04/07/2023 13:50 GMT+7

Những hòn vọng phu trước biển - Kỳ 5: Chuyến tàu định mệnh và những người vợ mãi đợi chồng

"Ổng đưa hai thằng lớn đi mãi, đi mãi không về, để lại mình tôi ở nhà với hai thằng nhỏ", bà Lê Thị Mai (55 tuổi, thôn Châu Thuận Nông, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) nghẹn giọng tâm sự nỗi đau của người đàn bà lấy chồng đi biển.

Đã nhiều năm, bà Lê Thị Mai không còn chồng và hai người con ngồi cùng mâm cơm ấm cúng như ngày xưa nữa - Ảnh: TRẦN MAI

Đã nhiều năm, bà Lê Thị Mai không còn chồng và hai người con ngồi cùng mâm cơm ấm cúng như ngày xưa nữa - Ảnh: TRẦN MAI

Tôi đau lòng ngóng chồng và hai con, còn mẹ thằng Linh, Sơn, Lê, Thu, Kế... ở trong làng cũng 10 năm khóc hết nước mắt chờ con.

Bà LÊ THỊ MAI

14 người trên chuyến tàu định mệnh

Bữa cơm trưa trong căn nhà vắng lặng trên triền đất nằm giữa thôn, bà Mai một mình ngồi đó cố ăn cho xong. Cơn đau ở đầu hơn một năm qua hành hạ khiến bà vốn đã mệt mỏi lại càng thêm yếu. Kể chuyện chồng con, bà Mai nói: "Cưới chồng đi biển mà lại bám đảo Hoàng Sa, Trường Sa tôi biết là bất trắc và phập phồng nhưng chưa bao giờ nghĩ cùng lúc mất đi cả chồng và hai con".

Ngày 7-9-2013 là thời gian ám ảnh của đời bà. Đó là ngày cuối cùng bà nghe được giọng nói của chồng. Khoảng 8h sáng hôm ấy, bà Mai đang ngồi ở nhà thì nghe điện thoại bàn đổ hồi chuông dài, bên kia đầu dây chồng bà - ông Trần Tuấn Dũng gọi về thông báo đang chuẩn bị vào đất liền thì gặp sóng dữ nên vào đảo Trường Sa Lớn trú, đợi qua đợt gió sẽ về bờ.

Trong cuộc điện thoại ấy, ông nói anh em trên tàu đều khỏe, chuyến biển đánh bắt được và bảo bà liên hệ với thương lái để vài hôm nữa sẽ về cảng Sa Kỳ bán cá. Lúc đó, bà Mai vui lắm, vội lên cảng ra giá bán cá. Thương lái cũng nói đã điện thoại nói chuyện với ông Dũng, cá nhiều nên thương lái cũng lo liên hệ với đối tác để bán...

Bỏ ngang câu chuyện, bà Mai nhìn xa xăm, nỗi lòng bà lại dậy lên bao nỗi đau. Trưa hôm đó, từ cảng Sa Kỳ, bà Mai trở về nhà điện thoại lại cho chồng nhưng không được, bà nghĩ chắc ông Dũng đang cho tàu về bờ nên mất sóng. Nhưng bà chờ mãi, chờ mãi không thấy thông tin gì của chồng. Nỗi lo đầy dần trong trái tim người vợ và người mẹ đang đợi chồng, con đi biển trở về.

Những ngày sau đó, bà Mai cùng hai con nhỏ ra cảng chờ con tàu của gia đình trở về. Thấy chiếc tàu nào vào cửa biển, bà cũng nghĩ đó là tàu của chồng. Điệp khúc hy vọng rồi thất vọng lặp đi lặp lại. Một tuần trôi qua, thân nhân của 14 người đàn ông trên chuyến tàu rơi vào tuyệt vọng. 

"Tìm đủ mọi cách cũng không liên lạc được, vợ khóc chồng, mẹ khóc con. Những ngày đó thật khủng khiếp", bà Mai nghèn nghẹn tâm sự.

Đến bây giờ, bà vẫn không thể hiểu được vì sao con tàu mất hút, dù trước đó vài giờ chồng gọi về giọng rất vui vẻ. Trong lúc trò chuyện bà Mai tự đặt ra câu nói: "Hy vọng là ổng đi nhầm hướng rồi lạc vào nước nào đó và vẫn còn sống". 

Nhưng rồi chính bà lại phủ nhận tất cả: "Mà chắc không có đâu, 10 năm rồi, ổng không biết cách liên lạc chứ còn hai thằng con trai tui nó cũng rành mạng mẽo, ít gì còn sống nó cũng lên Facebook liên lạc về với mẹ hoặc bạn bè trong làng rồi".

Nỗi buồn thấm vào trong đáy mắt, con tàu ông Dũng ra khơi năm ấy vừa mới đóng xong, đó là chuyến biển đầu tiên, bà Mai cũng chưa kịp nhớ số hiệu. Thời gian thoáng chốc đã 10 năm trôi qua, bà Mai lập bàn thờ lấy ngày ông Dũng gọi về để làm ngày giỗ chồng và hai con. Kể chuyện mình bà lại thở dài nghĩ cho hàng xóm. 

"Tôi đau lòng ngóng chồng và hai con, còn mẹ thằng Linh, Sơn, Lê, Thu, Kế... ở trong làng cũng 10 năm khóc hết nước mắt chờ con", bà Mai tâm sự.

Những ngư dân Bình Châu vẫn can trường đi biển Hoàng Sa, Trường Sa  - Ảnh: TRẦN MAI

Những ngư dân Bình Châu vẫn can trường đi biển Hoàng Sa, Trường Sa - Ảnh: TRẦN MAI

Phập phồng theo mỗi chuyến tàu

Xã biển Bình Châu vốn nổi tiếng với những người đàn ông sinh ra để lặn. Cái nghề ấy gắn với ngư dân nơi đây tự bao đời và dĩ nhiên cũng gắn luôn nghiệp bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Phụ nữ xóm Gành mất chồng, mất con, trở thành những hòn vọng phu ngóng về phía biển rất nhiều.

Và dĩ nhiên, những ngày giỗ chung như chiếc tàu của chồng bà Mai cũng không phải hiếm. Như bà Hào nhà ngay đầu xóm biển Gành Cả cùng lúc mất đi chồng, hai con và em rể trong một phiên biển gần 20 năm về trước. 

Tuổi đã gần 70, bà Hào lúc nhớ lúc quên, nhắc lại chuyện quá khứ bà chỉ thở dài rồi im lặng. Sau đận tang thương của cả gia đình, bà Hào sợ biển. Đứa con trai cuối cùng của vợ chồng bà Hào cũng giã từ nghề biển, trở về làm nghề bờ phụng dưỡng mẹ già.

Bà Năng, vợ ngư dân nổi tiếng Võ Văn Lựu là sợi dây kết nối những người phụ nữ mất chồng, mất con ở Bình Châu. Khi chúng tôi hỏi về chuyện "vọng phu" bà Năng kể một mạch, nhà ai mất bao nhiêu người. Điều kỳ lạ là bà Năng có số điện thoại của tất cả những người phụ nữ góa chồng ấy. 

Hỏi thì bà nói: "Ông Lựu hay giúp người, cả đời ổng cứu không biết bao nhiêu người bị nạn trên biển. Tôi ở bờ cũng thường lui tới tâm tình để chị em vơi đi nỗi buồn, cố gắng làm lụng nuôi con nên thành ra quen hết".

Thẳm sâu bà Năng cũng đầy nỗi lòng. Lấy ông Lựu gần 40 năm, chẳng biết bao lần bà khóc nơi bến cảng. Ngày 9-7-2016, bà cũng gào khóc khi hay tin tàu 904.79 của gia đình gặp nạn ở Hoàng Sa. Trên tàu có ông Lựu, cha chồng, con ruột và con rể. May sao, một tàu cá ở Bình Châu đánh bắt gần đó phát hiện và kịp thời ứng cứu. Hôm ấy, tàu bạn đưa ông Lựu và cả nhà về bờ, bà Năng nước mắt ngắn dài đón chồng nơi trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ. 

Nhắc về chuyện đó, bà nói: "Đời tôi và chị em ở đây, chồng đi biển thì ở bờ lại phập phồng. Nói thật ông Lựu còn sống là trời thương, chứ mấy đận tôi nghĩ ổng chết rồi. Nhất là năm 1997 trong cơn bão lớn, ổng cứu 14 ngư dân Đà Nẵng, xong đến bão số 2 thì tàu ổng lại bị sóng đánh chìm. Mẹ con tôi lại kéo nhau ra cảng khóc. May sao chắc ổng mạng lớn nên được cứu".

Đang trò chuyện, ngư dân Võ Tấn Kim (33 tuổi) tìm đến, góp chuyện "vọng phu" Bình Châu. "Tháng 2 vừa rồi, tàu tôi bị sóng đánh chìm ở Hoàng Sa, may nhờ chú Lựu cứu kịp mới giữ được mạng. Hồi chú đưa tôi về đến bờ, mẹ và vợ tôi như người mất hồn, đứng trên cảng khóc ròng", anh Kim tâm tình. 

Nói về những người đàn bà xứ biển này, anh bảo nghiệp đi biển phải đi, chứ anh em ai cũng biết người ở bờ lo lắng lắm. Nhất là Hoàng Sa giờ không chỉ thiên tai mà còn nhân tai. 

Cắt ngang lời chồng, chị Oanh (vợ thuyền trưởng Kim) nói: "Tôi sợ lắm, mùa bão sợ chuyện bão, mùa này đi Hoàng Sa thì sợ bị tấn công. Nói thật, phiên nào mà mất liên lạc với anh Kim một ngày thôi là cả nhà quýnh lên rồi. Đó là chưa kể vợ, mẹ của các ngư dân đi cùng hay tin chạy tới nhà khóc nữa, lo càng lo".

Bà Mai, bà Hào sau đận mất cùng lúc cả chồng lẫn con giờ không dám cho những người con trai đi biển nữa. 10 năm trôi qua, hai người con trai nhỏ bé ngày nào của bà Mai đã lớn, có một thời gian hai anh em đi biển gần bờ, sau thấy bà Mai lo lắng, cả hai đã bỏ biển vào Sài Gòn làm công nhân. 

Bà Mai hiểu đi biển thì có thu nhập cao hơn nhưng bà không muốn bất trắc nào xảy đến với hai giọt máu cuối cùng chồng để lại cho bà...

***************

>> Kỳ tới: Ngôi làng góa phụ bên sóng biển

Chúng tôi đến các nhà có người thân mất trong bão Chan Chu tại một làng nhỏ. 11 người đàn ông nằm lại thì có 8 người đã lập gia đình, trong đó có người mới cưới vợ chỉ 6 tháng.

Những hòn vọng phu trước biển - Kỳ 4: Gả chồng cho con dâuNhững hòn vọng phu trước biển - Kỳ 4: Gả chồng cho con dâu

Ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) từng rưng rưng câu chuyện bố chồng đi... gả chồng cho con dâu. Quá thương người góa phụ tần tảo thờ chồng nuôi con khôn lớn, gia đình bên chồng đã đứng ra làm lễ cưới cho con dâu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên