15/08/2013 07:21 GMT+7

Những đóa hoa cúc trắng - Kỳ 1: Khó đi con cõng mẹ đi

ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY
ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY

TT - Mùa mưa, căn chòi lá của mẹ con chị Chung Thị Hằng Em nằm giữa mênh mông nước ở ấp An Chại, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, xe máy không tài nào vào được. Ấy vậy mà ngày nào 5g sáng trời còn mờ tối, chị đã cõng mẹ bì bõm lội nước hơn nửa tiếng ra đường lộ tới nhà bác sĩ nhờ chích thuốc, rồi lại tất tả cõng mẹ về nhà chuẩn bị đi làm mướn cho người ta cả ngày.

aoWQDaRh.jpgPhóng to
Chị Hằng Em đắp thuốc cho mẹ khi mẹ còn sống - Ảnh: THẤT LANG
pTnF5nik.jpgPhóng to
Chị Hằng Em chuẩn bị hành trang mưu sinh tại TP Biên Hòa, Đồng Nai - Ảnh: Bảo Châu

Bỏ đi một mảnh tình riêng

Ba mất từ lúc chị Hằng Em còn nằm trong bụng mẹ. Tuổi thơ của anh em chị lớn lên trong sự tảo tần của mẹ. Đến năm chị 20 tuổi, dù ý vẫn chưa muốn lập gia đình nhưng vì mẹ đã lo lắng mối mai, chị đành gật đầu về nhà chồng ở huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long). Về nhà chồng mới được nửa năm, chị nhận được tin báo của hàng xóm: “Mẹ chị bị bệnh nặng lắm, chị có về không?”. Biết phận dâu mới về nhà chồng lại bỏ về nhà mẹ ruột thì không phải lẽ, nhưng chị là con út, lại ở gần nhất, chẳng lẽ lại không về? Vậy là Hằng Em khăn gói về với mẹ.

Được ba ngày, chồng xuống nhà chị ra thẳng điều kiện: “Một là về lại nhà chồng, hai là ở đây luôn, không vợ chồng gì nữa”. Sau một tuần nghĩ tới lui, nhìn mẹ vật lộn với từng cơn đau thắt của trái tim bị hở van ba lá và căn bệnh viêm phế quản lâu ngày, chị quyết định sẽ ở nhà hẳn với mẹ, chấp nhận để lại phía sau một mảnh tình riêng ở cái tuổi tươi đẹp nhất của đời con gái. Biết tin đó mẹ chị chỉ khóc, nhưng chị thì nghĩ: “Mẹ sanh tạo ra mình, nuôi mình vất vả bao nhiêu năm trời, được báo hiếu cho mẹ thì có gì phải tiếc đâu”.

Về nhà với mẹ, chị Hằng Em trở thành trụ cột chính trong nhà. Một ngày của chị bắt đầu lúc 4g sáng, sau khi thổi lửa nấu cơm, chị đưa mẹ ra chỗ bác sĩ ngoài lộ chích thuốc. Nhà không có xe, chị cõng mẹ trên lưng, hôm nào mẹ mệt thì ẵm mẹ lội luôn từ ruộng ra lộ. Ngày nắng ngày mưa, nước cạn nước ngập, không ngày nào chị lại không đưa mẹ ra bác sĩ. “Có hôm nước ngập lên tới thắt lưng, đi khó lắm nhưng chưa bao giờ mẹ con bị té hết, vì cõng mẹ thì mình đi chậm, cẩn thận lắm, lỡ có bề gì thì làm sao?”, chị cho biết. Về nhà đặt nồi cơm, cái chén, đôi đũa sát bên chỗ mẹ nằm rồi chị mới yên tâm tới chỗ làm mướn, có khi cách nhà tới hai, ba giờ đi bộ.

Mùa nhãn chị đi bẻ nhãn, bồi sình cho vườn người ta, hết mùa nhãn lại xoay tua đi hái cam, hái chanh, nhổ cỏ, ai kêu gì làm nấy, tới chiều về nhà lại ra ruộng mò ốc. Mỗi ngày kiếm được chừng 70.000 đồng thì chị để hẳn 50.000 đồng cho mẹ chích thuốc. Có hôm chị trèo cây bị ong chích, sưng vù mắt, coi như bữa đó không có đồng nào. “Đi làm cực khổ sao mình cũng chịu được, chỉ sợ nhất là nhận điện thoại hàng xóm báo mẹ bị bất tỉnh hay lên cơn đau tim, mỗi lần như vậy tui chạy bộ đứt hơi về nhà” - chị kể.

Nỗi lo của chị cũng không có gì ngạc nhiên khi có lần về đến nhà, mắt mẹ chị đã trợn trắng, người nóng hừng hực, thế chị lại phải vội vàng cõng mẹ ra bác sĩ, sau đó là theo xe cấp cứu lên tận Bệnh viện Trà Vinh với mẹ cả tháng trời. Những lần thót tim như vậy không hề ít, năm năm, mẹ chị đi bệnh viện hơn chục lần, lần nào cũng một, hai tháng. Tới mức các bác sĩ từ trạm xá xã An Phú Tân tới huyện Cầu Kè, rồi Bệnh viện tỉnh Trà Vinh đều đã rất quen mặt chị, thậm chí còn gọi chị Hằng Em vào chỉ cho cách bắt mạch, cách kiểm tra nhiệt độ để chị làm “bác sĩ tại gia” cho mẹ.

“Chăm sóc mẹ là điều hạnh phúc nhất”

Một mình lo cho mẹ, quần quật từ sáng đến chiều, đến cả cái tủ, cái bàn trong nhà cũng một tay chị gom góp ván lượm ngoài đường về đóng lại, đèn trong nhà thì chị đi kiếm trái mù u về đập ra chắt lấy dầu đốt, vậy mà khi hỏi có bao giờ cảm thấy cô đơn, mệt mỏi không, chị lắc đầu nguầy nguậy: “Không có đâu, được chăm sóc mẹ là hạnh phúc nhất trên đời rồi, có gì đâu mà cực!”. Rồi chị ngậm ngùi: “Có lần anh trai về nhà nhưng không có tiền đưa mẹ vì còn con nhỏ nheo nhóc, thấy anh nhìn mẹ khóc mà mình thương quá, vậy nên đứa nào còn nuôi mẹ được thì ráng nuôi chứ”.

Mùa mưa nước ngập lên tới sát mí tấm phản nằm của hai mẹ con, chị mắc võng cho mẹ nằm đu đưa trên cao, còn mình thì “tả xung hữu đột” lội nước trong nhà, hết nấu cơm lại giặt đồ, rửa ốc đi bán. Tối, hai mẹ con nằm ngủ giữa rền vang tiếng ễnh ương, ếch nhái ngoài ruộng, gió lạnh, mưa lớn, nhưng “mẹ kể chuyện hồi xưa, rồi mình kể chuyện hôm nay làm gì, gặp ai cho mẹ nghe, hai mẹ con nói suốt đêm vậy đó, vui lắm!”. Nhưng đến lúc mẹ trở bệnh nặng sốt cao, không thở được thì mọi chuyện không dễ dàng như thế. Mẹ mệt, khó tính hơn nên chị không bao giờ ngủ say được. Cứ chốc chốc chị lại chườm khăn cho mẹ, đỡ mẹ dậy để mẹ dễ thở, rồi xoa lưng, bóp chân cho mẹ. Thức trắng đêm là chuyện không hiếm với chị.

Mỗi bữa ăn của hai mẹ con cũng được chị chia phần rất rõ ràng, cá to là phần mẹ, còn chị chỉ ăn cá lòng tong, cá nhỏ. Thậm chí khi mẹ nhập viện, chị xin cơm từ thiện của bệnh viện ăn qua bữa nhưng phần cơm của mẹ thì chị luôn tự lo ngon lành, nóng hổi vì “mình khỏe ăn gì chẳng được, để mẹ ăn vậy mới có sức, mau hết bệnh được”. Mẹ nói thèm ăn món gì chị cũng ráng mua bằng được. Mẹ thèm ăn canh chua, chị lật đật đi mua con cá lóc rồi lội ruộng quanh nhà kiếm rau này lá kia, thêm chút me vào để có nồi canh chua cho mẹ ăn. Mẹ muốn ăn chay, chị đi bộ một mạch ra chợ mua tàu hũ, mì căn về nhà nấu đầy đủ rồi mới đi làm.

Nhưng rồi “mẹ già như chuối chín cây”, lần gặp chị gần đây nhất, chúng tôi nhận được tin mẹ chị đã vừa qua đời. Bà qua đời ngay trong vòng tay chị, khi chỉ kịp gọi tên chị: “Hằng ơi, Hằng ơi!”.Dẫu biết trước rằng ngày này rồi cũng sẽ tới, nhưng lúc đó chị nói mình không còn biết gì nữa, anh chị chưa về kịp, chị xỉu lên xỉu xuống, khóc không biết bao nhiêu đợt. “Mẹ đi đúng vào ngày rằm, trăng tròn sáng lắm, mẹ đi rồi tôi thấy xung quanh mình sao trống trơn, bao nhiêu năm chân tay luôn bận rộn, hối hả vì mẹ, giờ ở không biết làm gì. Cứ trời mưa là tự nhiên mình cũng rớt nước mắt, nhớ những đêm mưa gió mẹ con thủ thỉ với nhau quá chừng” - chị nói mà mắt vẫn còn rưng rưng.

Mẹ mất, chị khép cửa căn nhà trống trước trống sau khăn gói lên Đồng Nai kiếm kế mưu sinh, nuôi ước mơ một ngày có thể trở thành y tá chăm sóc bệnh nhân như từng chăm sóc mẹ. Trong hành trang vài ba bộ quần áo của mình, chị còn mang theo một tấm ảnh của mẹ “để mỗi lần nhớ mẹ sẽ có mẹ luôn ở bên mình”...

______________

Kỳ tới: Gia tài của mẹ

Mời bạn xem, nghe chương trình hay về các bậc sinh thành

Nhân mùa Vu lan báo hiếu, Tuổi Trẻ xin giới thiệu đến các bạn danh sách trên 50 ca khúc, video, 20 album nhạc về công ơn của các bậc sinh thành. Trên 70 bài báo về cha mẹ đã đăng trên báo Tuổi Trẻ được Tuổi Trẻ Mobile chọn đọc audio.

Ngoài ra, bạn có thể nghe lại 14 chương trình radio, như Ơn đấng sinh thành, Mấy đời bánh đúc có xương... bảy cuốn sách nói về cha mẹ, như Bông hồng cài áo, Phút dành cho mẹ... do Tuổi Trẻ Mobile thực hiện.

Bạn có thể xem, nghe trên máy tính bàn, điện thoại di động hoặc máy tính bảng: m.tuoitre.vn

TÒA SOẠN

ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên