02/06/2023 14:05 GMT+7

Cận cảnh những cầu đường ở TP.HCM đang chờ cơ chế để 'lột xác'

Những cơ chế thí điểm được cho là rất mạnh dạn (BT trả chậm, BOT trên đường cũ và TOD) mà TP.HCM đề xuất với Quốc hội sẽ giúp hạ tầng giao thông TP có những bước chuyển mạnh mẽ.

Cận cảnh những cầu đường ở TP.HCM đang chờ cơ chế để lột xác - Ảnh 1.

Mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc - giáp ranh Long An (dài 9,6km từ 4 lên 8 làn xe) với nguồn vốn khoảng 12.876 tỉ đồng. Đây là dự án cấp bách nhằm giúp cho cửa ngõ phía tây TP.HCM thông thoáng hơn. Dự thảo cơ chế đặc thù có nêu TP.HCM được phép đầu tư các dự án cấp bách trên đường cũ, đường trên cao. Như vậy, khi được thông qua, TP sẽ có cơ sở mở rộng đoạn quốc lộ 1 theo hình thức BOT, khơi thông trục giao thông huyết mạch giao thông quốc gia. Ảnh chụp cầu Bình Điền kẹt cứng khi người dân về quê nghỉ lễ - Ảnh: LÊ PHAN.

Với hạn mức vốn đầu tư công hạn chế, nhiều dự án hạ tầng giao thông cấp bách, quan trọng tại TP.HCM chưa cân đối được nguồn vốn.

Thiếu vốn ngân sách, sự đa dạng của vốn tư lại chưa được mở khiến nhiều dự án phải chuyển qua nhiều kỳ trung hạn. Chính vì vậy, những cây cầu, con đường huyết mạch có thể 5-10 năm hoặc lâu hơn nữa mới hình thành. Nó là điểm nghẽn, chèn huyết mạch lưu thông, kìm hãm sự phát triển của TP.

Với cơ chế mới để phát triển hạ tầng giao thông mới được đề xuất trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội về "Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM" sẽ giúp nhiều công trình nhanh chóng hình thành.

Cận cảnh các cầu đường ở TP.HCM chờ "lột xác":

Cận cảnh những cầu đường ở TP.HCM đang chờ cơ chế để lột xác - Ảnh 2.

TP.HCM đang có rất nhiều dự án hạ tầng giao thông nằm trong quy hoạch nhưng cả thập niên chưa thể thực hiện vì thiếu vốn. Ảnh chụp khu vực đường Nguyễn Khoái giao Bến Vân Đồn, nơi có dự án cầu đường Nguyễn Khoái nối từ khu Him Lam, quận 7 sang đường Võ Văn Kiệt. Dự án cần khoảng 2.000 tỉ đồng. Trong dự thảo cơ chế đặc thù, TP đề xuất huy động vốn từ xã hội hóa theo hình thức BT trả chậm, để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư làm ngay công trình trong giai đoạn này. Nhà đầu tư xây dựng công trình đó và TP sẽ thanh toán (sau khi công trình hoàn thành, được quyết toán) trong khoảng thời gian 5 - 10 năm - Ảnh: LÊ PHAN

Cận cảnh những cầu đường ở TP.HCM đang chờ cơ chế để lột xác - Ảnh 3.

Cầu Kênh Tẻ nối quận 7 với quận 4 nhiều năm nay luôn quá tải vào giờ cao điểm. Cơ quan chức năng đã nhiều lần mở rộng cầu để giải quyết ùn tắc nhưng chỉ là phương án tạm thời. Phương án giải bài toán ùn tắc cho khu vực này là sớm xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái để "chia lửa" - Ảnh: LÊ PHAN

Cận cảnh những cầu đường ở TP.HCM đang chờ cơ chế để lột xác - Ảnh 4.

Cầu đường Nguyễn Khoái là một hạng mục hạ tầng giao thông trọng điểm vượt sông Kênh Tẻ nối giữa quận 7, quận 4 và quận 1. Dự án được người dân khu vực trông đợi, kỳ vọng giúp làm giảm áp lực giao thông và tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm cho khu vực này. TP.HCM sẽ chọn những dự án thực sự phát huy hiệu quả, các điểm nghẽn cần được khơi thông nhằm phát triển kinh tế để áp dụng hình thức BT trả chậm - Ảnh: LÊ PHAN

Cận cảnh những cầu đường ở TP.HCM đang chờ cơ chế để lột xác - Ảnh 5.

Để mở rộng đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cần ngân sách TP chi khoảng 1.123,9 tỉ đồng để triển khai. Đây là dự án cấp bách, trường hợp ngân sách chưa thể cân đối, TP có thể tính đến phương án thực hiện theo hình thức BT trả chậm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cận cảnh những cầu đường ở TP.HCM đang chờ cơ chế để lột xác - Ảnh 6.

Luật PPP hiện chỉ cho đầu tư BOT trên tuyến mới. Với quy định này, TP.HCM sẽ phải triển khai nhiều dự án mới như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4… Tuy nhiên, có những dự án BOT không thể hoàn vốn được, hoặc những dự án trục huyết mạch rất cần được nâng cấp, mở rộng mà không có quy định. Ảnh chụp phà Bình Khánh nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Bao giờ hết cảnh qua sông phải lụy phà? Câu hỏi và cũng là niềm mong mỏi của nhiều người dân nơi đây - Ảnh: LÊ PHAN

Cận cảnh những cầu đường ở TP.HCM đang chờ cơ chế để lột xác - Ảnh 7.

Nếu chờ bố trí được vốn đầu tư công mới làm thì quốc lộ 13 vẫn mãi ùn tắc gây thiệt hại rất lớn, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Với nguồn ngân sách hạn chế, dự án mở rộng quốc lộ 13 có tổng vốn khoảng 10.000 tỉ đồng đã nằm đó cả thập niên. Ảnh chụp cầu Ông Dầu trên quốc lộ 13 được mở rộng tạm để giải quyết ùn tắc - Ảnh: LÊ PHAN

Cận cảnh những cầu đường ở TP.HCM đang chờ cơ chế để lột xác - Ảnh 8.

Trong khi đó, quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương được nâng cấp, mở rộng thênh thang - Ảnh: LÊ PHAN

Cận cảnh những cầu đường ở TP.HCM đang chờ cơ chế để lột xác - Ảnh 9.

Khi được thông qua cơ chế, TP.HCM cũng dự kiến triển khai nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 theo hình thức BOT. Có một điểm thuận lợi là cơ chế đặc thù cho phép TP được phép tăng phần vốn nhà nước tham gia dự án đến 70% (quy định hiện nay là 50%). Cơ chế này không chỉ tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia mà còn giúp giảm mức phí, rút ngắn thời gian thu phí - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cận cảnh những cầu đường ở TP.HCM đang chờ cơ chế để lột xác - Ảnh 10.

13 năm trước, dự án cầu đường Bình Tiên - nối trung tâm về huyện Bình Chánh được TP phê duyệt đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Con đường nối trung tâm ra khu Nam này khi hình thành sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc, tăng cường liên kết vùng giữa TP với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long qua tuyến quốc lộ 50 (đang triển khai mở rộng), đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành, vành đai 3 TP.HCM. Nhưng khi Luật PPP ra đời đã bỏ hình thức BT, TP cũng tạm dừng dự án này. TP.HCM có kế hoạch triển khai dự án theo hình thức BOT - Ảnh: LÊ PHAN

Cận cảnh những cầu đường ở TP.HCM đang chờ cơ chế để lột xác - Ảnh 11.

Trên thực tế, TP.HCM trước đây cũng đã có nhiều cơ chế đột phá để phát triển giao thông. TP cũng đã triển khai thành công các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BT đổi đất và BT trả bằng tiền. Điển hình như dự án cấp bách cầu Sài Gòn 2 với tổng vốn khoảng 1.700 tỉ đồng. Đây là dự án thi công vượt tiến độ (chỉ thực hiện trong vòng 2 năm) và 5 năm sau TP mới trả tiền căn cứ theo giá trị thanh quyết toán của cơ quan có thẩm quyền - Ảnh: LÊ PHAN

Đa dạng nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông

Theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030 của TP.HCM, giai đoạn 2021-2025 tổng km đường dự kiến đầu tư khoảng 454km, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 266.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP 92.000 tỉ đồng (chiếm 34,6%), vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP 174.000 tỉ đồng (chiếm 65,4%).

Tuy nhiên, hiện nguồn vốn ngân sách TP không thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được TP thông qua, vốn bố trí cho lĩnh vực giao thông là 52.744 tỉ đồng, chỉ đạt 19,8% so với tổng nhu cầu vốn.

Cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM thu hút vốn xã hội hóa, để triển khai nhanh các công trình giao thông, đang là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Cận cảnh hạ tầng giao thông Cận cảnh hạ tầng giao thông 'chậm kết nối', bến xe Miền Đông mới ế ẩm

Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) được xây dựng hiện đại nhưng khách không mặn mà, vậy hạ tầng đường sá kết nối hiện tại ra sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên