03/08/2022 16:53 GMT+7

Nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian công cộng cho cộng đồng

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Đó là ý kiến tại hội thảo phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới, do tạp chí điện tử Bất Động Sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 3-8.

Nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian công cộng cho cộng đồng - Ảnh 1.

Đô thị Hội An, Quảng Nam - Ảnh: M.T.

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước, đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Nhìn tổng thể đến nay Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa.

Theo ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hội thảo phải làm rõ những vấn đề như mô hình nào cho hệ thống đô thị ven sông, ven biển.

"Chúng tôi có đất, có biển, có sông và thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư lớn. Vấn đề đặt ra là phương án nào để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đó, vừa đáp ứng cho mục tiêu trước mắt nhưng đồng thời vẫn đảm bảo nguồn dự trữ cho những mục tiêu lâu dài" - ông Bửu nêu.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam - cho rằng các đô thị biển nước ta, nói đúng hơn là các đô thị ven biển, vẫn được phát triển trên nền tảng của tư duy “đất liền”.

Nhìn chung giá trị “biển bạc” vẫn chưa được phát huy, trong khi các giá trị trước mắt của “đất vàng” ở ven biển và trên đảo vẫn hấp dẫn hơn với cả nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư.

Theo KTS Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hiện nay phần lớn các đô thị có biển, không gian dải ven biển luôn được ưu tiên quy hoạch cho mục đích phát triển các công trình dịch vụ du lịch.

Nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng. Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai.

Nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian công cộng cho cộng đồng - Ảnh 2.

KTS Trần Ngọc Chính phát biểu tại hội thảo - Ảnh: LÊ TRUNG

Ông Chính kiến nghị các loại đất ven biển đều phải thực hiện theo quy hoạch và tất cả các chính sách của Nhà nước liên quan cũng phải được xem xét đưa vào quy hoạch.

Quy hoạch phải bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân tại khu vực đó, cũng như lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước.

Cần thiết phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực ven biển. Cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói chúng ta mới bắt đầu có tư duy hướng biển, khoảng 20 khu kinh tế ven biển đang phát triển nhưng chưa thể trở thành nền tảng phát triển đô thị biển chiến lược.

Ông Thiên đề ra những giải pháp như phải có tầm nhìn và cách tiếp cận mới về đô thị biển, phải thể hiện trong quy hoạch quốc gia. Chức năng của đô thị biển phải được định hình rõ và đảm bảo không xảy ra xung đột.

Bên cạnh đó tích hợp chức năng của đô thị trên tinh thần hiện đại hóa: Là đô thị cảng biển (hàng hóa hoặc du lịch), trung tâm công nghiệp thông minh, tổ hợp logistics kiểu mới. Ngoài ra động lực phát triển phải dựa vào các doanh nghiệp tư nhân.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng để tiến ra biển bằng hệ thống đô thị biển nhằm “mạnh về biển, giàu từ biển”, đầu tiên và quan trọng nhất là phải thay đổi về tư duy và nhận thức, phải hướng ra biển, dựa vào biển, lấy biển làm động lực phát triển, để làm giàu từ biển.

Cần công nhận và sử dụng khôn khéo các giá trị của cảnh quan thiên nhiên và các hệ sinh thái biển, đảo như là nguồn “vốn phát triển” dài hạn, thiết kế và lựa chọn các mẫu hình kiến trúc đô thị xanh, thân thiện với tự nhiên.

Bên cạnh đó, xác định mô hình đô thị biển như là một “hệ sinh thái đô thị biển” đa chiều, đa phương diện, đa dạng và đa dụng.

Hồi sinh nguồn nước, phát triển đô thị ven sông Sài Gòn Hồi sinh nguồn nước, phát triển đô thị ven sông Sài Gòn

TTO - Phát triển bền vững sông Sài Gòn cùng quỹ đất hai bên bờ đòi hỏi theo một hệ thống xuyên suốt, một quy hoạch tổng thể. Hành lang pháp lý minh bạch và hài hòa lợi ích để xã hội hóa đầu tư, khuyến khích tổ chức và cá nhân có tiềm lực tham gia.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên