17/04/2016 13:44 GMT+7

Nhớ tô bún Sài Gòn và tuổi thơ của chúng ta

ĐẶNG HUỲNH MAI ANH (London)
ĐẶNG HUỲNH MAI ANH (London)

TTO - Tô bún giữa chợ hẳn là một phần tuổi thơ của nhiều người trong chúng ta… Không khí ồn ào, sự nồng hậu của những người vô tình ăn chung một gánh hàng, vậy là bắt chuyện - đúng điệu người Sài Gòn hiếu khách, niềm nở, chân tình.

Người nước ngoài ngồi ăn bún riêu ở Nguyễn Cảnh Chân, Q.1, TP.HCM. -Ảnh tư liệu.

“Tô đặc biệt phải hôn con?”, vừa đon đả, cô bán bún vừa vơ vội cái tô, khoắn cái khăn mùng lau qua một lượt, rồi xếp thịt, xếp rau, vung muôi đảo một vòng rồi múc từng vung nước lèo, nóng hổi, nghi ngút và thơm chảy nước miếng.

Xung quanh, mọi người đang ngồi trên những cái ghế con, bưng tô bún trên tay với dĩa rau xanh mởn đặt bên cái ghế khác bên cạnh. Hoặc, một bà nội trợ tạt qua trên đường đi chợ về. Hoặc, một bác xe ôm tranh thủ lót dạ khi chưa có khách. Hay mấy em nhỏ còn thắt khăn quàng đỏ được mẹ cho mấy ngàn ăn vội tô bún rồi đi học.

Đó là cảnh tượng hiện ngay lên trong đầu tôi, khi cậu bạn vô tình nhắc tôi nhớ về tô bún bán giữa chợ Sài Gòn. Hẳn những người cùng tuổi hoặc lớn hơn tôi, cũng sẽ dễ hình dung ra cảnh tượng đấy.

Nồi, chén, rau, thịt bày trong quang gánh, ghế con ghế đòn la liệt xung quanh. Cảnh tượng không hẳn là gọn gàng, không thể nói là văn minh, nhưng khi nhớ lại mình lại thương da diết cái đầm ấm giữa chợ ấy.

Cách đây 3 năm, tôi có tham gia một chuyến du khảo sang Đức. Đợt đó có năm chị em sang vào mùa thu. Trời lạnh, chỉ muốn trốn trong nhà. Đó là lần đầu tiên tôi sang một nước ôn đới.

Đồ ăn phương Tây ít khi nào theo kiểu “vừa thổi vừa ăn”, kể cả món súp. Mấy chị em ngồi ăn xúc xích với pho-mát mà cứ thòm thèm: Trời lạnh vầy, ước gì có tô bún, nóng hổi, nghi ngút khỏi, nước lèo nồng nàn mà sợi bún lại mềm mại dễ nuốt.

Ước gì, giữa trời đông Châu Âu, mà được bưng một tô mì ngon lành thơm ngát. Rồi chúng tôi cùng ngồi giao hẹn phen này đặt chân về Việt Nam, thì việc đầu tiên phải làm là đi ăn một tô phở/bún bò/bún măng vịt/bún mắm.

Đó là điểm khởi đầu của sự nhớ nhà, một tô gì đó: Nóng, tràn trề nước, sợi mềm mềm, thịt dai dai.

"Quán" bún trong chung cư Nguyễn Thái Bình (quận 1). -Ảnh tư liệu TT.

Lần khác, tôi đem nỗi thèm đó kể cho cô bạn. Bạn tôi là người Pháp, từng có thời gian sang Việt Nam ở suốt 3 tháng. Cô bạn tôi cũng từng ăn qua các thứ bún, hẳn cũng đã có đôi lần được bạn bè Việt Nam dẫn đi ăn trong chợ. Sau mấy ngày toàn ăn bánh mì với bơ, tôi bày tỏ:

“Nói thật với ấy, là bánh mì Pháp nổi tiếng thiệt, mà sau 3 ngày toàn ăn bánh mì buổi sáng, mình chỉ thèm một tô bún ngay bây giờ thôi. Bánh mì khô quá!”.

Cô bạn nhìn tôi cười, rồi cũng nói thật lòng mình: “Mình cũng nói thật với ấy luôn, là hồi sang Việt Nam, sáng nào host của mình cũng dẫn đi ăn bún, miến, mì.

Sau 1 tuần, mình chỉ thèm một bữa sáng với bánh mì thôi. Ăn sáng nhiều nước quá, mình không quen. Vậy mà, lần nào đi ăn sáng món bún, mình cũng phải bảo đồ ăn Việt Nam ngon hết xẩy”.

Lúc nghe bạn tôi bộc bạch, tự nhiên cũng có phần chột dạ, nhớ lại những lần nghe các bạn nước ngoài khen đồ ăn Việt Nam ngon nhất, không biết là thật lòng hay xã giao.

Vì cũng có mấy lần, mình ăn đồ nước bạn, thấy không hợp miệng nhưng cũng giả lả khen ngon. Cũng có thể, sự ngon của tô bún gắn với mình, cũng như sự ngon của bánh mì với người Pháp và sự nồng nàn của miếng pho-mát với người Ý.

Những sự ngon mang tính tương đối và tùy thuộc vào sự thân quen của nó với người ăn. Có người từng bảo tôi rằng: “Nhớ đồ ăn Việt, cũng là một nỗi nhớ nhà. Yêu đồ ăn Việt, cũng là một niềm yêu quê hương”.

Những nơi tôi qua và những đất nước tôi thấy trên phim, bao gồm cả các nước Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, người ta thường tự nấu rồi ăn sáng ở nhà, hiếm có nước nào bà con lại nô nức ra chợ ăn sáng như Việt Nam. Tôi thấy đó là một điểm thật đáng yêu.

Quê hương đất nước dĩ nhiên là vĩ đại lớn lao, song cũng có lúc là những điều bình dị nhỏ bé thân thương vô cùng. Nhỏ như là tô bún, mình đã ăn suốt một thời đi học. Là cái không khí ồn ào giữa chợ, là cả sự nồng hậu của những người không quen không biết, vô tình ăn chung một gánh hàng, vậy là bắt chuyện - đúng điệu người Sài Gòn hiếu khách, niềm nở, chân tình.

Đã có một thời mọi thứ như thế, và rất may tôi sinh ra đủ sớm để có tô bún ấy trong miền ký ức của mình.

Tô bún giữa chợ hẳn là một phần tuổi thơ của nhiều người trong chúng ta…

Ngày tôi còn nhỏ, ba tôi rất thương, sáng nào cũng dậy sớm mua đồ ăn sáng cho, bày sẵn trên bàn rồi vào gọi tôi dậy, ăn sáng rồi đi học. Hôm thì ăn xôi hộp, hôm ăn bún gạo, có khi ăn bánh rán đường. Vậy mà, tôi chỉ thích được ra chợ ngồi ăn. Dù như thế nghĩa là phải dậy sớm…

Thuở đó của tôi, một tô bún còn giá 5 ngàn. Các cô bán bún, bán mì, bán xôi, sương sa hột lựu hay đặt gánh ở chợ cóc gần nhà, thường gọi là chợ nhỏ để phân biệt với cái chợ lớn ở xa hơn.

Thời mà tô bún sáng góp luôn vai trò là “thông tấn xã”, thời mà các bà các cô đi chợ còn lúp xúp nón lá, thời mà kéo ghế ngồi xuống nhìn quay toàn người quen.

Ăn uống cũng phải khép nép, sợ bị mắng vốn với ba mẹ. Quanh quần bên nồi nước lèo, người ta bắt chuyện với nhau, than thở về hàng họ, về thời tiết, về đủ thứ trên đời.

Tôi không chắc các bạn nhỏ tuổi hơn tôi, hay các bạn học sinh sau này còn có dịp ngồi ăn tô bún bên gánh hàng ngoài chợ nữa không?

Riêng tôi, cũng đã rất lâu rồi, không còn ngồi ghế đòn húp nước lèo như thế. Giờ đa phần mình sẽ ăn trong tiệm bàn ghế đàng hoàng, hoặc có mua ngoài chợ thì gói bịch đem về.

Một gánh bún lề đường thời xưa.-Ảnh tư liệu.
Một gánh bún lề đường thời xưa.-Ảnh tư liệu.

Giờ đất chật người đông, khó lòng ngồi đủng đỉnh ăn sáng giữa chợ nữa. Sẽ có lúc nào đó mình kể cho những đứa trẻ sau này rằng đã có một thời chúng ta đã vô tư ra chợ, vô tự gọi tô bún, vô tư xin thêm nước lèo, rau, hành, và vô tư húp mà không nghĩ đến có bao nhiêu thứ độc hại bên trong, có bao nhiêu calorie khiến ta béo bụng, rằng ăn vào có chết không?

Cũng sẽ có những ngày, mình sẽ đi rất xa khỏi quê hương, đến nơi mà không thể chạy ù ra ngõ là có ngay đồ ăn sáng, vừa rẻ vừa ngon được.

Hoặc, cũng sẽ có những ngày, những tô bún 5 ngàn chỉ còn là chuyện của quá khứ. Khi mà có muốn cũng không được, có tìm cũng không thấy, tự nhiên mình chỉ ao ước sáng mai mở mắt ra, sẽ được bưng một tô bún ngồi xì xụp giữa chợ.

Không khí xung quanh đúng là không khí của cái chợ nhỏ ngày xưa, và ta lại tiếp tục được nuôi bằng những tờ 5 ngàn sờn góc mẹ dúi cho ăn sáng ở thuở ấu thơ.

Gánh canh bún trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM - Ảnh tư liệu TT.
Gánh canh bún trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM - Ảnh tư liệu TT.

 

"Tô bún giữa chợ hẳn là một phần tuổi thơ của nhiều người trong chúng ta…" - bạn có đồng cảm với tác giả bài viết không? Bạn có kỷ niệm gì tương tự? Xin vui lòng để lại những chia sẻ ở phần Bình luận bên dưới.
ĐẶNG HUỲNH MAI ANH (London)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên