06/08/2023 16:14 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp thoát lỗ, lãi đột biến nhờ... định giá lại, bán tài sản

Giữa lúc mảng kinh doanh chính bị sa sút, nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn báo lãi tăng đột biến, nhờ vào việc định giá lại tài sản của công ty liên kết, bán công ty con, bán tài sản cố định, thanh lý máy móc...

Nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán báo lãi lớn sau khi thanh lý tài sản - Ảnh: BÔNG MAI

Nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán báo lãi lớn sau khi thanh lý tài sản - Ảnh: BÔNG MAI

Lộc Trời: Lãi đậm nhờ đánh giá lại tài sản công ty liên kết

Là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Lộc Trời (mã chứng khoán LTG) được giới đầu tư quan tâm.

Báo cáo tài chính quý 2-2023 Lộc Trời mang về được gần 3.680 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù giá vốn và chi phí bán hàng giảm, doanh thu tài chính tăng tốt, nhưng Lộc Trời bị áp lực ăn mòn lợi nhuận do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng.

Chốt sổ quý 2, doanh nghiệp báo lãi ròng sau thuế gần 425 tỉ đồng, đảo chiều ngoạn mục so với số lỗ 44 tỉ đồng ở cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ khi niêm yết lên sàn chứng khoán đến nay.

Giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về kết quả kinh doanh tăng đột biến, tổng giám đốc Nguyễn Duy Thuận cho biết doanh nghiệp đã "ghi nhận phần lãi từ công ty liên kết".

Như vậy, trong số lãi kỷ lục trên, có tới 77% (gần 330 tỉ đồng) được đóng góp từ việc Lộc Trời đánh giá lại tài sản của công ty liên kết là Công ty cổ phần lương thực Lộc Nhân, chứ không phải nhờ mảng cốt lõi như sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng, lúa, gạo, thực phẩm... Lưu ý, Lộc Nhân mới chỉ được đưa vào hệ sinh thái của Lộc Trời hơn nửa năm nay.

Lũy kế nửa đầu năm nay, Lộc Trời đạt doanh thu thuần hơn 6.130 tỉ đồng (+4%). Mặc dù quý đầu năm bị lỗ kỷ lục hơn 80 tỉ đồng, nhưng do kết quả kinh doanh của quý 2 tăng mạnh, giúp lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm tăng 146% so với cùng kỳ năm trước, lên 345 tỉ đồng.

Xây dựng Hòa Bình: Lãi trăm tỉ sau khi thanh lý thiết bị máy móc

Bức tranh kinh doanh quý 2-2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) thể hiện khoảng thời gian khó khăn, khi doanh thu thuần giảm tới 45% xuống còn xấp xỉ 2.300 tỉ đồng.

Áp lực càng đè nặng khi cả doanh thu tài chính và lãi từ việc bán các khoản đầu tư sụt giảm mạnh, nhưng chi phí tài chính lại tăng. Doanh nghiệp còn phải trích lập dự phòng vào các khoản nợ phải thu khó đòi (hơn 317 tỉ đồng) khiến chi phí quản lý cũng tăng mạnh.

Mảng chính làm ăn sa sút, nhưng sau khi trừ hết giá vốn và các chi phí, Xây dựng Hòa Bình vẫn lãi ròng tới gần 550 tỉ đồng trong quý vừa qua, cao gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Số lãi lớn này không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, mà chủ yếu nhờ vào việc bán đi tài sản cố định, thanh lý máy móc.

Do quý đầu năm bị lỗ ròng nên tổng kết nửa đầu năm 2023 khoản lãi ròng sau thuế của doanh nghiệp còn hơn 100 tỉ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ.

Bất động sản Phát Đạt: "Bán con" để vượt khó

Giải trình với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, ông Bùi Quang Anh Vũ - tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) - cho biết: "Do tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là ngành bất động sản nên việc đầu tư kinh doanh của chúng tôi vào các dự án bất động sản không thuận lợi".

Báo cáo tài chính cho thấy trong quý 2 năm nay doanh nghiệp chỉ đạt 5 tỉ đồng doanh thu, giảm sốc 167 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trái ngược với kết quả kinh doanh ảm đạm của mảng chính, doanh nghiệp báo có khoản thu đột biến từ hoạt động tài chính (hơn 530 tỉ đồng, tăng 655 lần so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu nhờ chuyển nhượng cổ phần công ty con.

Trừ đi giá vốn và các chi phí, Phát Đạt lãi ròng tới 275 tỉ đồng trong quý vừa qua, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn rất lớn so với nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành.

Lũy kế nửa năm qua Phát Đạt có gần 200 tỉ đồng doanh thu và gần 300 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 87% và 56% so với cùng kỳ.

Thoát lỗ ngoạn mục

Trên sàn chứng khoán, nhiều doanh nghiệp có cách thoát lỗ ngoạn mục trong quý 2-2023.

Chẳng hạn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), riêng mảng kinh doanh cốt lõi đã bị lỗ gần 260 tỉ đồng, nhưng nhờ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến (lãi từ việc mua rẻ một công ty nông nghiệp), nên chốt quý vẫn có lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỉ đồng.

Công ty Gemadept (GMD) đón lãi kỷ lục gần 1.650 tỉ đồng trong quý vừa qua, nhờ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại cảng Nam Hải Đình Vũ cho đối tác khác.

Hay doanh thu thuần của DIC Corp (DIG) giảm 72% so với cùng kỳ năm trước (còn hơn 160 tỉ đồng). Trừ giá vốn và các chi phí thì bị lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 5 tỉ đồng. Đáng chú ý, nhờ khoản lãi 22 tỉ đồng từ phạt vi phạm hợp đồng nên cuối quý doanh nghiệp vẫn lãi sau thuế 9 tỉ đồng.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 chính thức khép lại. Theo dữ liệu từ Fiin Trade, tính đến 30-7 đã có 924 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính (chiếm 87% vốn hóa), với tổng lợi nhuận sau thuế giảm gần 19% cùng kỳ, thể hiện tình hình khó khăn.

Novaland, Hưng Thịnh kiến nghị gì khi họp với Thủ tướng về gỡ khó bất động sản?Novaland, Hưng Thịnh kiến nghị gì khi họp với Thủ tướng về gỡ khó bất động sản?

Hàng loạt kiến nghị liên quan đến tiếp cận vốn, giảm lãi suất, tháo gỡ về thủ tục hành chính... đã được loạt "ông lớn" bất động sản đưa ra tại hội nghị về thị trường bất động sản do Thủ tướng chủ trì chiều 3-8.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên