22/10/2021 08:41 GMT+7

Nhiều nơi phong tỏa, cách ly quá mức khiến 'đất nước, người dân gánh chịu'

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
NGỌC AN - NGỌC HIỂN

TTO - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy: "Dấu hiệu dịch tễ ở các phường xã giống nhau nhưng chủ tịch phường quyết định giải pháp cao hơn làm cho đất nước, người dân phải gánh chịu".

Nhiều nơi phong tỏa, cách ly quá mức khiến đất nước, người dân gánh chịu - Ảnh 1.

Ôtô đi vào địa bàn tỉnh Bến Tre trong thời gian thực hiện chỉ thị 15+, 16 đều bị niêm phong cửa xe để không cho người trên xe dừng đỗ dọc đường. Biện pháp này bị dư luận bức xúc, phản ứng gay gắt và sau đó tỉnh Bến Tre đã hủy bỏ việc niêm phong cửa xe - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ngày 21-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và ngân sách nhà nước.

Trong đó, công tác phòng chống dịch được các đại biểu đặc biệt quan tâm khi dịch bệnh đã tác động sâu sắc đến đời sống người dân. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy dẫn chứng một số địa phương áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly quá mức cần thiết và thực tế hiện đang phải trả giá. Đặc biệt là việc áp dụng quy định chống dịch không thống nhất, gây rất nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Bà Thủy cho rằng chủ trương "mỗi xã phường là một pháo đài" là phát huy năng lực quản lý chống dịch của từng xã phường chứ không phải giăng dây, đóng kín lối đi, cô lập nhiều khu vực như nhiều nơi đang thực hiện.

Tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới và sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, đặc biệt là năm 2022, tăng GDP 6-6,5%".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Lo lắng quá và sợ trách nhiệm

Ông Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội, cũng đặt vấn đề công tác chỉ đạo điều hành còn bất cập, vì lo lắng quá mà không dám đưa ra quyết định, sợ trách nhiệm. 

Hiện Chính phủ đã chuyển trạng thái từ chiến đấu với COVID-19 sang thích ứng an toàn, hiệu quả thì cần phải thay đổi trong tư duy điều hành, từ lo sợ sang tự tin. Đồng thời, chấn chỉnh nghiêm khắc với những vị trí, cá nhân không làm tốt, xử lý nghiêm, đến nơi đến chốn những người không làm hết trách nhiệm, gắn với động viên, khen thưởng kịp thời.

Đặc biệt, đại biểu An cũng truy trách nhiệm của ngành y tế khi để xảy ra tình trạng loạn giá xét nghiệm. Cần hướng dẫn triển khai mua vắc xin khi người dân, doanh nghiệp, các tổ chức có thông tin về nguồn cung cấp, tránh tình trạng chờ hướng dẫn và "phải hỏi đi hỏi lại". 

Vấn đề phát huy quyền tự chủ của các đơn vị trong công tác mua sắm trang thiết bị cho phòng chống dịch, khi có tình trạng "sợ trách nhiệm không dám mua sắm, đấu thầu mà phải đi xin tài trợ".

Trong khi đó, đại biểu Ngô Trung Thành - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho rằng năng lực dự báo chưa thực sự tốt, nên chậm tiếp cận nguồn cung vắc xin. Do đó, ông đề nghị cần xác định rõ, dự báo kịch bản những tháng cuối năm và năm 2022, diễn biến dịch bệnh như thế nào để chủ động hơn. 

"Chúng ta thay đổi sống chung với COVID-19 thì phải có bệ đỡ là tiêm vắc xin mới có thể sống chung được. Do vậy cần tập trung thực hiện kịch bản sống chung và thay đổi mục tiêu zero COVID bằng cách đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin" - ông Thành đề nghị.

Nêu vấn đề quản trị đất nước 100 triệu dân là rất khó khăn, đặc biệt trong thời điểm thiên tai, dịch bệnh và điều kiện đất nước hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải hết sức chú ý về quản trị.

"Tôi đánh giá cao sự cố gắng của toàn dân, lực lượng tuyến đầu đã xông pha trận mạc, vất vả, song với tình hình hiện nay khi nhiều nước vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội thì không được chủ quan hay đơn giản hóa, với điều kiện kiên quyết vẫn là 5K + vắc xin" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đặc biệt khi vừa qua xuất hiện nhiều ổ dịch mới tại Cà Mau, Phú Thọ, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nam Định, Chính phủ cần phải có báo động đỏ để tiếp tục đề cao cảnh giác, có biện pháp kiên quyết kịp thời, rốt ráo hơn nữa để khoanh ổ dịch ở mức độ giãn cách khác nhau. 

"Tuy vậy, cần lưu ý cùng với việc đề cao cảnh giác thì cũng không thể đóng cửa mãi đất nước, mà phải mở cửa để giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Nhiều nơi phong tỏa, cách ly quá mức khiến đất nước, người dân gánh chịu - Ảnh 3.

Nhân viên VNVC tiêm vắc xin cho lực lượng tuyến đầu chống dịch - Ảnh: NAM TRẦN

Tư nhân hóa nguồn lực phòng chống dịch

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng đã trải qua các đợt dịch nhưng vẫn chưa làm rõ các bài học, đặc biệt là về lĩnh vực y tế. Theo đó, vấn đề cốt lõi là bao phủ vắc xin và củng cố hệ thống y tế, nhưng nhiều bệnh viện vẫn "đau đầu" về việc cung ứng thuốc, trang thiết bị.

"Luôn luôn phải lấn cấn về giá cả, làm sao vừa đảm bảo đúng pháp luật và bảo đảm các nhu cầu của đơn vị, đó cũng là hiệu quả điều trị. Nếu sợ quá, không mua thì không có máy móc cho điều trị người bệnh, nếu mua thì... không biết làm sao cho đúng" - bà Lan nói và đề nghị rất cần chính sách phù hợp từ Bộ Y tế để tránh những chuyện đáng tiếc khi một loạt cán bộ ngành y tế dính vòng lao lý liên quan đến cung ứng vật tư.

Đồng thời, đại biểu Phong Lan cũng đề nghị cần có chính sách tiêm dịch vụ vắc xin ngừa COVID-19, bởi hiện nay chưa có cơ chế để khám chữa bệnh ngoài công lập với COVID-19. Việc Nhà nước vẫn "ôm" là chưa phát huy thế mạnh của y tế tư nhân nên cần thay đổi. 

Dẫn chứng lại việc chậm trễ trong mua vắc xin, bà Lan đề nghị cần đẩy mạnh xã hội hóa trong y tế, nhất là chính sách tiêm vắc xin dịch vụ, tạo cơ chế để khám chữa trị COVID-19 ngoài công lập. 

"Hiện nay Nhà nước, ngân sách lo hết, song về lâu dài sẽ khó lo nổi trong khi khối tư nhân năng động lại chưa tận dụng hết khả năng để tạo thêm nguồn cung vắc xin" - bà Lan đề nghị.

Trong khi đó, đại biểu Trần Khánh Thu (bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM) nhận định lực lượng y tế tư nhân chưa thể hiện hết các thế mạnh cũng như tiềm lực của mình trong công tác phòng chống dịch hiện nay. Do đó, bà Thu cho rằng cần có những cơ chế để thu hút hơn nữa khối y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: 3 trụ cột để chống dịch

thu tuong

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu - Ảnh: TTXVN

Công tác chống dịch phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đúc rút ra 3 trụ cột chính để chống dịch bao gồm: giãn cách, cách ly; xét nghiệm; điều trị trên tinh thần cách ly nhanh và điều trị tích cực.

Cụ thể, giãn cách, cách ly phải nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất có thể, để nguồn lây không lây lan rộng. Xét nghiệm phải thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh nhưng phải khoa học, hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm, phát hiện người bệnh, chăm sóc hợp lý. Điều trị tích cực, từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, giúp bệnh nhân không chuyển nặng và giảm ca tử vong.

Ngoài ra, cần thực hiện nguyên tắc "5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của nhân dân". Cùng với 5K, để bảo vệ hiệu quả, phải có vắc xin để bảo vệ người dân.

Yêu cầu quản lý trên diện rộng không thể làm thủ công nên phải ứng dụng công nghệ. Gắn với đó là các biện pháp điều trị, tập trung chăm sóc nhanh chóng, tích cực, kịp thời. Cuối cùng, để công tác chống dịch toàn diện hiệu quả là ý thức nhân dân.

Với những khu vực bùng phát dịch là phải tập trung lực lượng. Do đó, cách tiếp cận toàn dân trong phòng chống dịch cần gắn phương châm "mỗi xã phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ", dồn lực để khoanh vùng dập dịch. Như vừa qua tại miền Nam huy động hơn 130.000 lượt người vào Nam để hỗ trợ, việc chuyển hướng chiến lược đã giúp mang lại hiệu quả.

Vì sao Quảng Trị vẫn cách ly tập trung với người đã tiêm vắc xin? Vì sao Quảng Trị vẫn cách ly tập trung với người đã tiêm vắc xin?

TTO - Nhiều người dân Quảng Trị từ các tỉnh phía Nam trở về Quảng Trị, dù đã được tiêm vắc xin vẫn bị buộc cách ly tập trung. Quy định này của Quảng Trị là không đúng với nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên