22/07/2021 12:26 GMT+7

Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 2: Sợ 'chai mông' ở văn phòng

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTO - Một cô gái ở Sài Gòn đã khiến nhiều dân chơi môtô Harley Davidson trầm trồ và phó thác việc 'lên đồ' cho những con xe bạc tỉ của họ. Đó là Trần Thùy, 29 tuổi, chủ một tiệm chuyên làm đồ da thủ công ở TP.HCM.

Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 2: Sợ chai mông ở văn phòng - Ảnh 1.

Các sản phẩm điêu khắc thủ công trên da của Trần Thùy cuốn hút nhiều chủ xe môtô đắt tiền - Ảnh: LÊ VÂN

"Khi đi làm thuê ăn lương, dù bạn được trọng dụng cỡ nào, bạn cũng phải đạt định mức sếp giao. Mình thích được tự do làm món đồ mà mình dành cả trái tim đam mê thay vì ngồi... chai mông ở văn phòng, chạy đua định mức.

TRẦN THÙY

Cô gái muốn được thử thách và chinh phục thành công thay vì ngồi... chai mông ở văn phòng và tháng tháng chờ ký lương.

Thử thách và chinh phục

Một buổi chiều cuối tháng 5, Trần Thùy với vóc dáng nhỏ nhắn, khéo léo nhưng quyết đoán trong từng động tác chạm khắc trên một chiếc yên xe môtô. Điêu khắc trên da đòi hỏi cô gái này không chỉ phải dứt khoát, tỉ mỉ trong từng chi tiết mà còn phải "phiêu" sao cho những đường nét đúng như ý tưởng đầy chất nghệ thuật khách hàng yêu cầu.

Kể cơ duyên đến với nghề làm điêu khắc trên da thủ công, Trần Thùy chia sẻ: "Khi mình còn học đại học đã đam mê đồ da. Quá trình học hỏi thêm trên Internet, Thùy càng thấy thích, vì lúc đó ở Việt Nam chưa có nhiều người làm da thủ công như bây giờ".

Với bàn tay vàng trong giới "độ" môtô đắt tiền ở Sài Gòn, Thùy từng được nhiều công ty săn đón, có lúc lên đến vị trí leader - trưởng một nhóm sáng tạo. Nhưng cô nàng lý giải không thích làm công ăn lương: "Thật ra mình đã đi làm thuê gần 4 năm mới tách ra làm chủ, quá trình đó mình đúc kết được nhiều điều để rút kinh nghiệm quản lý tốt hơn cho công ty mình hiện tại".

Thùy chia sẻ thêm kinh nghiệm "chát đắng" khi đi làm thuê: "Mình từng bị hai nơi quỵt lương, một nơi mình đòi lại được, còn nơi kia mình quá mệt mỏi nên bỏ luôn. Ra làm chủ, mình chưa chậm lương nhân viên ngày nào, thậm chí mình còn đưa sớm.

Hơn hết, mình muốn tạo môi trường làm việc năng động để các bạn nhân viên không ngán ngẩm việc văn phòng gò bó như mình trước đây. Mình lắng nghe tiếng nói của nhân viên, tạo nên môi trường làm việc gần gũi. Các bạn xem nơi làm việc là ngôi nhà thứ hai của mình. Tất cả phải mang tinh thần tích cực để đem đến cho khách hàng sản phẩm tích cực".

Trần Thùy đã được nhiều dân biker trao tay những chiếc xe mắc tiền như Harley Davidson bạc tỉ, kể cả xe xưa như chiếc Honda CD 125 "hoàng tử đen", hay nhiều xe có giá từ vài trăm triệu đồng trở lên như Triumph, Royal enfield, BMW, Kawasaki...

Lương Anh Thuận, khách hàng thân thiết của Trần Thùy, kể: "Thấy Thùy đăng các sản phẩm làm da thủ công lên một nhóm chơi xe, mình hỏi thăm và biết Thùy có làm các sản phẩm đồ da handmade cho xe nên mới mang con Honda CD 125 của mình đến làm.

Cách làm của Thùy khiến mình cảm thấy có thể đặt niềm tin. Đặc biệt các đồ chơi bằng da trên xe trước đây mình từng làm không được chạm khắc sáng tạo như cách Thùy làm. Thùy có thể cảm được và sáng tạo theo yêu cầu của khách hàng".

Những sản phẩm da điêu khắc trên xe môtô hiện đang được yêu thích nhất tại shop của Trần Thùy.

Cô nhớ lại: "Lần đầu nhận làm đồ da cho những chiếc xe mắc tiền, mình cũng hồi hộp lắm. Có những chiếc xe trị giá cả tỉ đồng, khách hàng lại rất khó và kỹ tới mức yêu cầu dấu vân tay của mình không được hằn trên bình xăng nữa. Nhưng sau khi nghe mình tư vấn thì ảnh đã tin tưởng giao cho mình làm toàn bộ đồ da trên xe và còn giới thiệu nhiều anh em trong các hội xe đến làm".

Anh Hoàng Hải Thoại, chủ nhân chiếc Harley Davidson mà Thùy từng làm yên xe và các đồ chơi bằng da, chia sẻ: "Đồ chơi chính hãng chỉ có những cái thông thường. Còn khi tôi muốn có những cái đặc biệt mang tính nghệ thuật hơn thì phải tìm tới những người như Thùy. Qua nhiều lần làm với Thùy, tôi cảm thấy rất hài lòng với những sản phẩm mà Thùy điêu khắc cho xe mình".

Kỳ vọng đồ da thủ công Việt dành cho người Việt, Trần Thùy workshop hiện nay có 12 nhân viên cả thiết kế và làm da thủ công cho khách. Nơi đóng đô của họ là ngôi nhà thuê trong hẻm Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

"Chi phí nhân sự, thuê nhà, chưa kể nguyên liệu làm đồ... mỗi tháng hơn cả trăm triệu. Hai năm dịch giã, tụi mình phập phồng lắm. Có tháng thâm hụt, có tháng may mắn đủ chi phí. Nhưng thế là mừng rồi" - Trần Thùy trầm ngâm. Vì là sản phẩm thủ công nên thi thoảng cô cũng phải chậm trễ so với ngày hẹn.

Cũng may khách Thùy đa phần đam mê điêu khắc nghệ thuật, nên muốn nhận một sản phẩm "phiêu" và xứng đáng để trầm trồ thay vì một cái yên xe "trả bài" đúng ngày. Đó cũng là tôn chỉ nhân viên của Thùy luôn phải nằm lòng khi làm đồ da cho khách.

Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 2: Sợ chai mông ở văn phòng - Ảnh 3.

Ngoài làm thủ công đồ da môtô, Thùy còn thiết kế áo giáp để lấn sân phim ảnh, sự kiện giải trí Ảnh: LÊ VÂN

Muốn phát triển thương hiệu Việt

Sản phẩm mới nhất mà tiệm da Trần Thùy đang được yêu thích là các chạm khắc da trên đồ vật có yếu tố khai thác hoa văn Việt Nam. Thùy mong muốn với dòng sản phẩm này, người Việt sẽ thêm yêu văn hóa truyền thống.

"Có những cái tạo cho mình nhiều động lực và đam mê trong nghề, như khách hàng ngày càng tin tưởng mình hơn. Mình cảm thấy được thử thách và chinh phục những ý tưởng mới. Hiện mình có thể đảm bảo cho cuộc sống bản thân và thu nhập cho 12 nhân viên, trong 2 năm dịch mình chưa để chậm lương hay cắt đi nhân sự nào. Các bạn cũng đang là sinh viên vừa học vừa làm tại đây" - Trần Thùy bộc bạch.

Ngoài làm đồ da thủ công cho môtô, Thùy còn làm túi xách, áo khoác da thiết kế riêng. Cô gái này còn táo bạo thử thách mình với việc thiết kế làm nhiều bộ áo giáp bằng chất liệu da để lấn sân vào thị trường phim ảnh, sự kiện giải trí.

Từng là sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng ngành mỹ thuật công nghiệp, Trần Thùy vẫn đang hỗ trợ các sinh viên ngành này ở bộ môn thiết kế thủ công với chất liệu da ở vị trí giảng viên thỉnh giảng khối thực hành.

Trần Thùy háo hức chia sẻ: "Sau các năm mình khởi nghiệp, hiện mình còn hỗ trợ các bạn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp. Điều thú vị là sau khi thực tập ở đây được tầm một tháng, các bạn đã chọn làm đồ da để làm đồ án cũng như muốn theo đuổi việc này sau khi ra trường".

Bạn Huỳnh Minh Tiến, sinh viên năm 4 khoa mỹ thuật công nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng, chia sẻ: "Chị Thùy chỉ cho team mình rất nhiều về da, từ chất liệu đến tạo kiểu dáng. Nó không rập khuôn như da công nghiệp, và tạo cảm hứng rất nhiều cho tụi mình theo đuổi làm da thủ công sau này".

Những ngày cuối tháng 7 của làn sóng dịch giã thứ 4 này, Thùy nhắn tin cho tôi: "Khu mình mới bị phong tỏa rồi. Căng quá, khách cũng không có tâm trí nào đặt hàng. Nhưng vẫn ráng gồng các đơn hàng cũ, nhân viên thì có hai bạn ở lại luôn để phụ, còn lại làm online. May chủ nhà cũng giảm cho chút tiền thuê nhà.

Nhân viên hỗ trợ mình nhiều, các bạn hỗ trợ nhau ship hàng, chăm sóc khách hàng. Các bạn cũng chủ động hỏi mình có thiếu thốn hay cần giúp đỡ gì và chấp nhận giảm tiền hoa hồng để giúp công ty đang khó khăn. Chắc chắn mình sẽ ổn và có nhiều bứt phá khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát".

Nhìn những sinh viên đục đẽo trên da đầy say mê, Trần Thùy xúc động nói: "Hy vọng những bạn trẻ sẽ tìm được hướng đi khả quan cho bộ môn làm da thủ công này. Mình thường gặp những khách hàng mua đồ da ở nước ngoài và không được bảo hành với giá cao hơn trong nước rất nhiều.

Ngoài phát triển thương hiệu cho bản thân, mình cũng muốn người Việt sẽ dùng hàng Việt, tin tưởng những dòng sản phẩm thủ công mà tụi mình đã tâm huyết theo đuổi".

*******

Bỏ ngang Đại học Bách khoa khi đang năm thứ 3, Huy "bút chì" giã từ con đường quen thuộc là tốt nghiệp ĐH và đi làm công ăn lương. Sau 15 năm, cậu sinh viên "xốc nổi" ngày ấy giờ thành bại ra sao?

>> Kỳ tới: Không muốn đột quỵ vì... lương cao

Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 1: Rời TP.HCM về quê trồng dược liệu Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 1: Rời TP.HCM về quê trồng dược liệu

TTO - "Bước ra ngoài để xem trời cao, đất rộng và năng lực mình thế nào" - đó là tâm sự của nhiều người dám từ bỏ công việc ổn định, chờ ký lương cuối tháng để ra làm ăn riêng.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên