09/09/2015 15:36 GMT+7

Nhiều sai sót ở hai dự án ngàn tỉ, chỉ rút kinh nghiệm

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Hai dự án mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát và cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang có nhiều sai sót, nhưng Bộ KH&ĐT chỉ đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Ngày 9-9, Bộ GTVT phát đi thông cáo giải thích về việc chênh lệch tổng mức đầu tư (TMĐT) và chi phí đầu tư thực tế ở hai dự án BOT mở rộng quốc lộ (QL) 1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát và dự án cải tạo, nâng cấp QL 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang không phải là thất thoát hoặc lãng phí và càng không thể khai khống TMĐT để kéo dài thời gian thu phí.

Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra của Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), hai dự án trên của Bộ GTVT vẫn có nhiều sai sót trong quá trình thực hiện.

Sai từ tính toán tiền bạc đến quy trình, thủ tục

Dự án BOT mở rộng đoạn  Nghi Sơn - Cầu Giát được Bộ GTVT chỉ định liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) và Tổng công ty 319 là nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức BOT với TMĐT hơn 3.627 tỉ đồng để mở rộng 33,93 km QL1 từ Thanh Hóa đến Nghệ An lên bốn làn xe, đã hoàn thành đưa vào khai thác.

Theo Bộ KH&ĐT, trước đây dự án mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát được lập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước với TMĐT hơn 1.937 tỉ đồng.

Nhưng khi được điều chỉnh theo hình thức đầu tư BOT với quy mô nhỏ hơn thì TMĐT lại là 3.164 tỉ đồng chưa tính lãi vay (tăng 1.226 tỉ đồng).

Tuy nhiên, việc tăng thêm TMĐT khi chuyển đổi dự án sang hình thức đầu tư BOT không được đề cập và so sánh trước khi cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư.

Về quá trình thực hiện, Thanh tra Bộ KH &ĐT khẳng định Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngày 26-8-2014 Bộ Tài nguyên và môi trường  mới phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư  trước đó 18 tháng.

Dự án này cũng được Bộ KH&ĐT đánh giá là dự án được khởi công khi chưa đủ cơ sở pháp lý (khởi công ngày 26-3-2013): dự án được khởi công trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư 13 tháng và trước khi hợp đồng chính thức của dự án được ký kết 15 tháng.

Bên cạnh đó, dự án được triển khai thi công khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC) được duyệt: ngày 26-3-2013 dự án được triển khai thi công đồng loạt tại hiện trường nhưng đến 4-8-2014 TKBVTC mới được duyệt.

Kết luận thanh tra nêu rõ việc tính toán, thẩm định TMĐT của dự án vẫn còn một số sai sót, làm tăng TMĐT thêm hơn 39 tỉ đồng (chỉ tính riêng phần giải phóng mặt bằng và tư vấn đầu tư xây dựng); áp dụng sai định mức lương nhân công làm tăng chi phí xây lắp thêm hơn 20 tỉ đồng.

Ban quản lý các dự án đối tác công-tư (PPP) của Bộ GTVT không hoàn thành nhiệm vụ, không thực hiện đầy đủ chức năng trong việc tham mưu cho cấp có thẩm quyền trước khi phê duyệt dự án gây thiệt hại cho ngân sách hơn 59,8 tỉ đồng.

Ban quản lý dự án (PMU) 1 không hoàn thành nhiệm vụ được giao, không tham mưu cho Bộ GTVT trong việc thay đổi quy mô dự án dẫn đến lãng phí trong đầu tư hơn 36 tỉ đồng; để triển khai thi công, nghiệm thu chất lượng khi chưa có bản vẽ thiết kế thi công được duyệt.

Riêng với Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT kết luận: việc khởi công vội vã khi chưa đủ điều kiện pháp lý, chỉ đạo điều hành không nhất quán trong việc điều chỉnh quy mô dự án khiến phải thiết kế lại nhiều lần cho một số hạng mục gây lãng phí hơn 36 tỉ đồng (chưa tính đến giá trị giải phóng mặt bằng nhưng không được sử dụng).

Bộ GTVT không thực hiện thu hồi 4,9 tỉ đồng chi phí lập dự án và chi phí PMU và giảm trừ 5 tỉ đồng chi phí thiết kế kỹ thuật, TK BVTT trong TMĐT; để nhà đầu tư điều chỉnh kết cấu áo đường khi chưa đủ cơ sở pháp lý làm chi phí xây lắp tăng thêm 82,765 tỉ đồng.

Bộ KH&ĐT cũng kết luận phương án thu phí hoàn vốn cho dự án trong 17 năm, 5 tháng, 15 ngày là không chính xác, cần tính toán lại vì chưa tính chính xác lãi vay, chi phí xây lắp...

Vì tổng vốn đầu tư dự án trong phương án tài chính theo hợp đồng BOT là hơn 3.581 tỉ đồng nhưng theo tính toán của đoàn thanh tra đến 10-3-2015 chỉ hơn 2.378 tỉ đồng, chênh lệch hơn 1.202 tỉ đồng.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Bộ GTVT và PMU 1, nhà đầu tư chỉ đạo các tập thể, cá nhân kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những sai sót đã nêu; rà soát tính toán lại các chi phí để điều chỉnh TMĐT và phương án tài chính đúng quy định; thực hiện giảm trừ thanh toán cho các nhà thầu xây lắp hơn 61 tỉ đồng...

Nhà đầu tư yếu, tiến độ chậm

Với dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT do liên danh đầu tư là Tập đoàn Đại Dương (OGC), Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại 319, Tổng công ty Vinaconex và Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú (Văn Phú Invest) thực hiện, Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra nhiều sai sót qua quá trình thanh tra.

Dự án trên có TMĐT hơn 4.213 tỉ đồng, được khởi công ngày 22- 2-2014 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2016. Tuy nhiên, việc khởi công được thực hiện khi chưa được Bộ KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư (ngày 23-7-2014 mới được cấp).

Thời điểm dự án khởi công, hồ sơ TKBVTC chưa được lập và phê duyệt là vi phạm Luật xây dựng. Đến thời điểm thanh tra (4-2015), sau 14 tháng khởi công, dự án mới chỉ đạt 10,5% khối lượng thực hiện.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra công tác lựa chọn nhà đầu tư cho dự án còn nhiều bất cập, không rõ ràng và chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Cụ thể, cam kết thu xếp tài chính của Ngân hàng Techcombank cho OGC không ghi mốc thời gian thực hiện và giá trị tài trợ tối đa chỉ được 10% vốn tự có, tương đương 1.329 tỉ đồng (nhỏ hơn mức cần thiết là 3.727 tỉ đồng) là chưa phù hợp với hồ sơ yêu cầu trong công tác lựa chọn nhà đầu tư; số liệu kê khai về năng lực tài chính và số liệu theo báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2011 của Vinaconex trong hồ sơ đã sai khác hoàn toàn so với báo cáo tài chính năm 2011 đã được kiểm toán; Công ty 319 Invest không cung cấp đầy đủ báo cáo tài chính các năm theo yêu cầu.

Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn chấp thuận cho các đơn vị trên làm nhà đầu tư. Tính đến thời điểm bắt đầu tiến hành thanh tra vào cuối năm 2014, các nhà đầu tư trong liên danh mới chỉ góp vốn hơn 211 tỉ đồng, đạt 84,5% tiến độ góp vốn theo cam kết.

Theo rà soát của đoàn thanh tra với từng hạng mục, khối lượng công việc cụ thể của dự án, trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt TMĐT còn nhiều tồn tại, chênh lệch, sai sót làm tăng TMĐT lên hơn 3.393 tỉ đồng, tăng thêm so với TMĐT được phê duyệt hơn 819 tỉ đồng.

Do TMĐT được kiểm tra và giảm trừ như trên, thời gian hoàn vốn của dự án là 15 năm, 3 tháng theo hợp đồng đã ký sẽ phải giảm tương ứng để phù hợp với chi phí thực tế của dự án.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Bộ GTVT và PMU 2 chỉ đạo các tập thể, cá nhân liên quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những sai sót trong quản lý, điều hành dự án. Chỉ đạo nhà đầu tư và các đơn vị liên quan xác định chi phí xây lắp thực tế, TMĐT và thời gian hoàn vốn khi nghiệm thu, thanh quyết toán dự án.

Đề nghị Công ty cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang bố trí hơn 5,789 tỉ đồng để nộp ngân sách (hơn 3 tỉ đồng chi phí khảo sát lập dự án) và thanh toán cho đơn vị tư vấn lập dự án.

Theo thông cáo Bộ GTVT phát đi sáng 9-9 giải thích nội dung về TMĐT đối với một số dự án BOT mà Bộ KH&ĐT tiến hành thanh tra, ngay sau khi có dự thảo và kết luận thanh tra, Bộ GTVT đã có văn bản giải trình Bộ KH&ĐT và báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm làm rõ cách xác định TMĐT cũng như xác định giá trị quyết toán để điều chỉnh thời gian hoàn vốn dự án.

Bộ GTVT cho biết TMĐT được duyệt chỉ mới là giá trị đàm phán, xác định thời gian hoàn vốn ban đầu với nhà đầu tư; quá trình thực hiện đầu tư, nhằm chuẩn xác giá trị thực tế thực hiện dự án, công tác thẩm tra dự toán được giao cho các đơn vị có năng lực kinh nghiệm như Viện Kinh tế, Bộ Xây dựng thực hiện; đồng thời Bộ GTVT đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ giá thành, chất lượng tiến độ, đã thành lập các tổ thường xuyên rà soát trình tự thủ tục, dự toán các dự án BOT và đã có các văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện kết luận của các tổ rà soát.

Theo quy định tại tất cả các hợp đồng BOT đã ký kết, giá trị quyết toán cuối cùng được cấp có thẩm quyền chấp thuận mới là giá trị để cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư ký kết hợp đồng điều chỉnh nhằm xác định thời gian hoàn vốn cho dự án.

Bộ GTVT khẳng định: TMĐT chỉ là căn cứ ban đầu để dự tính thời gian hoàn vốn; phục vụ đàm phán lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian thu phí chính thức được quyết định theo giá trị quyết toán công trình nên phần kinh phí chênh lệch giữa TMĐT và chi phí thực tế đầu tư không phải là thất thoát hoặc lãng phí, và càng không thể khai khống TMĐT để kéo dài thời gian thu phí. Trong quá trình Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán một số dự án BOT cũng đã ghi nhận nội dung này và không kết luận thất thoát hay gây thiệt hại cho ngân sách.

Cũng theo Bộ GTVT, với một số tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện dự án được Cơ quan Thanh tra kết luận, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, thực hiện.

Đồng thời ngày 8-9,  Bộ GTVT đã có văn bản số 12028/BGTVT-ĐTCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng đối với một số nội dung kết luận của Thanh tra Bộ KH&ĐT.

* Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sau khi có kết luận thanh tra của Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường (phụ trách dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang) và Thứ trưởng Lê Đình Thọ (phụ trách dự án BOT mở rộng QL1 Nghi Sơn - Cầu Giát) đã có văn bản yêu cầu Vụ PPP, các PMU1, 2 (đại diện Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án), các nhà đầu tư kiểm điểm, rút kinh nghiệm, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những sai sót trong quản lý, điều hành thực hiện dự án... theo kết luận thanh tra của Bộ KH&ĐT.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên