29/03/2017 10:21 GMT+7

​Nhếch nhác, lộn xộn bãi giữa sông Hồng

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TTO - Trong khi việc quy hoạch sông Hồng đang nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các chuyên gia, nhà quy hoạch, Tuổi Trẻ quay lại khu vực bãi giữa sông Hồng ghi nhận thực trạng tại đây.

Những ngôi nhà lụp xụp tại làng nổi bãi giữa sông Hồng - Ảnh: Nguyễn Khánh
Những ngôi nhà lụp xụp tại làng nổi bãi giữa sông Hồng - Ảnh: Nguyễn Khánh

Khu ổ chuột giữa bãi sông

Ngay dưới chân cầu Long Biên, hàng chục năm nay hình thành nên một khu dân cư đông đúc, là nơi cư ngụ của 27 hộ dân, thường gọi là xóm Phao bởi các căn lều được dựng cạnh mép sông bám vào bờ dập dềnh nổi theo con nước.

Xóm được mệnh danh là xóm “4 không” khi luôn trong tình trạng không có điện chiếu sáng, không có nước sạch, không nhà kiên cố và không hộ khẩu.

Cả xóm tụ lại thành vài chục căn chòi rách nát, được ghép bằng các tấm nhựa, gỗ phế liệu, phía trên lợp bằng phên nứa hoặc tôn, dưới là những thanh gỗ, tre đan cố định với nhau trên các xác thuyền cũ, thùng phuy hoặc hộp xốp lênh đênh trên sông.

Dù cách phố cổ Hà Nội chỉ hơn 1km nhưng cuộc sống của hơn 100 cư dân ở đây là một thế giới khác tách biệt hoàn toàn, sống chui rúc, không tấc đất canh tác, chẳng có đường sá.

Cùng chung hoàn cảnh đói rách nhưng mỗi gia đình cư ngụ tại đây là mỗi phận đời éo le khác nhau. Người dạt từ tỉnh xa đến, người mất nhà cửa, người thân thành vô gia cư, người gia đình ly tán hoặc làm ăn tán gia bại sản.

Họ chọn cách tìm đến nơi đây để dựng thành chỗ chui ra chui vào trú ngụ qua ngày tháng bởi đây là đất hoang không người quản lý.

Anh Bùi Văn Tuân đang tranh thủ rèn luyện thể lực trên con thuyền của gia đình. Gia đình anh Tuân định cư ở khu vực bãi giữa sông Hồng từ năm 2010 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Anh Bùi Văn Tuân tranh thủ rèn luyện thể lực trên con thuyền của gia đình. Gia đình anh Tuân định cư ở khu vực bãi giữa sông Hồng từ năm 2010 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Để tiếp cận với xóm Phao, chúng tôi phải len lỏi qua nhiều con ngõ chật hẹp ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, rồi men theo con dốc trơn trượt, bẩn thỉu, hôi hám với cơ man phế liệu, đất đá, rác thải...

Khi chúng tôi nhắc tới việc tới đây thành phố sẽ quy hoạch lại bờ, bãi sông, xóm Phao có nguy cơ phải di dời hoặc dỡ bỏ, nhiều người tỏ ra sốt sắng. Ông Lê Đăng Được, tổ trưởng xóm, tỏ ra hoang mang không biết cả xóm Phao sẽ đi đâu về đâu.

Cũng như nhiều nhà khác, đại gia đình ông Được đã sống ở đây đến đời con, rồi con lại lấy vợ sinh cháu vẫn quẩn quanh cư ngụ trên chòi.

Nhiều đứa trẻ ra đời ở xóm Phao nơi khúc sông này nhưng không giấy khai sinh cũng chẳng hề có hộ khẩu. Theo ông Được, hầu hết trong 27 hộ dân đều là người tha hương, nhiều người không còn nhà cửa, họ hàng.

“Nghề” chính của cư dân ở đây là bốc vác thuê, lượm ve chai, đồng nát, nhặt rác, vớt gỗ, củi khô, chài lưới trên sông Hồng... từ sáng tới tối. Đêm xuống thì quay về chòi làm chỗ nương náu để sáng mai tiếp tục mưu sinh.

“Ai cũng biết chỗ này nhếch nhác, bẩn thỉu nhưng giờ đi thì chẳng biết đi đâu. Thôi thì tới đâu tính tới đó chứ biết làm sao”, ông Được thở dài.

Cũng bởi đây là các hộ dân di cư tự do, không có đất đai, nhà cửa, hộ khẩu nên tất thảy họ không thuộc diện quản lý của UBND phường Ngọc Thụy, nhưng thi thoảng cán bộ phường và một số đoàn từ thiện ghé xuống thăm nom, tặng quà.

Điểm nóng về trật tự xây dựng

Không chỉ khu vực gầm cầu Long Biên, theo Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội, khu vực bãi giữa sông Hồng còn trải dài, giáp ranh hàng loạt phường bao gồm: Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Phúc Xá (quận Ba Đình); Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm)...

Tại đây, nhiều năm qua tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai trật tự xây dựng ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, tính chất và mức độ.

Khu vực bãi đất tiếp giáp bờ sông, nhiều hộ dân tự ý dựng lều lán tạm với kết cấu chủ yếu là nhà khung cột tre, mái lá, vách liếp, diện tích từ hơn 10m2 đến vài chục mét vuông.

Thậm chí, một số công trình xây dựng kiên cố như nhà cấp 4 bằng gạch, nhà khung thép, mái, vách tôn, cổng sắt, đường bêtông... đã xuất hiện. Một số nơi được chủ đất tự ý quây rào lưới thép rồi xây gạch phân nền xác lập ranh giới.

Ngoài ra, tại khu vực bãi giữa, tình trạng mua bán đất trái pháp luật cũng được ghi nhận. Theo tìm hiểu, giá mỗi sào đất tại đây được rao bán từ 80-100 triệu đồng.

Một khu vực bờ sông Hồng gần chân cầu Long Biên chưa cho thấy có sự quy hoạch - Ảnh: Việt Dũng
Một khu vực bờ sông Hồng gần chân cầu Long Biên chưa cho thấy có sự quy hoạch - Ảnh: Việt Dũng

Theo một lãnh đạo phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, các công trình tự phát mọc lên trên khu vực bãi giữa sông Hồng diễn ra phức tạp, kéo dài. Cơ quan chức năng nhiều lần ra quân tháo dỡ, phá bỏ tuy nhiên vẫn tiếp tục tái diễn.

“Chúng tôi thường xuyên vận động, tuyên truyền cho người dân và ra quân quyết liệt nhưng không xử lý dứt điểm được. Lý do là địa bàn rộng, khu vực xa dân cư hoang vắng nên khó kiểm soát”, vị đại diện nói.

Về việc mua bán đất, đại diện phường Tứ Liên thừa nhận có diễn ra nhưng lén lút và mua bán trao tay.

Trong khi đó, đại diện thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho hay liên quan tới tình trạng lấn chiếm và xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại địa bàn, hiện đã phân cấp quản lý cho từng quận, huyện, phường, xã, do đó lực lượng địa bàn cần phải quyết liệt và sát sao hơn.

Vị này bày tỏ ủng hộ phương án lập quy hoạch, tuy nhiên cũng bày tỏ băn khoăn khi triển khai quy hoạch, việc giải quyết bài toán an sinh ở những khu vực dân cư ngoài đê có nhà cửa nằm trên nền đất thuộc hành lang thoát lũ cần phải nghiên cứu kỹ.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên