20/11/2012 05:15 GMT+7

Những vấn đề bức xúc trong Luật đất đai

TS VÕ KIM CƯƠNG
TS VÕ KIM CƯƠNG

TT - Luật đất đai năm 2003 còn nhiều bất cập, nhưng tựu trung lại theo tôi có mấy vấn đề lớn cần lưu ý.

xdy6zKOv.jpgPhóng to
Người dân có đất trong dự án đô thị Nhơn Đức (xã Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM) chưa di dời vì chờ giá đền bù cao hơn - Ảnh: T.T.D.

1 Thủ tục thu hồi đất, giao đất không cần thiết nhưng lại có những quy định về thủ tục đầu tư xây dựng rườm rà. Đây là hậu quả của việc nhận thức sai về quyền định đoạt của nội dung sở hữu toàn dân. Chính quyền quan niệm mình nắm quyền sở hữu toàn dân nên có quyền định đoạt việc thu hồi đất của người này giao cho người kia. Quan niệm như vậy là chưa hiểu bản chất của sở hữu toàn dân về đất đai. Trên thực tế sở hữu quyền sử dụng đất không khác bao nhiêu so với sở hữu đất. Như vậy hành vi thu hồi và giao đất với tư cách chủ đất là không đúng. Quyền sử dụng đất đã được mua bán trên thị trường thì không việc gì phải thêm thủ tục thu của người bán, giao cho người mua, chỉ thực hiện hành chính phục vụ dân là đăng ký đất đai.

2 Thiếu cơ chế quản lý đặc biệt đối với loại đất tạm gọi là đất công: bao gồm đất mà quyền sử dụng nằm trong tay các tổ chức nhà nước (chính quyền, doanh nghiệp quốc doanh, đơn vị sự nghiệp...) và đất chưa được đăng ký cho tổ chức tư nhân và cá nhân. Luật đất đai 2003 chưa có quy định về loại đất này. Nếu theo luật, về mặt quản lý, dù quy định rất dài dòng cho từng loại đất nhưng vô hình trung vẫn coi đất tư nhân sử dụng như đất công và đất công như đất mà quyền sử dụng thuộc về tư nhân. Đây là lý do gây thất thoát quỹ đất công, gây khiếu nại, khiếu kiện và làm mất lòng dân.

3 Chồng chéo quy hoạch đất đai với quy hoạch đô thị. Một địa điểm không thể bị chi phối bởi hai loại quy hoạch chi tiết cùng thẩm quyền. Đây là nguyên nhân gây chồng chéo và lãng phí trong quản lý khiến dân phiền hà. Một quan niệm sai lầm là ngành tài nguyên môi trường có chức năng quản lý đất đai, ngành đó phải lập quy hoạch và tham mưu việc giao đất theo quy hoạch. Đó là quan niệm theo “chủ nghĩa bờ ruộng”.

Thực tế, trong ranh giới đô thị chỉ có thể sử dụng quy hoạch đô thị để quản lý xây dựng cũng là quản lý sử dụng đất. Việc cùng tiến hành hai loại quy hoạch sử dụng đất trong đô thị là thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Nhà nước, gây lãng phí. Trong khi đó, chúng ta lại thiếu chiến lược quốc gia về tài nguyên và môi trường để chỉ đạo quy hoạch đô thị, quy hoạch an ninh - quốc phòng, quy hoạch phát triển nông thôn cùng nông, lâm, ngư nghiệp. Các ngành chuyên môn về đô thị, nông nghiệp và phát triển nông thôn, quốc phòng, an ninh mới là các ngành lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết, tham mưu cho chính quyền việc sử dụng đất theo quy hoạch. Ngành tài nguyên môi trường không thể lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết vì không có cơ sở khoa học về chuyên môn của các ngành.

4 Luật đất đai 2003 quá dài dòng. Đây là nguyên nhân làm giảm hiệu lực của luật. Nguyên nhân là do cách tư duy khi làm luật. Để rút ngắn nội dung luật cần thay đổi tư duy. Dù cùng mục tiêu phục vụ quản lý nhà nước, nhưng hiện nay đang có hai cách tư duy khác nhau khi xây dựng pháp luật, tạm gọi là “tư duy chỉ đạo thực hiện” và “tư duy hành lang pháp lý”.

Tư duy chỉ đạo thực hiện thể hiện trong Luật đất đai 2003 nhằm mục đích hướng dẫn, chỉ đạo cho đối tượng thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu. Chỉ đạo thực hiện là để trả lời câu hỏi: “cần làm gì và làm như thế nào?”. Còn tư duy hành lang pháp lý nhằm mục đích xây dựng hành lang pháp lý giúp đối tượng được tự do hành động để đạt mục tiêu. Tạo ra hành lang pháp lý là để trả lời câu hỏi “cấm làm gì và chế tài như thế nào?”. Rõ ràng khi so sánh nội dung quy định “phải làm” với nội dung quy định “cấm làm” thì nội dung cấm bao giờ cũng ít hơn, rõ hơn. Từ đó làm cho pháp luật ngắn gọn hơn, cụ thể hơn, nhân dân được tự do hơn.

Bổ sung quyền cầm cố, bảo lãnh của người sử dụng đất

Bảo lãnh là một trong những hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự. Trong thực tế việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thường được thể hiện bằng hình thức thế chấp, cầm cố, bảo lãnh. Theo truyền thống của người Việt Nam, việc dùng tài sản để bảo đảm cho người khác trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự thường xảy ra trong mối quan hệ gia đình hoặc ở nông thôn. Trong xã hội Việt Nam, từ lâu đời cũng như hiện nay, ở nông thôn thường xảy ra nhiều trường hợp cầm cố đất (thường được gọi tắt là cố đất) thể hiện bằng việc một bên có quyền sử dụng đất giao đất của mình cho người khác sử dụng trong một thời gian cụ thể, đồng thời người này phải trả cho người giao đất một khoản tiền do hai bên thỏa thuận cụ thể.

Theo tôi, quyền sử dụng đất là một nguồn lực quan trọng, việc sử dụng quyền sử dụng đất làm một nguồn lực bảo lãnh tài chính là phát huy tinh thần tương trợ trong xã hội, trong gia đình. Việc cầm cố quyền sử dụng đất là một thực tế khách quan xảy ra trong xã hội Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung ý người sử dụng đất có quyền bảo lãnh, cầm cố quyền sử dụng đất vào dự án Luật đất đai sửa đổi.

TS VÕ KIM CƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên