18/04/2021 10:03 GMT+7

Những 'sao vuông' chống dịch ở Tây Nam

SƠN LÂM - PHƯƠNG VŨ
SƠN LÂM - PHƯƠNG VŨ

TTO - Mặc dù thi thoảng vẫn được huy động hỗ trợ biên phòng nhưng hơn một năm qua, do đại dịch COVID-19, lần đầu tiên lực lượng dân quân tự vệ được tăng cường ở mức độ toàn lực (100%) tại các chốt tuần tra ở biên giới Tây Nam.

Những sao vuông chống dịch ở Tây Nam - Ảnh 1.

Những “sao vuông” chia sẻ nhiệm vụ canh giữ biên cương cùng lực lượng biên phòng - những người luôn phải tuần tra ở những kênh, rạch, lối mở hiểm trở dễ bị lợi dụng để vượt biên trái phép - Ảnh: PHƯƠNG VŨ

"Sống với anh em, thấy anh em lao vào hiểm nguy thì tự nhiên mình cũng có sức lực lao theo.

Anh Nguyễn Văn Triều Tiên (cán bộ dân quân huyện Giồng Riềng, Kiên Giang đang thực hiện nhiệm vụ ở khu vực biên giới Hà Tiên) cười chia sẻ.

Trong những ngày tết cổ truyền Khmer vừa qua, các lực lượng bảo vệ biên giới Tây Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ ngăn chặn, phòng dịch COVID-19. Góp sức không nhỏ với lực lượng biên phòng trong những ngày vất vả đó, không thể không nhắc tới công của những "sao vuông" - cách người dân gọi thân mật lực lượng dân quân tự vệ tại địa phương.

Như anh em một nhà

Để đảm đương tốt nhiệm vụ giám sát toàn tuyến biên giới "nội bất xuất ngoại bất nhập" trong thời gian qua, lực lượng biên phòng ở biên giới Tây Nam đã được hỗ trợ rất nhiều từ các "sao vuông" như thế.

Lần đầu tiên làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới với vô vàn khó khăn về điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và đặc biệt gần như không ngủ, nhưng gần như tất cả "sao vuông" đều nỗ lực để thích ứng nhanh và hoàn thành tốt công việc được giao.

Anh Nguyễn Văn Triều Tiên - cán bộ dân quân huyện Giồng Riềng, Kiên Giang, đang thực hiện nhiệm vụ ở khu vực biên giới Hà Tiên - chia sẻ: "Các chốt chống dịch đều là các khung nhà tiền chế dựng tạm, chốt lớn thì vừa đủ để anh em sinh hoạt, còn chốt nhỏ thì anh em phải chia sẻ, thay phiên nhau trong từng khoảng trống nghỉ ngơi ngắn ngủi sau mỗi kíp tuần tra. Nhưng cái đó không đáng kể, thời tiết ngày nóng đêm lạnh ở vùng biên giới này mới khó chịu, lúc đầu không quen mệt người lắm".

Mệt thì mệt vậy, nhưng phát hiện đối tượng buôn lậu giữa khuya, các "sao vuông" cũng truy đuổi không thua nhịp nào với các chiến sĩ biên phòng vốn đã quen điều kiện khốn khó.

Đại tá Đàm Kiến Thức - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Kiên Giang - cho biết: "Hiện trên tuyến biên giới của tỉnh vẫn đang duy trì gần 70 chốt chống dịch liên ngành do lực lượng biên phòng chủ trì phối hợp với lực lượng dân quân, cảnh sát cơ động và 6 chốt dân quân thường trực của Ban CHQS TP Hà Tiên làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới. Việc tăng cường của lực lượng dân quân tự vệ có vai trò rất quan trọng trong quá trình kiểm soát biên giới vừa qua".

Cách đường biên giới chỉ vài trăm mét, nằm giữa cánh đồng rộng lớn giáp ranh Vương quốc Campuchia là chốt phòng chống dịch số 5 của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.

Những ngày đầu mới lên chốt, nhiều chiến sĩ dân quân chưa quen với thời tiết nắng nóng như thiêu đốt ở đây. Tận dụng cây, lá gần đó, họ cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng lợp thêm một căn nhà nhỏ bằng lá ngay cạnh chốt, vừa giảm nhiệt những ngày nắng vừa có thêm không gian để anh em tại chốt sinh hoạt thoải mái hơn một chút.

Đặc biệt, để cải thiện bữa ăn, mọi người ở chốt còn tận dụng các khoảng đất trống trồng rau xanh, nuôi thêm ít gà, vịt... Ở các chốt chống dịch vùng biên lúc này, chẳng ai còn câu nệ đơn vị, chức vụ hay quân hàm nữa, bởi suốt hơn một năm qua tất cả đã cùng nhau sẻ chia công việc và cuộc sống như các thành viên trong cùng một gia đình.

Thiếu tá Trần Thanh Phong - phó tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Giồng Riềng - nói thêm: "Qua hơn một tháng tăng cường thực hiện nhiệm vụ, 100% cán bộ, chiến sĩ dân quân vẫn duy trì quân số bám chốt, bám địa bàn để siết chặt tuyến lửa biên cương, bảo đảm cho người dân. Chúng tôi cảm nhận rõ sự cố gắng trên cả sức của họ để chung tay và san sẻ bớt phần nào nhiệm vụ chung của đất nước lúc này".

Tính kế sách lâu dài

Trong khi đó, ở biên giới Long An những ngày qua, lực lượng canh giữ biên giới phải làm việc vất vả hơn nhiều để phòng nguy cơ người dân từ các tỉnh/thành tụ về đây tìm cách vượt biên.

Trung tá Nguyễn Trọng Tình - chỉ huy trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, Long An - cho biết: "Thực ra ngay từ đợt bùng phát dịch đầu tiên, anh em đã luôn nỗ lực hết mình. Do đó, chúng tôi phải tính toán điều phối sao để anh em choàng gánh, duy trì nhiệm vụ bền bỉ lâu dài để biên giới không bị lọt. Nhưng không có kế hoạch nào tốt bằng sự hỗ trợ tích cực của nhân dân".

Quả thực về lâu dài, phương kế đưa người dân đến sinh sống ở những vùng biên giới còn vắng vẻ vẫn là cách giữ vững chủ quyền an ninh, lãnh thổ quốc gia tốt nhất như Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã đề ra.

Trong mấy ngày qua, đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh Long An đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Long An cùng các sở Tài chính, Công thương, Tài nguyên và môi trường khảo sát xây dựng các cụm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, gần với các đồn, trạm biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh này.

Đoàn đã khảo sát 20 điểm trên cơ sở chuẩn bị cho phương án xây dựng 45 căn nhà liền kề đồn, trạm biên phòng và 70 căn nhà liền kề chốt dân quân biên giới.

Tuy nhiên, trước mắt cần phải giải quyết thêm một số vướng mắc như đảm bảo điện, nước, tạo sinh kế ổn định cho người dân mới có thể hiện thực hóa việc di dân ra biên giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế cùng 4 thứ trưởng kiểm tra phòng chống dịch COVID-19 khu vực Tây Nam Bộ Bộ trưởng Bộ Y tế cùng 4 thứ trưởng kiểm tra phòng chống dịch COVID-19 khu vực Tây Nam Bộ

TTO - Ngày 17-4, GS.TS Nguyễn Thanh Long - bộ trưởng - đã ký quyết định thành lập 5 đoàn đi kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19 tại một số tỉnh thành khu vực Tây Nam Bộ.

SƠN LÂM - PHƯƠNG VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên