Tháng 12-2019, ruộng bậc thang Mù Cang Chải được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2021, Lễ mừng cơm mới của người Mông ở đây tiếp tục được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Sau hai năm (ngày 23-12-2023), nghệ thuật khèn Mông và nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải tiếp tục được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vậy là những người Mông chịu thương, chịu khó xứ Mù đã góp cho đời ba di sản văn hóa quý giá.

Người Mông tự hào khi nghệ thuật khèn và nghệ thuật vẽ sáp ong thành di sản – Video: NGUYỄN HIỀN







Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 1.

Những nếp nhà truyền thống của người Mông nằm rải rác khắp các bản, nơi những ngọn núi cao sừng sững giữa mây trời. Từ bao đời nay, người Mông vẫn giản đơn sống quây quần bên nhau, giữ văn hóa truyền thống của mình.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 2.


Ngồi bên bếp lửa bập bùng, ông Thào A Thề - người già ở bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) - nhớ lại câu chuyện từ xa xưa khi người ở phương Bắc tràn xuống nước ta mà người già ở bản vẫn hay kể lại. Khi đó, quân phương Bắc chiếm đất, muốn đồng hóa nên họ đốt hết sách có chữ Mông và bắt người đàn ông Mông phải bỏ chữ Mông để học chữ Hán.

Trong một buổi chạy trốn lên núi, đoàn người gặp một người phụ nữ Mông đang thêu bên suối. Thấy vậy, người thủ lĩnh chợt nghĩ ra cách giữ lại chữ của người Mông bằng cách thêu chúng lên váy phụ nữ. Nhưng thêu thì lâu nên nhân khi thấy tổ ong trên rừng, ông liền nghĩ lấy sáp ong đun lên vẽ vào vải để giữ.

Việc tạo hình hoa văn trên vải có từ đó, nhưng vì người phụ nữ trước kia không được học chữ nên chỉ nghĩ đó là đồ dùng, vật dụng, cây cối, con vật xung quanh mình. Rồi dần dần nghệ thuật vẽ sáp ong được truyền từ đời này qua đời khác, biến tấu trên quần áo của những cô gái, chàng trai Mông, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người Mông.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 3.

Ngày nay, phụ nữ người Mông ở huyện Mù Cang Chải vẫn giữ nghề truyền thống. Từ đời này truyền qua đời khác, bà dạy cho mẹ, mẹ dạy cho con gái… cứ thế mà nối tiếp nhau. Bé gái Mông chỉ 8-10 tuổi đã biết vẽ hoa văn lên vải bằng sáp ong rồi.

Bên hiên nhà đầy nắng, ba người phụ nữ ở ba thế hệ của nhà chị Lý Thị Ninh (xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải) đang cùng nhau quây quần bên chảo sáp ong, trổ từng đường nét hoa văn lên tấm vải lanh được căng ngay ngắn.

Vẽ sáp ong, dệt vải, dệt thổ cẩm đều là những việc rất đời thường mà chị em phụ nữ Mông nào cũng thành thạo. Những nét họa tiết nhỏ xíu, đối xứng nhau dần hiện lên trên tấm vải trắng ngà. Trông thì dễ nhưng để nhớ được cách vẽ thì lại không dễ chút nào. Cái khó của người mới học là không biết bắt đầu từ đâu. 

33 tuổi, chị đã có 23 năm gắn bó với nghệ thuật vẽ sáp ong của người Mông. Bình thường một người phụ nữ Mông cần 4-5 năm để thành thạo vẽ sáp ong, nhưng nhờ sáng dạ, chị Ninh chỉ mất 2 năm để thuộc hết các hình vẽ sáp ong truyền thống.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 4.

Năm 2009, Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link đến xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải) để khảo sát, hướng dẫn chị em khởi nghiệp từ nghề truyền thống. Thông thạo tiếng Kinh, cô gái Mông 19 tuổi Lý Thị Ninh đã được chọn làm tổ trưởng Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha.

Trong suốt hơn 10 năm qua, cô gái của núi rừng này đã không biết bao lần về thủ đô để quảng bá chính sản phẩm thủ công của chị em trong tổ hợp tác, giới thiệu văn hóa Mông qua vẽ sáp ong đến du khách. Từ những thành viên đầu tiên, đến nay tổ hợp tác xã đã có 45 thành viên, trong đó có 15 thành viên ở các xã lân cận cùng tham gia vừa gìn giữ nét văn hóa đẹp của phụ nữ Mông.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 5.

Trước kia, vẽ sáp ong chỉ được các chị em trong bản làm khi ngày mùa kết thúc, thì nay họ đã biết biến sản phẩm thủ công của mình thành sản phẩm được khách du lịch quốc tế yêu thích. Chị em trong tổ ai cũng có thêm thu nhập. Người chăm chỉ một tháng kiếm được 5-7 triệu đồng, ai làm lúc rảnh rỗi cũng được 2-3 triệu đồng.

"Chị em phụ nữ trên này không biết chữ, cũng không biết kiếm tiền ở đâu, chị em chỉ biết làm nông, vẽ sáp ong, dệt vải may áo cho mình, cho gia đình. Khi thành lập tổ hợp tác xã thì các chị cũng có thể tự kiếm tiền từ việc vẽ sáp ong, dù không nhiều nhưng cũng rất vui và giúp được gia đình", chị Ninh bộc bạch.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 6.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 7.

Nếu vẽ sáp ong tượng trưng cho sự khéo léo của người phụ nữ Mông, thì tiếng khèn lại là sự mạnh mẽ, rắn rỏi của những người đàn ông Mông trên rẻo cao Tây Bắc. Cây khèn, tiếng khèn gắn với đời sống của người Mông từ khi thôi nôi cho đến khi trở về với đất. 

Các ông cụ, bà cụ người Mông ở Yên Bái vẫn kể cho nhau nghe sự tích ra đời của cây khèn - một loại nhạc cụ độc đáo, đồng thời cũng là nhạc khí linh thiêng trong đời sống tâm linh của dân bản.

Chuyện kể rằng, ngày xưa có một nhà kia cha mẹ mất sớm, để lại sáu anh em trai ở với nhau. Sáu anh em đã nghĩ ra một dụng cụ có sáu lỗ và sáu bộ phận để sáu anh em cùng được thổi, xua tan đi cái buồn tẻ thiếu mẹ vắng cha. 

Ngày lên nương, lên rẫy, tối về sáu anh em lại quây quần bên nhau thổi khèn, tiếng khèn vừa hay vừa lạ đã thu hút mọi người trong bản. Tiếng nói, tiếng cười xua tan sự cô quạnh khi thiếu mẹ, cha.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 8.

Rồi một ngày, chiến tranh xảy ra, quân giặc ở phương Bắc tràn xuống cướp của, giết người, đốt phá làng bản. Gia đình sáu anh em tan tác, người em út còn lại một mình, nhớ các anh, người em đã tìm cách làm sao có thể thổi cả sáu ống ấy. 

Một buổi sáng, đang làm nương chợt người em nảy ra một ý, cứ thế vác dao lên rừng đốn cây gỗ, chặt lấy một đoạn mang về làm bầu khèn. Còn sáu ống là làm từ sáu cây trúc.

Ngày đi làm, tối về lại đẽo gọt bầu khèn, khoét các lỗ trên các đoạn trúc, làm thành cái khèn có sáu ống. Người em đem ra thổi thử. Âm thanh da diết khắp núi rừng cô quạnh. Dân bản từ khắp nơi trong vùng tụ tập về bên chàng nghe tiếng khèn và xem thứ nhạc cụ độc đáo.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 9.

Có tiếng khèn, những người con trong vùng như được cổ vũ tinh thần, đánh tan quân giặc. Tiếng khèn được chàng trai truyền lại cho dân bản, họ cùng nhau nhảy múa, âm vang núi rừng. Từ đó, cây khèn gắn bó với cuộc sống của người Mông.

Đến nay, cả tỉnh Yên Bái có 21 người thuần thục việc chế tác khèn, trong đó 18 người ở huyện Mù Cang Chải. Đây cũng là nơi mà các nghệ nhân, người thổi khèn cùng tụ hội tranh tài tại Lễ hội khèn Mông tháng 12-2023.

Men theo con đường núi quanh co vào Võng Lúa, nhà ông Thào Cáng Súa (65 tuổi) ở tận trên đỉnh núi cao của xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải. Phía sân sau nhà, ông Súa đang tỉ mẩn ngồi gọt, đẽo gỗ, uốn nứa để làm cây khèn của người Mông. 

Ở xã Mồ Dề, ông là người đầu tiên làm khèn và cũng là người đầu tiên được công nhận là nghệ nhân khèn.

Đã gần đến tuổi "thất thập" thế nhưng mỗi khi nhắc đến khèn ông Súa lại hào hứng đến lạ, với ông làm khèn vừa là cách để ông gìn giữ bản sắc của người Mông, vừa giúp ông kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Theo ông Súa, cây khèn tốt phải có tiếng dài, có thổi ba ngày ba đêm cũng không sao.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 10.

Người Mông có nhiều bài khèn như: khèn trong đám tang, khèn đi chơi, văn nghệ... nhưng riêng liên quan đến đám tang, tâm linh đã có 24 bài. Mỗi bài lại có cách thổi, nhịp điệu khác nhau. Không dễ gì mà học được, nên mỗi bản dù nhiều người biết khèn nhưng chỉ 1-2 người thổi khèn giỏi.

Cách đây hai năm, nhận thấy bản thân yêu tiếng khèn của đồng bào mình, anh Giàng A Sửu (xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải) mới theo ông cụ trong bản học khèn. Khèn Mông khó nhất ở chỗ người thổi khèn không chỉ đứng một chỗ để thổi như thổi sáo mà vừa thổi, vừa phải nhảy, hơi cần đủ dài mới có thể làm được.

"Nếu mà học từ khi còn nhỏ thì chân tay sẽ dẻo hơn, 28 tuổi tuổi mình mới học nên cũng khó, chân tay cứng hơn bọn nhỏ. Dân tộc mình chân tay và khèn phải đều nhau thì mới được, tiếng khèn nhịp chân không đều nhau thì không đi được. Mình học thổi trước, chân tay mềm rồi mới học nhảy", A Sửu bộc bạch.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 11.


Vác cây khèn trên vai, ông Kháng A Sử (50 tuổi) cùng vợ của mình sang Mù Cang Chải để tham gia ngày hội khèn Mông. Nhìn vợ cười, A Sử vẫn nhớ như in hồi còn trẻ khó khăn lắm mới "tán được cô này". "Vợ bảo không biết thổi khèn thì không lấy đâu nên từ bấy mình mới cố để học thổi khèn".

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 12.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 13.

Cuối tháng 12-2023, khi những bông hoa tớ dày tô điểm khắp các bản Mông của huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng là lúc bà con người Mông đón tin vui khi nghệ thuật khèn, nghệ thuật vẽ sáp ong của mình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong cái lạnh 5 độ của vùng núi cao, hàng ngàn bà con người Mông cùng quây quần tại sân vận động huyện Mù Cang Chải, hân hoan đón niềm vui về với bản làng. Từ giờ tiếng khèn, vẽ sáp ong không còn là riêng của họ nữa mà đã trở thành di sản của quốc gia.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 14.

Theo Chủ tịch UNBD tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, Yên Bái sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa phong phú với những giá trị bản sắc của trên 30 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 11% dân số toàn tỉnh, họ sinh sống nhiều nhất tại các huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 15.

Hiện Yên Bái có 3/7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó đều là những di sản khởi nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất bình dị của người Mông từ ngàn đời nay.

"Những sắc thái văn hóa độc đáo được thể hiện trong "nghệ thuật khèn" và "nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải" đã và đang được đồng bào dân tộc Mông ở Yên Bái giữ gìn với niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, xứ sở để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam", ông Tuấn nói.

Tiếng khèn, nghệ thuật vẽ sáp ong của dân tộc mình thành di sản, người Mông ai cũng vui, tự hào. Sự công nhận này là động lực để Giàng A Cánh (xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải) cũng như những người đang theo đuổi nghệ thuật khèn Mông ở quê hương tiếp tục truyền dạy cho các thế hệ mai sau để cây khèn của người Mông được gìn giữ và đưa đến với du khách gần xa.

Vinh dự là một trong hai nghệ nhân được lên sân khấu nhận Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với khèn Mông và vẽ sáp ong, chị Lý Thị Ninh - tổ trưởng Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha - không khỏi xúc động. Với chị đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là động lực để chị tiếp tục nghề truyền thống của dân tộc.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 16.

Hơn 10 năm qua, tổ hợp tác của chị không chỉ thực hành nghệ thuật bản địa, các thành viên trong Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha đã tổ chức hai lớp truyền dạy nghề ở xã, đưa số lượng người thực hành di sản lên trên 70 người. Sân sinh hoạt của tổ hợp tác phía trước trạm y tế xã cũng là nơi chị dạy vẽ sáp ong cho các bạn học sinh Mù Cang Chải.

Mong muốn lớn nhất của chị Ninh bây giờ là phải giữ và phát huy và truyền lại nghề vẽ sáp ong mà chị đã được các bà, các mẹ dạy cho thế hệ trẻ mai sau để bản sắc dân tộc của mình không bị mất đi. Chị cũng muốn tiếp tục tìm và mở rộng thị trường để phụ nữ Mông ở Chế Cu Nha nói riêng, Mù Cang Chải nói chung có thêm thu nhập.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 17.

Những di sản văn hóa độc đáo trên rẻo cao Mù Cang Chải- Ảnh 18.

NGUYỄN HIỀN
NAM TRẦN
NGUYỄN HIỀN
HẢI PHI


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên