09/06/2022 09:35 GMT+7

Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 8: Viên gạch đầu tiên cho Sài Gòn hướng biển

PHAN CHÁNH DƯỠNG
PHAN CHÁNH DƯỠNG

TTO - Sau gần 40 năm, đến nay, đề án xây dựng KCX Tân Thuận đã chứng minh được hướng phát triển đó là đúng...

Nhớ thời vượt rào đổi mới - Kỳ 8: Viên gạch đầu tiên cho Sài Gòn hướng biển - Ảnh 1.

Ông Phan Chánh Dưỡng phát biểu trong lễ khởi công xây dựng KCX Tân Thuận - Ảnh: TGCC

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đặt chân đến Nhà Bè vào những năm cuối của thập niên 1980. Men theo con đường nhỏ xuống xã Tân Thuận Đông, tôi thấy những ngôi nhà cấp 4 lưa thưa bốn bề ruộng đồng. Các xóm nhỏ sâu bên trong thì không có điện và nước sạch. Trông vùng đất nghèo nàn này, ít ai nghĩ nơi đây có thể xây dựng đô thị tươi sáng. Nhưng tôi nhận định vùng đất này nằm ngay bên cảng Tân Thuận, vị trí thuận lợi để làm khu chế xuất (KCX) và tạo công ăn việc làm cho đông đảo người lao động nghèo từ quận 4, quận 8 và Bình Chánh, Nhà Bè. Vậy là tôi hăng hái bắt tay vào làm...

Nhân duyên tình cờ

KCX Tân Thuận là viên gạch đầu tiên của ý tưởng "TP.HCM tiến ra Biển Đông", cho thấy rằng nếu có cách nghĩ, cách làm đúng, có thể dùng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa của một vùng đất nghèo nàn, lạc hậu, đồng thời xóa đói giảm nghèo một cách triệt để.

Khi chọn địa điểm xây dựng KCX Tân Thuận, có hai nơi phù hợp là: (1) Khu vực gần Tân Cảng, quận Bình Thạnh. Nếu tính cả khu Tân Cảng rộng khoảng 55ha và phía Văn Thánh khoảng 22ha thì tổng diện tích đã lớn hơn KCX Cao Hùng của Đài Loan, như vậy đầu tư vốn sẽ ít và có thể thu hút xí nghiệp nước ngoài ngay. (2) Khu vực gần cảng Sài Gòn, xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè. Nơi đây dân cư thưa thớt, diện tích rộng khoảng 300ha, lại gần cảng và có nguồn lao động dồi dào nên rất thích hợp cho việc xây dựng KCX.

Tôi chọn Nhà Bè vì đây là nơi có nhiều lợi thế: gần cảng; gần nguồn lao động, chi phí ít và quan trọng nhất là dễ thu hút đầu tư. Tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn về sông Sài Gòn, sông Lòng Tàu, nhất là về độ sâu. Đây rồi! Sông Nhà Bè - Soài Rạp lớn hơn gấp nhiều lần sông Lòng Tàu, vậy tại sao không mở ra cảng ở chỗ sông lớn để đón nhiều tàu thuyền lớn hơn? Tôi từng đọc truyện Pierre Đại đế của Nga, họ xây dựng Petersburg cũng từ một vùng sình lầy. Vậy thì tại sao chúng ta không xây dựng được KCX, khu đô thị từ vùng sình lầy Nhà Bè?

Để hiểu rõ toàn bộ các con sông gắn với Nhà Bè, tôi tham khảo ý kiến của nhiều người am hiểu về đất đai, trong đó có tiến sĩ Trần Kim Thạch, một trong những nhà địa chất hàng đầu Việt Nam. Cuối cùng, tôi đã có thể phác thảo về cả vùng Nam Bộ với địa tầng của nó là lớp đất bùn ở trên biến thiên từ 22m đến 32m. Những vùng bị trũng có khi lên đến 42m và những hố sâu đến 60m. Thế là việc xây dựng KCX Tân Thuận tại Nhà Bè được quyết định một cách dứt khoát trong nhận thức của tôi.

Thực tế là phần lớn các thành phố phát triển trên thế giới đều là thành phố biển, điều này cho tôi thêm ý chí rằng thành phố của chúng ta tiến ra Biển Đông là đúng. Tôi thấy thành phố phát triển dọc theo các dòng sông, từ Chợ Lớn lên Sài Gòn, rồi rạch Bến Nghé, kênh Tẻ, kênh Đôi... Như vậy thành phố phải đi về hướng Nam chứ không còn con đường nào tốt hơn, đây cũng là thời điểm tôi bắt đầu ý tưởng "Sài Gòn tiến ra Biển Đông". Cho nên, sau khi KCX Tân Thuận thành công ở Nhà Bè, thì phải có thêm một loạt chương trình đầu tư để thúc đẩy thành phố tiến ra Biển Đông.

Thông qua Hiệp hội Infotra, tôi tìm được đối tác đầu tiên là Công ty PanViet (Đài Loan). Đôi bên đã ký hợp đồng về đầu tư xây dựng Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận, nhưng qua mấy tháng họ vẫn chưa bàn bạc triển khai dự án. Mãi đến khi có sự tham gia của Công ty Central Trading & Development (CT&D) thì việc xây dựng KCX Tân Thuận mới thật sự bắt đầu.

Việc tìm được nhà đầu tư CT&D với tôi cũng là một nhân duyên. Trong dịp đi Malaysia về, phải quá cảnh tại Bangkok, tôi nghỉ đêm tại một khách sạn địa phương. Tôi nhớ đêm đó, tôi đến khách sạn khoảng 9 giờ tối. Lễ tân báo chỉ còn một phòng trống, trong khi có đến hai khách là tôi và một ông họ Trương người Đài Loan. Sau khi trao đổi, chúng tôi quyết định ở chung một phòng, sáng hôm sau tôi về Việt Nam còn vị khách kia về Đài Loan.

Đêm hôm đó, trong lúc rảnh rỗi, chúng tôi đã trò chuyện với nhau khá nhiều. Vị khách kia cho biết ông là sĩ quan về hưu, đang làm việc cho Công ty CT&D, chuyên đầu tư cho các dự án. Tôi bèn giới thiệu cho ông về dự án KCX Tân Thuận và không quên đưa bộ tài liệu về toàn bộ dự án để ông tham khảo. Ông ấy có vẻ đánh giá cao về dự án nên tôi cảm thấy rất vui và tràn trề hy vọng. Một tháng sau, đoàn chuyên viên của Công ty CT&D qua gặp chúng tôi để khảo sát dự án, và không bao lâu sau, bản thỏa thuận của ba bên là Công ty PanViet, Công ty CT&D và Chương trình KCX Tân Thuận được ký kết.

Nhớ thời vượt rào đổi mới - Kỳ 8: Viên gạch đầu tiên cho Sài Gòn hướng biển - Ảnh 2.

KCX Tân Thuận là khởi đầu của chuỗi phát triển khu công nghiệp, KCX trên toàn quốc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khởi đầu của chuỗi khu công nghiệp toàn quốc

Đối với nhà đầu tư CT&D, chúng tôi tiến hành đàm phán để xây dựng Công ty Liên doanh xây dựng KCX Tân Thuận. Năm 1992, KCX này bắt đầu khởi công. Chương trình xây dựng Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận đã có tư cách pháp nhân mới là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Khi bắt tay vào việc xây dựng KCX Tân Thuận tại vùng ngập mặn Nhà Bè, rất nhiều sự e ngại nơi đây là vùng đất thấp, nền đất bùn mềm. Tôi có niềm tin lớn là mình có thể cải tạo đất Nhà Bè, nhưng lấy gì làm căn cứ, để chứng minh thì tôi cũng khá bối rối. May thay trước đó, tôi đọc sách của sử gia Trịnh Hoài Đức nói về Chợ Lớn, Sài Gòn. Theo đó, Bến Nghé là vùng đất đã phát triển lên từ những con rạch. Phố Nguyễn Huệ - Lê Lợi cũng đi lên từ vùng đầm lầy. Điều này càng củng cố niềm tin cho tôi rằng việc phát triển vùng đất Nhà Bè cũng không đến nỗi là "bất khả thi".

Qua sự tham mưu của những chuyên gia trong nghề xây dựng, rằng mọi vùng sình lầy đều có thể san lấp bằng đất đỏ đồi trọc vùng Biên Hòa hay cát nước mặn ở biển hay sông. Sau nhiều ngày mày mò thử nghiệm, cuối cùng chúng tôi tìm ra cách san lấp bằng cách lấy cát từ sông Soài Rạp. Giá thành san lấp bằng cát rẻ hơn đất đỏ rất nhiều (đất đỏ Biên Hòa về đến KCX Tân thuận khoảng 44.000 VNĐ, trong khi lấy cát sông đưa về chỉ 13.000 VNĐ), tính ra giá thành san lấp bằng cát theo chuẩn code nền chỉ khoảng 5 USD/m2 (lúc đó 1 USD là 11.000 VNĐ).

Cho đến nay, KCX Tân Thuận thu hút hơn 220 xí nghiệp nước ngoài với 70.000 lao động, năm 2020 xuất khẩu được khoảng 2 tỉ USD. Trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bắt đầu từ KCX Tân Thuận, đã hình thành một chuỗi liên hoàn các KCX - khu công nghiệp tạo nên hành lang công nghiệp đi từ KCX Tân Thuận đến KCX Linh Trung, tiếp nối liên hoàn với các khu công nghiệp dọc theo quốc lộ 51, Khu công nghiệp Biên Hòa I và Biên Hòa II, đến Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Sóng Thần, Đồng An (Bình Dương), KCX Linh Trung, Khu công nghiệp Tân Tạo, Lê Minh Xuân liên thông với Khu công nghiệp Đức Hòa 1, Xuyên Á (Long An), Khu công nghiệp Bắc Củ Chi và liền kề là Khu công nghiệp Trảng Bàng (Tây Ninh). Chuỗi khu công nghiệp này vẫn còn đang mở rộng như vết dầu loang...

Sau gần 40 năm, đến nay, đề án xây dựng KCX Tân Thuận đã chứng minh được hướng phát triển đó là đúng. Vùng đất Nhà Bè tuy đã phát triển, nhưng con đường phát triển TP.HCM ra Biển Đông còn rất dài và gian nan. Mong rằng 30 năm tới, một thế hệ mới sẽ đủ trí tuệ, kiến thức và sự kiên định vượt trở ngại, khó khăn để vươn lên.

Quá trình ra đời và phát triển của KCX Tân Thuận là sự khởi đầu cho loại hình kinh tế khu công nghiệp trở thành mô hình phổ biến toàn quốc. Sự phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố và cả nước đã tạo ra bước đột phá trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của ngành công nghiệp và cả nền kinh tế quốc dân. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCX, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tạo ra gần 30% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước và 32% giá trị công nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

***********

Mười người thì hết chín "lắc đầu" khi tôi đưa ý tưởng khu đô thị vào vùng Nhà Bè hoang vu, ngập mặn.

>> Kỳ tới: Biến đầm lầy thành đô thị

Nhớ thời Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 7: Sài Gòn hướng ra Biển Đông

TTO - Hướng ra Biển Đông là sự phát triển về không gian. Khu vực phía Nam TP.HCM theo cách hiểu mở rộng gồm các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ thuộc TP.HCM, các huyện thị thuộc Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang.

PHAN CHÁNH DƯỠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên