu hát bài Em bé Mường La. Trang phục cưới của cả hai là chiếc áo bộ đội cũ, không chút son phấn. Quà cưới do chủ hôn và tổ chức tặng là huy hiệu Hồ Chủ tịch! Đám cưới ngập tràn những nụ cười tươi như hoa và những lời chúc phúc trong niềm vui chiến thắng trận.

Hôm nay thăm lại hầm De Castries, kể cho mọi người nghe về ngày hạnh phúc nhất đời 70 năm trước, bà Toản chiêm nghiệm lại: "Lần đầu tiên anh hôn tôi trước đông người, trong tiếng hoan hô vang dậy, chính thức giới thiệu chúng tôi đã là vợ chồng. Đêm tân hôn của hai vợ chồng chiến sĩ Điện Biên trên chiến địa Mường Thanh mở đầu cho cuộc đời tiếp diễn sau chiến tranh. Chúng tôi chiến đấu cho cái chung và cho cả cái riêng. Hạnh phúc đôi lứa bình dị như cuộc sống. Những nghi lễ nói cho cùng cũng chỉ là hình thức, thiếu nó, thi vị của hạnh phúc tình yêu cũng chẳng hề thuyên giảm".

Đám cưới không có xe hoa, chỉ có xe tăng. Cô dâu chú rể chụp bức ảnh cưới trên chiếc xe tăng còn đậu ở sân bay Mường Thanh. Đó là tấm ảnh 2x3 bé xíu duy nhất còn lưu giữ được đến bây giờ. Những tấm chụp trong hầm De Castries thật đáng tiếc đã mất hết do rửa phim bị hỏng.

Ông Khánh sau này còn tiếc mãi: "Đó là những kỷ niệm suốt đời của chúng ta, những ngày vui nhất của anh và em, sau trận chiến thắng lịch sử trong một khung cảnh lịch sử phải không em? Sau này làm gì có những cảnh núi rừng Tây Bắc hoang vu với những xác máy bay, xe tăng đổ nát, với hai hình ảnh thân yêu...".

Ông Phạm Chí Nhân, cựu chiến binh Sư đoàn 308, viết về lễ cưới thủ trưởng mà mình được tham dự: "Đám cưới có một không hai mà cho đến bây giờ nhiều cựu chiến binh khi nhớ lại vẫn còn cảm giác run rẩy trước vẻ đẹp lãng mạn, đầy chất thơ của nó. Khí thế chiến thắng xen kẽ tình cảm lứa đôi, vui duyên mới khi nhiệm vụ đã hoàn thành. Giản dị mà vô cùng thân mật...".

Thế rồi cũng đến lúc phải chia tay. Đại tá Cao Văn Khánh nhận nhiệm vụ mới sau khi quân Pháp lần lượt rút lui khỏi các vùng đồng bằng. Ít lâu sau, Toản nhận được thư chồng: "Tối hôm qua anh về đơn vị lúc 5h sáng. Suốt đoạn đường, dư âm của mấy ngày qua làm anh suy nghĩ mãi về những đặc ân anh và em vừa được hưởng... Nếu sau này anh bận không gửi thư được, thì em hãy luôn tin rằng khi nào anh cũng nghĩ đến em, nhất là đến những ngày chung sống cùng em trong thời gian qua, những ngày ấm áp nhất đời anh...".

Tuổi 94, niềm vui của bà Toản là thỉnh thoảng lại lục hòm tư liệu, đọc lại một bức thư của chồng, hồi tưởng những ngày xưa… - Ảnh: CBV

Tuổi 94, niềm vui của bà Toản là thỉnh thoảng lại lục hòm tư liệu, đọc lại một bức thư của chồng, hồi tưởng những ngày xưa… - Ảnh: CBV

Luôn mơ về hòa bình, khao khát cuộc sống gia đình bình yên và yêu thương, nhưng một đời ông Cao Văn Khánh luôn phải xa nhà, luôn phải làm người chỉ huy trên chiến trường, đầu sóng ngọn gió. Tận hưởng niềm vui đất nước hòa bình thống nhất không lâu, đưa vợ con thăm quê hương xứ Huế được một lần, ông đã phải chia tay cuộc đời vì di chứng chất độc da cam năm 1980 khi đang chỉ huy chiến dịch biên giới Tây Bắc.

Bà Ngọc Toản cũng vậy, một đời miệt mài với sự nghiệp quân y, một đời sống trong tình yêu chỉ được kéo gần - nối dài bằng những bức thư. Hôm nay, tuổi 94, thỉnh thoảng bà lại lấy ra một bức thư của ông để đọc - dù đã thuộc lòng, vẫn bồi hồi, háo hức, chờ đợi như ngày đầu...

Nhành hoa cưới ở hầm De Castries - Kỳ 5: Chữa trị cho thương binh PhápNhành hoa cưới ở hầm De Castries - Kỳ 5: Chữa trị cho thương binh Pháp

7-5-1954, tin chiến thắng vang động mặt trận Điện Biên Phủ, ngay cả các thương binh cũng quên vết thương của mình. Đại tá Cao Văn Khánh được phân công chỉ huy thu dọn chiến trường, bàn bạc với phía Pháp phương án trao trả thương binh, tù binh...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên