29/02/2024 19:24 GMT+7

Nhiều giải pháp bảo vệ, san hô vịnh Nha Trang bắt đầu phục hồi

Dịch vụ lặn biển được nhiều du khách ưa thích khi đi các tour vịnh Nha Trang (Khánh Hòa). Tuy nhiên lặn ngắm san hô không đúng cách cũng có thể gây tổn hại đến san hô, hiện nhiều doanh nghiệp đã tổ chức lặn gắn với bảo tồn san hô.

Du khách khi lặn biển không nên sờ, ngồi lên san hô - Ảnh: THANH CHƯƠNG

Du khách khi lặn biển không nên sờ, ngồi lên san hô - Ảnh: THANH CHƯƠNG

Theo Ban quản lý vịnh Nha Trang, vào tháng 6-2022, sau khi phát hiện các rạn san hô ở khu vực biển Hòn Mun bị suy giảm nghiêm trọng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo tạm dừng các hoạt động lặn biển ở khu vực này để phục hồi rạn san hô.

Trước đây, có 17 doanh nghiệp đăng ký tổ chức kinh doanh dịch vụ lặn biển tại vùng nước quanh đảo Hòn Mun với 6 điểm lặn. Sau khi tạm dừng, Ban quản lý vịnh Nha Trang đã thiết lập điểm lặn tạm thời ở khu vực biển Hòn Rơm cho đến nay.

Lặn biển như thế nào để không làm tổn hại đến san hô?

Ông Nguyễn Huy Hân - giám đốc Công ty cổ phần Việt Asian Nha Trang (đơn vị chuyên tổ chức hoạt động lặn biển) - cho hay khi du khách lặn ngắm san hô, các thợ lặn của công ty luôn nhắc nhở khách không chạm tay, không tác động tới rạn san hô. Việc khách ngồi hoặc sờ vào rạn san hô sẽ làm gãy các nhánh san hô.

Thậm chí, ngay cả những rạn san hô đã chết hay bạc màu cũng không nên cạy, chạm vào, vì đây thường là nơi trú ẩn của các loài sinh vật. Cách tốt nhất là nên dừng lại ở việc nhìn ngắm hay chụp ảnh các rạn san hô ở khoảng cách 30 - 50cm.

"Những du khách khi lặn biển hoặc đi bộ dưới biển bắt buộc phải có huấn luyện viên đi cùng để hướng dẫn khách cách di chuyển, tránh giẫm đạp, làm gãy san hô.

Với những bãi san hô ở vùng nước nông, nếu đưa khách lặn bằng tàu hoặc ca nô ra khi thả mỏ neo phải chọn những vị trí có vùng cát, những nơi neo đậu được quy hoạch không có san hô dưới đáy", ông Hân nói.

Ngoài ra trước khi lặn biển, công ty luôn hướng dẫn du khách chú ý bảo vệ môi trường biển. Các loại mỹ phẩm như kem chống nắng có các chất gây hại như oxybenzone, avobenzone… sẽ gây nên hiện tượng "tẩy trắng" san hô cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến da và vỏ của các loài sinh vật biển khác cũng được công ty khuyến khích khách không sử dụng, mỗi lần lặn sẽ duy trì từ 15 - 20 phút với số lượng 1 - 3 người.

Đặc biệt tại Nha Trang không chỉ dừng ở việc lặn biển, nhiều du khách còn tham gia trải nghiệm nhặt rác dưới biển, gỡ lưới bám lên các rạn san hô, sinh vật biển…

Anh Nguyễn Văn Đức - một thợ lặn có nhiều năm kinh nghiệm ở TP Nha Trang - cho hay: "Việc lặn biển kết hợp nhặt rác giúp các học viên, du khách lặn thêm yêu môi trường biển. Trực tiếp nhìn thấy những tấm lưới ma, những vỏ lon giăng kín trên các rạn san hô khiến họ phải trăn trở và ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường biển. 

Hoạt động này cũng giúp tour lặn biển thêm hấp dẫn, ý nghĩa. Ngoài ra chúng tôi còn bắt các loại vật gây hại san hô như cầu gai".

Nhiều hoạt động bảo vệ san hô

Hoạt động nhặt rác dưới đáy biển nhận được sự hưởng ứng của nhiều người - Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Hoạt động nhặt rác dưới đáy biển nhận được sự hưởng ứng của nhiều người - Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Theo các chuyên gia môi trường biển, nhiều điểm du lịch hiện nay đã cập nhật thông tin, hướng dẫn du khách các bộ quy tắc ứng xử để đi du lịch thân thiện với môi trường. Ở một số quốc gia như Thái Lan, Indonesia, du khách sẽ ký cam kết tuân thủ nội quy khi tham gia lặn biển và chịu mức phạt lớn nếu vi phạm.

Hay tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đã thực hiện chính sách không sử dụng túi ni lông từ rất nhiều năm, và yêu cầu các du khách đến thăm đảo cũng tuân thủ quy tắc này.

Ông Huỳnh Bình Thái - trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang - cho hay để bảo vệ môi trường biển, san hô…, Ban quản lý vịnh từ cuối năm 2023 cũng có quy định không mang các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông qua bến tàu du lịch Nha Trang

Các hộ thuê ki ốt kinh doanh tại bến tàu cũng không sử dụng, mua bán các loại túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Đồng thời để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh lặn biển trên vịnh Nha Trang, Ban quản lý vịnh Nha Trang cũng đề xuất thêm bốn khu vực thí điểm triển khai lặn biển giải trí ngoài Hòn Rơm gồm: khu vực phía bắc Hòn Rùa; khu vực thả rạn nhân tạo ở phường Vĩnh Hòa; khu vực phía đông bắc đảo Trí Nguyên; vùng nước giữa Bãi Tranh và Bãi Sỏi, phía đông đảo Trí Nguyên… hiện vẫn đang đợi cơ quan chức năng xem xét.

San hô Hòn Mun phục hồi tốt

Cuối năm 2023 qua khảo sát của Ban quản lý vịnh Nha Trang, hệ sinh thái rạn san hô xung quanh Hòn Mun đang trong quá trình phục hồi. Trong đó, khu vực phía tây bắc và bắc Hòn Mun tập trung chủ yếu các loài của giống san hô Porites, Millepora dichotoma. Độ che phủ của san hô ở đây dao động từ 30 - 50%.

Ở khu vực phía tây Hòn Mun, nhiều mầm non san hô mọc trên nền san hô gãy, các loài thuộc giống Acropora chiếm ưu thế.

Thành phố đã giao Ban quản lý vịnh Nha Trang tiến hành các bước để thực hiện dự án "Lắp đặt giàn phao phân vùng, bảng hiệu tuyên truyền và camera giám sát, bảo vệ rạn san hô Hòn Mun và Hòn Chồng"; phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu dự án đầu tư hạ tầng trạm phát sóng trên các đảo trong vịnh Nha Trang để làm tiền đề cho các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc giám sát, quản lý các hoạt động trong vịnh.

Xử lý nạn chèo kéo du khách ngắm san hô trái phép ở Sơn TràXử lý nạn chèo kéo du khách ngắm san hô trái phép ở Sơn Trà

Đà Nẵng đang ra quân xử lý nạn chèo kéo du khách chơi mô tô nước, chèo sup, lặn ngắm san hô trái phép ở bán đảo Sơn Trà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên