09/10/2012 08:01 GMT+7

Nhiều người không đóng nổi tiền sử dụng đất

D.NGỌC HÀ
D.NGỌC HÀ

TT - Quyết định 28 của UBND TP.HCM quy định người chuyển mục đích sử dụng đất ngoài hạn mức phải đóng tiền sử dụng đất theo giá cao hơn bảng giá đất của TP từ 3,5-4,5 lần, tùy theo khu vực (tạm gọi là hệ số K).

Không phải nộp tiền sử dụng đất có trước năm 1993?Cách tính tiền sử dụng đất vượt hạn mức

10CO7rlq.jpgPhóng to
Người dân đóng thuế nhà đất tại Chi cục Thuế Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Hơn hai tháng qua, nhiều người dân phải tiếp tục xin ghi nợ tiền sử dụng đất do số tiền nợ họ phải trả theo quy định mới tăng 4-5 lần so với thời điểm họ ghi nợ trước đây.

Ghi nợ 3 năm, trả gấp 4 lần

Bà Châu Bảnh Khanh (Q.1) có gần 800m² đất nông nghiệp ở P.Hiệp Thành, Q.12. Năm 2009, bà Khanh định chuyển thành đất ở khoảng 200m² để xây nhà nhưng Phòng tài nguyên - môi trường Q.12 yêu cầu phải chuyển trọn thửa thì mới giải quyết. Sau khi xong thủ tục, cơ quan thuế thông báo bà Khanh phải nộp tiền sử dụng đất hơn 530 triệu đồng. Chưa đủ tiền đóng, bà Khanh xin ghi nợ tiền sử dụng đất.

Đến tháng 7 vừa qua, bà Khanh xin trả nợ tiền sử dụng đất và hai tháng sau, Chi cục Thuế Q.12 thông báo bà phải nộp tiền sử dụng đất trên 2,3 tỉ đồng!

Bà Khanh cho rằng Chi cục Thuế Q.12 đã áp dụng sai quy định để tính tiền sử dụng đất của bà nên đã khiếu nại. Theo bà Khanh, nghị định 120 (năm 2010) về tiền sử dụng đất quy định những trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất mà chủ đất trả nợ trong vòng năm năm tính từ ngày 1-3-2011 (ngày nghị định 120 có hiệu lực) thì được trả nợ theo giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận. Trong khi đó, Chi cục Thuế Q.12 áp dụng thông tư 93 hướng dẫn nghị định 120 để tính tiền sử dụng đất cho bà Khanh.

Đại diện Chi cục Thuế Q.12 cho biết: bà Khanh tường trình đã có một căn nhà tại Q.1, đây là lần thứ hai bà đóng tiền sử dụng đất nên toàn bộ thửa đất gần 800m² trên phải đóng 100% tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Theo hướng dẫn của thông tư trên, số tiền sử dụng đất bà Khanh đóng bằng giá đất quy định năm 2009 nhân với hệ số 4. Bà Khanh không đồng ý với giải thích trên và cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại đến Cục Thuế TP.

Năm 2008, bà Phan Thị Bích (ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) chuyển mục đích sử dụng hơn 500m² đất và ghi nợ tiền sử dụng đất khoảng 300 triệu đồng. Tháng 9 vừa qua, bà Bích xin được trả nợ thì Chi cục Thuế huyện Nhà Bè ước tính số tiền bà Bích phải trả lên đến gần 840 triệu đồng! Bà Bích phải tiếp tục xin nợ tiền sử dụng đất bởi không thể xoay đâu ra hơn 500 triệu đồng nữa.

Phải tiếp tục ghi nợ

Theo chi cục thuế các quận huyện: Thủ Đức, Bình Tân và Bình Chánh, nhiều người dân đã liên hệ để trả nợ tiền sử dụng đất nhưng khi biết số tiền phải nộp quá cao thì nhiều người xin tiếp tục ghi nợ. Một cán bộ Cục Thuế TP xác định các chi cục thuế tính tiền sử dụng đất như trên là đúng quy định.

Nhiều người dân cho rằng nếu biết chính sách của TP thay đổi quá nhanh thì trước đây họ đã thế chấp tài sản, vay ngân hàng để trả tiền sử dụng đất rồi.

Theo quy định, những trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất theo nghị định 84 năm 2007 hướng dẫn Luật đất đai, cơ quan cấp giấy chỉ ghi nhận việc nợ tiền sử dụng đất trên trang 4 của giấy chứng nhận chứ không ghi cụ thể số tiền. Khi người sử dụng đất đi trả nợ, cơ quan thuế sẽ tính tiền sử dụng đất theo quy định pháp luật vào thời điểm trả nợ.

Mặc dù nghị định 120 quy định người dân được trả nợ bằng giá đất vào thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vòng năm năm, nhưng đối với diện tích đất ngoài hạn mức thì giá đất để tính tiền sử dụng đất là giá vào thời điểm cấp giấy chứng nhận nhân với hệ số K. Vì vậy mới có chuyện số tiền sử dụng đất người dân phải đóng cao gấp bốn lần tiền sử dụng đất lúc ghi nợ.

Lãnh đạo nhiều chi cục thuế cũng thừa nhận áp dụng hệ số K theo quy định của UBND TP thì số tiền sử dụng đất mà người dân phải đóng quá cao. Điều này khiến người dân đã ghi nợ không có tiền trả nợ, người chưa hợp thức hóa nhà đất sẽ không làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.

Một cán bộ Cục Thuế TP.HCM cũng cho rằng thực tế có rất nhiều gia đình từng bán nhà cũ, mua nhà mới nên ít người hợp thức hóa nhà, đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất lần đầu. Trong khi đó, hệ số K áp dụng để tính tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân tại TP.HCM là quá cao. Điều này không khuyến khích người dân hợp thức hóa nhà, đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà hợp pháp.

“Chỉ nên thu tiền sử dụng đất bằng hai lần bảng giá đất của TP cho tất cả các trường hợp ngoài hạn mức là vừa phải” - vị này đề xuất.

Mua lại đất của mình?

Ông Phan Minh Vẹn (P.11, Q.Gò Vấp) cho biết năm 1989, vợ chồng ông ra ở riêng và được cha mẹ cho khoảng 330m² đất tại một hẻm trên đường Lê Văn Thọ để xây nhà. Nay ông Vẹn đi hợp thức hóa nhà thì được Chi cục Thuế Q.Gò Vấp thông báo phải đóng hơn 870 triệu đồng tiền sử dụng đất.

Ông Vẹn thắc mắc: “Đất là của ông bà tôi để lại, nay tôi chỉ đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà mà sao phải đóng số tiền quá lớn như phải mua lại mảnh đất của chính mình?”. Ông Vẹn cho biết Nhà nước quy định như vậy là vô lý và nếu tới đây khiếu nại không được ông sẽ rút hồ sơ, không hợp thức hóa nhà đất nữa.

D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên