13/01/2024 18:38 GMT+7

Nhiều tỉnh nói khó bác thi hoa hậu vì 'người ta đã chuẩn bị hồ sơ từ A tới Z'

"Đã phân cấp hoạt động cấp phép về các địa phương, vấn đề hoa hậu rất đơn giản nhưng các địa phương phải có lập trường rõ ràng", Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nói và kể một số chia sẻ của tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại hội nghị - Ảnh: ĐẬU DUNG

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại hội nghị - Ảnh: ĐẬU DUNG

Hội nghị công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 diễn ra chiều 13-1 tại tỉnh Bắc Giang có sự tham gia của lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng như đại diện các địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông lưu ý trong công tác nghệ thuật biểu diễn năm qua, nổi cộm các vấn đề liên quan đến các cuộc thi hoa hậu, các chương trình nghệ thuật biểu diễn, thời trang… cần khắc phục.

Địa phương phải có lập trường

Về vấn đề hoa hậu, thứ trưởng cho hay theo nghị quyết 04 của Chính phủ và nghị định số 144, việc cấp phép các cuộc thi hoa hậu đã phân cấp rõ ràng về các địa phương.

"Tuy nhiên khi xảy ra một lùm xùm nào đó, các cấp cao hơn lại gọi cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch", ông Đông nói.

Lãnh đạo bộ cho rằng "vấn đề hoa hậu là vấn đề rất đơn giản, tuy nhiên các địa phương phải có lập trường vững vàng".

Cụ thể, trong những văn bản gửi về các địa phương, bộ đều hướng dẫn rõ ràng địa phương có quyền lựa chọn các chương trình nghệ thuật biểu diễn, các cuộc thi hoa hậu sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển văn hóa của địa phương để cấp phép, miễn sao đúng quy định của pháp luật".

"Có thể có 20 chương trình gửi hồ sơ đề nghị cấp phép nhưng địa phương chỉ quyết định chọn cấp phép cho một chương trình", ông Đông nhấn mạnh.

"Tuy nhiên, nhiều tỉnh nói với bộ rất khó. Người ta đã chuẩn bị hồ sơ từ A tới Z nên phải cấp", ông Đông kể thêm.

Theo thứ trưởng, bộ đã phải nhắc nhở nhiều, rằng trong nghị định 144 đã phân quyền rõ ràng, các địa phương có quyền quyết định cấp hay không cấp.

"Trước khi cấp, các địa phương phải tự hỏi, chương trình đó có mục đích gì, cấp thời điểm nào thì phù hợp và có ích gì cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh nhà hay không? Nếu không thì nên bỏ bớt", ông đặt vấn đề.

Tăng cường liên kết

Ngoài việc tăng cường giám sát vấn đề cấp phép, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho rằng các chương trình nghệ thuật biểu diễn cần nâng cao chất lượng. "Không nên sử dụng quá nhiều diễn viên quần chúng và cố gắng làm sao để nâng cao tính nghệ thuật", ông nói.

Theo ông, trong hoạt động chương trình nghệ thuật biểu diễn nói chung và hoa hậu nói riêng, liên kết giữa các sở, ban ngành liên quan và Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn "còn nhiều lỏng lẻo, cần tăng cường liên kết".

"Có những chương trình, đơn vị tổ chức không xin được giấy phép địa phương này nhưng được cấp phép ở địa phương khác", thứ trưởng nêu ví dụ.

Lãnh đạo bộ nói "các bên không có sự kết nối thông tin với nhau" và đề nghị trong năm 2024, Cục Nghệ thuật biểu diễn phải tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động này.

Đồng thời, cần triển khai rốt ráo công bố các dữ liệu (kết luận xử phạt, thanh tra…) lên cổng thông tin một cách đầy đủ để các địa phương có thể lấy đó căn cứ và tham khảo trong hoạt động cấp phép cũng như có điều hành chung của cả ngành.

Thi hoa hậu ở Việt Nam 2023: Tiếng thơm thì ít, tiếng tai thì nhiềuThi hoa hậu ở Việt Nam 2023: Tiếng thơm thì ít, tiếng tai thì nhiều

Năm 2023 lại là một năm nở rộ các cuộc thi hoa hậu trong nước. Tuy nhiên khán giả không nhớ tên cuộc thi mà lại nhớ đến tai tiếng của các hoa hậu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên