03/05/2019 10:01 GMT+7

Những ký họa cháy bỏng giữa đường Trường Sơn

LÊ THIẾT CƯƠNG
LÊ THIẾT CƯƠNG

TTO - Hơn 200 bức ký họa trực tiếp tại đường Trường Sơn trong những năm 1960-1975 được trưng bày tại triển lãm Ký ức đường Trường Sơn nhân 60 năm thành lập đường Trường Sơn huyền thoại (1959-2019).

Những ký họa cháy bỏng giữa đường Trường Sơn - Ảnh 1.

Tranh của tác giả Hoàng Đình Tài

Hơn 200 bức ký họa trực tiếp tại đường Trường Sơn trong những năm 1960-1975 của 8 họa sĩ Đào Đức, Hoàng Đình Tài, Huy Oánh, Chu Thảo, Lê Trí Dũng, Nguyễn Đức Dụ, Phạm Lực và Thanh Châu tại triển lãm Ký ức đường Trường Sơn sẽ đánh dấu 60 năm thành lập đường Trường Sơn huyền thoại (1959-2019).

Tính chất vẽ nhanh, cập nhật, về người thực, cảnh thực, tình huống thực, nóng hổi như một loại báo chí bằng hội họa của ký họa từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết "Chỉ có những người trong cuộc mới vẽ được như thế" nhân dịp xem triển lãm ký họa của các họa sĩ miền Nam tại Hà Nội năm 1967.

Đặc điểm nổi bật của ký họa là tính hiện thực nên ngoài nghệ thuật, nó còn có tính thông tin, giáo dục. Chính tính thực của ký họa làm cho nó sống mãi, làm cho nó trở thành một kiểu viết sử bằng hội họa, một kiểu lưu giữ ký ức.

Chân dung mỹ thuật Việt Nam hiện đại không thể thiếu thể loại ký họa chiến tranh. Khởi đầu chính là những bức ký họa trong kháng chiến chống Pháp của thầy trò Tô Ngọc Vân trong khóa mỹ thuật kháng chiến, đến ký họa của các họa sĩ ở cả hai miền Nam và Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Lịch sử mỹ thuật Việt Nam luôn song hành cùng lịch sử dân tộc cũng chính ở điều này.

Những ký họa cháy bỏng giữa đường Trường Sơn - Ảnh 2.

Tranh của tác giả Thanh Châu

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ký họa chiến tranh lại trở thành thể loại chủ đạo của mỹ thuật Việt Nam. 30 năm chiến tranh (1945-1975) với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đương nhiên ký họa là thể loại vừa thích nghi vừa phù hợp với hoàn cảnh một cách hoàn toàn tự nhiên.

Cuộc sống trong giai đoạn chiến tranh đầy khó khăn gian khổ, họa phẩm thiếu thốn, thời gian không có nhiều. Nhịp sống lại luôn biến động, di chuyển thay đổi liên tục nên việc dùng các chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa... vốn đòi hỏi thời gian sáng tác lâu là không thể.

Chỉ có ký họa trên giấy bằng bút sắt, bút chì, than hoặc điểm màu nước mới bắt kịp những diễn biến của cuộc chiến.

Ký họa chiến tranh cũng như ký họa ở đường Trường Sơn là thể loại đặc thù của hội họa Việt Nam. Phần lớn các họa sĩ là những người lính, họ vẽ về chính cuộc sống của mình. Họ vẽ mình. Bởi họ là một phần của cuộc chiến chứ không phải người ngoài, không phải đứng ngoài nhìn vào.

Tình yêu hội họa, sự say nghề và lòng yêu nước ở họ là một. Yêu vẽ với yêu nước là một. Không cố yêu vẽ và cũng không cố yêu nước. Yêu vẽ và yêu nước tự nhiên như không.

Những bức ký họa chiến tranh và những bức ký họa ở đường Trường Sơn đều có cái giá của sinh tử, của mạng sống. Cho nên đã hơn một nửa thế kỷ nhưng khi xem vẫn cảm thấy như họ vừa vẽ xong, vẫn thấy "nóng", vẫn thấy sống động, vẫn thấy đầy ắp không khí chiến tranh, vẫn "nghe" thấy tiếng đạn bom vang lên từ mỗi bức tranh.

Từ năm 1954-1975, suy cho cùng, cả dân tộc đều đi chung con đường duy nhất, con đường tiến hành cuộc chiến tranh để thống nhất đất nước. Trong con đường ấy có đường Trường Sơn huyền thoại.

Con đường khát vọng và huyền thoại này từng được tái hiện trong văn chương, thi ca, nhiếp ảnh và điện ảnh. Triển lãm Ký ức đường Trường Sơn mang đến con đường Trường Sơn bằng hội họa.

Hơn 200 bức ký họa chỉ là một phần trong kho ký họa về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về đường Trường Sơn, nhưng người xem vẫn thấy đầy đủ về cuộc sống và chiến đấu của những người lính Trường Sơn cũng như những đoàn quân đã đi qua con đường này, đã "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" (thơ Tố Hữu).

Gian nan vất vả cống hiến, xả thân, hi sinh anh dũng... - không một từ nào có thể mô tả được hết về những người lính Trường Sơn.

Những ký họa cháy bỏng giữa đường Trường Sơn - Ảnh 3.

Tranh của tác giả Phạm Lực

Đường Trường Sơn nối ba miền Bắc, Trung, Nam, cũng là con đường biểu tượng ý chí thống nhất đất nước, con đường của tình quân dân cũng như tình cảm của các tộc người thiểu số với cách mạng, con đường của lực lượng thanh niên xung phong, của tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia.

Mỗi quốc gia đều có một căn cước, một dấu vân tay của mình. Trong dấu vân tay Việt Nam ấy có những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà những bức ký họa giữa đường Trường Sơn mang một phần ký ức quan trọng trở về.

Giám tuyển Triển lãm tranh/ký họa Ký ức đường Trường Sơn (khai mạc ngày 26-4-2019 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA (Hà Nội), kéo dài hết ngày 26-5-2019).

Những ký họa cháy bỏng giữa đường Trường Sơn - Ảnh 4.

Tranh của tác giả Chu Thảo

Những ký họa cháy bỏng giữa đường Trường Sơn - Ảnh 5.

Tranh của tác giả Đào Đức

Những ký họa cháy bỏng giữa đường Trường Sơn - Ảnh 6.

Tranh của tác giả Huy Oánh

Những ký họa cháy bỏng giữa đường Trường Sơn - Ảnh 7.

Tranh của tác giả Lê Trí Dũng

Những ký họa cháy bỏng giữa đường Trường Sơn - Ảnh 8.

Tranh của tác giả Nguyễn Đức Dụ

Về cung đường Trường Sơn huyền thoại Về cung đường Trường Sơn huyền thoại

TTO - Nhóm bạn trẻ gồm bảy người thuộc Đội công tác xã hội thanh niên TP.HCM đã có chuyến hành trình bằng xe máy về với những địa chỉ đỏ theo cung đường Trường Sơn huyền thoại.

LÊ THIẾT CƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên