13/01/2024 09:31 GMT+7

Những điều còn lại sau phiên tòa đại án Việt Á

Đại án Việt Á đã đi gần đến hồi kết với bản án sơ thẩm được tuyên. Những bản án là sự trừng phạt với những tội ác xảy ra trong thời dịch bệnh.

Hai cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG

Hai cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG

Nhưng cái cơ cấu phức tạp và kỳ dị của một đường dây tội phạm liên ngành - liên bộ - liên địa phương vẫn đọng lại một cách mệt nhọc trong tâm trí của người dân lương thiện, qua đó có không ít điều phải bàn.

1. Phan Quốc Việt - ông chủ Công ty Việt Á - quả là một tay thiện xạ, bắn "đạn bọc đường" hạ gục hàng loạt quan chức đủ các cỡ. Đếm sơ sơ có tới hai bộ trưởng, một bí thư tỉnh ủy, còn hạng thứ trưởng, vụ trưởng, trợ lý phó thủ tướng... trở xuống thì có tới mấy chục nhân vật. 

Việt bắn đâu, hầu như trúng đó. Người ta thường nói tiền là sức mạnh. Có lẽ chỉ đúng một phần, phần còn lại là do đám quan chức đó liều lĩnh quá, mặc kệ "lò" đang cháy hừng hực.

"Đạn" của Việt được đô la hóa. Việt giải thích: "Đưa vậy cho gọn". Tính ra tiền Việt, tổng cộng Việt lót tay khoảng 106 tỉ đồng, "giá sàn" thông thường là 50.000 đô la cho một "đối tác", nếu chức vụ to và có nhiều "cống hiến" thì sẽ hưởng nhiều hơn. 

Thuộc cấp của Việt khai thêm: "Luôn phải chuẩn bị USD để phòng khi anh Việt cần". 

Điều đáng đặt câu hỏi là USD tiền mặt ở đâu mà Việt có nhiều vậy? Không chỉ đại án này, ở các vụ án khác cũng có hàng triệu đô la tiền mặt được lưu hành trái phép.

Hàng trăm ngàn, hàng triệu ngoại tệ tiền mặt trở thành bản vị của quan tham nhưng chưa thấy cơ quan chức năng "sờ gáy" một cách rốt ráo như dạo trước từng xử lý ông thợ điện ở Cần Thơ bán cho tiệm vàng 100 USD!

2. Rất khó có thể tin vào lời khai của cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh. Ông ta nói trước tòa rằng khi Việt tặng quà, ông không biết trong đó có 200.000 đô la. Mãi sau này, khi chuyển công tác mới thấy số tiền trên. Trong thời gian chờ thực hiện "kế hoạch" trả lại cho Việt, ông nhét tiền vào vali, để ở gara, kết cục là mất đâu không biết. Nghe có vẻ sai sai.

Dư luận có hai luồng ý kiến về vấn đề này. Một là, ông Chu Ngọc Anh quanh co chối tội nhằm chuyển hóa một khoản tiền kếch xù thành thứ "quà cảm ơn" chẳng đáng giá bao nhiêu. 

Cho dẫu ông có vô tâm đến mấy thì vẫn không thể chỉ... dự định sẽ đem trả lại túi tiền cho Việt, sau đấy bận bịu mà quên mất. 

Ông ta là quan chức lớn, dư sức biết rõ cầm tiền nhiều như vậy là sai trái, cần phải nhanh chóng giải quyết nó bằng nhiều cách khác nhau, kể cả cách công khai hóa hoặc báo cáo sự việc lên cấp có thẩm quyền.

Hai là, ông Chu Ngọc Anh giàu quá, coi tiền như rác, chừng ấy tiền không đáng là bao chăng? Thực tế là có một bộ phận không nhỏ quan chức đang giàu, chẳng hạn cựu bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến mới bị khởi tố vài ngày là nộp ngay hai mươi mấy tỉ đồng khắc phục hậu quả gây thất thoát. Với những người như thế, "mất tích" vài tỉ đồng nhằm nhò gì.

3. Cần phải định lượng phân cách rõ ràng đâu là "quà cảm ơn", đâu là nhận hối lộ. Đừng để các quan chức "nhầm lẫn" và đánh tráo khái niệm.

Dân Á Đông vẫn luôn quen có quà tình cảm cho những ai mà họ thấy cần thiết phải làm vậy. Cái thứ ấy bây giờ với nhiều người bị cải biên thành món hối lộ và biến hóa ngôn ngữ gọi đấy là "quà cảm ơn". 

Không riêng vụ Việt Á, các quan tham các vụ án khác đều nói vậy, thậm chí có người còn cho rằng không nhận thức được việc cầm "quà cảm ơn trên mức tình cảm" là vi phạm pháp luật.

Có lẽ phải có quy chế cụ thể hơn về "quà cảm ơn", tức vấn nạn hối lộ, đồng thời phải xem xét nghiêm minh hơn về công tác cán bộ các cấp, không thể để kéo dài tình trạng có quá nhiều cán bộ nhận tiền hối lộ, ra tòa nhơn nhơn nói là "quà cảm ơn" hay "ngây thơ" nói không biết, không nhớ như trẻ con lên ba, để lại "ngàn năm bia miệng" trong dân chúng.

4. Tòa đã chấp thuận đề nghị phút chót của đại diện viện kiểm sát miễn trách nhiệm hình sự cho cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh và thuộc cấp là Trần Thanh Phong. 

Cả hai đều bị truy tố về tội vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, cả hai được ghi nhận có nhiều tình tiết giảm nhẹ, được xác định là làm theo chỉ đạo, không vụ lợi, từ chối các khoản chung chi từ Phan Quốc Việt. 

Có thể nói sai phạm của hai người này rất đáng được xem xét, vì nó xảy ra trong hoàn cảnh đặc biệt, phải ứng phó khẩn cấp trước đại dịch hoành hành.

Đây là một động thái rất kịp thời, động viên cán bộ dám nghĩ - dám làm, không ngồi ì hay thúc thủ chờ đợi, nghiêm túc chịu trách nhiệm khi làm sai. 

Trên hết cả, họ không "vượt rào" bởi các món "quà cảm ơn", chỉ hành xử theo đúng cương vị. Trong tình hình tràn lan cán bộ sợ trách nhiệm như hiện nay, những người như vậy không nhiều.

Chúng ta đang kêu gọi cán bộ dám nghĩ - dám làm, muốn được như vậy thì cần xem xét đúng mức, rộng lượng trước những người "vượt rào" không vụ lợi và vì công việc. 

Đó chính là điều quan trọng để thúc đẩy nạn sợ trách nhiệm đang trở thành vấn đề nghiêm trọng đến mức đáng báo động hiện nay.

Vụ Việt Á: Mức án tòa tuyên cho 38 bị cáoVụ Việt Á: Mức án tòa tuyên cho 38 bị cáo

Chiều 12-1, hội đồng xét xử đã tuyên mức án cho 38 bị cáo trong vụ Việt Á, có đến 37/38 bị cáo được tuyên mức án dưới khung truy tố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên