10/07/2018 16:11 GMT+7

Những quy định lạ kỳ làm người bệnh không có thuốc

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Nghị định 54 của CP hướng dẫn thực hiện Luật dược sửa đổi (nghị định này chủ yếu do Bộ Y tế xây dựng) có hiệu lực hơn 7 tháng nhưng đã gây ra vô số hệ lụy, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp dược, nhà thuốc, bệnh viện và cả bệnh nhân.

Những quy định lạ kỳ làm người bệnh không có thuốc - Ảnh 1.

Một chuyên gia đã làm việc trong ngành dược 30 năm chia sẻ đây là nghị định gây ảnh hưởng nhiều nhất mà ông biết: "đẻ" thêm nhiều giấy phép con, tốn thêm thời gian, chi phí và rồi cuối cùng đều tính vào người bệnh...

Người bệnh tốn tiền, nhưng chưa hết, họ còn không mua được thuốc vì nhiều điều khoản nghị định quy định nhưng chưa có thông tư hướng dẫn. 

Thời gian qua, người bệnh cần morphine giảm đau đã rối bời khi nhà thuốc không bán (vì chưa có thông tư hướng dẫn cấp chứng nhận cho cơ sở kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt). 

Đầu năm 2018, hàng ngàn bệnh nhân ung thư bạch cầu mạn dòng tủy cũng đã gặp khó khi thủ tục nhập khẩu thuốc viện trợ bị vướng vì nghị định 54.

Những rắc rối này cùng việc bị nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp có ý kiến nghị định mới đẻ thêm giấy phép con và các quy định vô lý, chưa đầy 1 năm sau khi ban hành và nửa năm có hiệu lực, nghị định 54 lại đang được Bộ Y tế sửa đổi! 

Những yêu cầu cấp thiết nhất khi sửa đổi là sửa quy định bó hẹp phạm vi kinh doanh của nhà thuốc bệnh viện (đang gây khó cho cả nhà thuốc, bệnh viện và bệnh nhân), bãi bỏ những giấy phép con mới được "đẻ" thêm khiến thuốc muốn bán phải qua nhiều cầu "thẩm định" về giá, về thủ tục, tốn thêm thời gian và chi phí của doanh nghiệp cũng như người bệnh.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Y tế có quy định bị buộc phải chết yểu. Năm 2017 quy định về quy chuẩn chất lượng sữa dạng lỏng phải bãi bỏ từ khi chưa có hiệu lực thực hiện, do ban soạn thảo và Bộ Y tế đã làm sai trong quy trình xây dựng. 

Nghị định 54 ban hành tháng 7-2017 và có hiệu lực thực hiện từ năm 2018 thì gây ảnh hưởng tới cả nhà thuốc, doanh nghiệp dược, bệnh viện và bệnh nhân, buộc phải sửa đổi khi vừa mới đi vào thực hiện.

Một nghị định tốn nhiều thời gian xây dựng nhưng thực hiện nửa năm đã thấy bất hợp lý và buộc phải sửa đổi cho thấy ban soạn thảo, Bộ Y tế đã không nhìn thấu đáo những hệ lụy có thể xảy ra. 

Việc đẻ thêm các giấy phép con là thực hiện không đúng tinh thần "Chính phủ kiến tạo" của Chính phủ. Chưa kể ảnh hưởng đến người bệnh khi họ mắc trọng bệnh mà thiếu thuốc chữa.

Nhiều cuộc họp gần đây của lãnh đạo Chính phủ với Bộ Y tế, yêu cầu sửa nghị định 54 đã được đưa ra, nhưng chưa ai chỉ ra trách nhiệm của người liên quan việc xây dựng những văn bản "có vấn đề" như nghị định này. 

Ai phải chịu trách nhiệm về một văn bản vừa thực hiện đã thấy rối, đã làm khó cho bệnh viện, bệnh nhân...?

Dược phẩm là lĩnh vực đặc thù vì người bệnh không thể thiếu thuốc, mỗi một lần thiếu thuốc là cả xã hội lên cơn sốt vì nỗi lo lắng cho những người bệnh. Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay đã có mấy lần chúng ta phải lo lắng như vậy. Bộ Y tế có nhìn thấy nỗi lo này?

Người bệnh nặng không có thuốc vì vướng... nghị định? Người bệnh nặng không có thuốc vì vướng... nghị định?

TTO - Nghị định 54 có nhiều bất cập khiến nhà thuốc các bệnh viện 'kêu trời' vì thiếu thuốc, còn người bệnh phải cắn răng chịu đau đớn vì không mua được thuốc...

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên