06/04/2022 18:15 GMT+7

Nhiều quy định Luật thi hành án dân sự mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật chuyên ngành

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Theo đại diện Bộ Tư pháp, từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021, số lượng đơn thư gửi đến nhiều, tính chất phức tạp có xu hướng tăng và phần lớn các vụ khiếu nại, tố cáo tập trung vào các vụ việc thi hành án có giá trị thi hành lớn.

Nhiều quy định Luật thi hành án dân sự mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật chuyên ngành - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Ảnh: Q.H.

Ngày 6-4, thượng tướng Trần Quang Phương - phó chủ tịch Quốc hội, trưởng đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021" - đã chủ trì cuộc làm việc của đoàn giám sát với Bộ Tư pháp.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, công tác tiếp công dân đã được tổ chức thực hiện tốt, đúng quy định của pháp luật. Số lượt tiếp công dân và vụ việc thụ lý qua tiếp công dân có xu hướng giảm. Riêng năm 2021 giảm 16,87% số lượt tiếp và 14,34% số vụ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cho thấy tín hiệu tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Làm rõ thêm một số nội dung tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Tư pháp cho hay trong kỳ báo cáo, số lượng đơn thư nhiều, tính chất phức tạp, có xu hướng tăng.

Phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh chủ yếu tập trung các vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp, giá trị thi hành lớn.

Bộ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đẩy mạnh việc hoàn thiện và xây dựng pháp luật về khiếu nại, tố cáo theo hướng đề cao quyền dân chủ trực tiếp của công dân; sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai công tác thi hành án dân sự.

Phát biểu tại phiên họp, một số ý kiến của thành viên đoàn giám sát đề nghị cần tập trung đề cập sâu đến tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của hệ thống thi hành án dân sự.

Bởi đây là mảng công tác chủ yếu phát sinh khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp nhưng báo cáo chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung của bộ.

Trong khi đó, một số mảng công tác khác của Bộ Tư pháp cũng có những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm, chẳng hạn như bán đấu giá tài sản, vấn đề luật sư, công chứng… Vì vậy, đề nghị bộ bổ sung nội dung này để đảm bảo tính toàn diện của báo cáo.

Các thành viên đoàn giám sát đồng tình với nhận định của Bộ Tư pháp, chỉ ra nhiều quy định của Luật thi hành án dân sự có sự mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với pháp luật chuyên ngành khác và tán thành đề xuất của bộ về sửa đổi pháp luật hiện hành, góp phần tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.

Nhiều quy định Luật thi hành án dân sự mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật chuyên ngành - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên làm việc - Ảnh: Q.H.

Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh giám sát chuyên đề này là giám sát ở tầm vĩ mô, cả về chính trị, quản lý xã hội, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm.

Bộ Tư pháp với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực có liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Thời gian tới, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao ở nhiều địa phương, việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự, hành chính sẽ tăng lên.

Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát để hoàn thiện và gửi báo cáo tới đoàn trong thời gian sớm nhất.

Gợi mở một số vấn đề cần tiếp tục bổ sung, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng báo cáo cần tiếp tục làm rõ kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên cơ sở hệ thống số liệu trung thực, khách quan, để rút ra nhận định, đánh giá chính xác, bảo đảm tính toàn diện, trọng tâm, trọng điểm.

Từ thực tiễn tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bộ làm rõ vấn đề chung cũng như vấn đề riêng có trong công tác này của đơn vị, nhất là tình hình khiếu nại, tố cáo vượt cấp, làm rõ nguyên nhân, đề xuất phương hướng, giải pháp trong thời gian tới…

Quốc hội thảo luận Luật thi hành án dân sự: Đề nghị gắn tòa án với thi hành án Quốc hội thảo luận Luật thi hành án dân sự: Đề nghị gắn tòa án với thi hành án

TT - Báo cáo tại Quốc hội đưa ra con số giật mình: có tới 300.000 bản án, chiếm 50% án, không thi hành được. "Thi hành án là khâu quan trọng nhất, nhưng lại là khâu yếu nhất trong hoạt động tư pháp, làm giảm hiệu lực, hiệu quả các bản án, quyết định của tòa án" - đại biểu Trần Văn Tấn, Tiền Giang, nói tại cuộc thảo luận về Luật thi hành án dân sự ngày 23-5.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên