27/10/2023 10:07 GMT+7

Niềm hy vọng đặc biệt ở Biển Đông

Tại Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 ở TP.HCM (do Học viện Ngoại giao và các cơ quan đối tác phối hợp tổ chức), trong ngày 26-10 các học giả và đại biểu đã thảo luận về vai trò của lực lượng cảnh sát biển.

Các diễn giả tham dự Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông tại TP.HCM ngày 26-10 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Các diễn giả tham dự Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông tại TP.HCM ngày 26-10 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Trong câu chuyện tranh chấp Biển Đông, cảnh sát biển là một lực lượng khá đặc biệt, cả về chức năng và khía cạnh pháp lý. Việc làm rõ vai trò của cảnh sát biển cũng phản ánh kỳ vọng về việc "thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh", đúng với chủ đề của hội thảo năm nay.

Năm 2018, tàu tuần tra của chúng tôi gặp cảnh sát biển Việt Nam tại một khu vực tranh chấp khi ấy. Và chúng tôi ngồi lại, các chỉ huy tàu hai nước đã ngồi xuống uống cà phê với nhau.

Ông Hudiansyah Is Nursal (phó giám đốc luật pháp và pháp luật quốc tế BAKAMLA, Indonesia)

Cảnh sát giữa "vùng xám"

Một trong những diễn biến gây lo ngại hàng đầu tại Biển Đông là việc quân sự hóa, vốn tiềm ẩn khả năng chiến tranh khi xung đột leo thang, vượt ngưỡng. Trong bối cảnh vấn đề này chưa được giải quyết, đa số các nước liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông đều nhìn thấy vai trò của đối thoại. Và để duy trì đối thoại, hầu hết các bên đều kêu gọi kiềm chế trong những diễn biến thực địa.

Đáng chú ý, dù có vẻ không "nghiêm trọng" như sự xuất hiện của tên lửa, chiến đấu cơ, hay việc bồi đắp và quân sự hóa, những cuộc khẩu chiến gay gắt giữa các nước thường liên quan tới các vụ va chạm thực địa, nơi có sự hiện diện của cảnh sát biển.

Về nguyên tắc, cảnh sát biển là lực lượng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong những khu vực được luật pháp quốc tế xác định rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề trở nên rắc rối khi luật trong nước xung đột với luật quốc tế ở các khu vực tranh chấp, tức một nước có thể vi phạm luật pháp quốc tế trong quá trình thực thi cái mà họ xem là "tuân thủ luật quốc gia".

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, hiện nay ở những khu vực chồng lấn và còn tranh chấp, việc sử dụng cảnh sát biển theo luật quốc gia để xua đuổi, trừng phạt hoạt động của các lực lượng khác, người dân khác... sẽ gây ra xung đột.

Vấn đề cảnh sát biển phản ánh nội hàm của hai chữ "vùng xám" ở Biển Đông. Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo ngày 26-10, ông Nguyễn Hồng Thao cho biết các học giả và đại biểu đang tranh luận về khái niệm "vùng xám". 

"Tức là, trong lúc áp dụng luật pháp quốc tế và luật quốc gia, sẽ có những khoảng trống người ta có thể giải thích khác nhau, tạo ra những "vùng xám". Các quốc gia sẽ đưa ra cách giải thích có lợi cho mình", ông nói.

"Ngoài ra, họ cũng có thể sử dụng một số lực lượng khác như dân quân biển, nằm giữa dân sự và quân sự. Trong luật, những điều khoản, quy định này chưa được rõ ràng. Đôi khi người ta sẽ sử dụng dân quân biển để làm những nhiệm vụ quân sự, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ", đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hiệp Quốc, phân tích.

Chờ thiện chí từ "ngoại giao cảnh sát biển"

Việc giải quyết, hoặc ít nhất tìm thấy sự thống nhất trong cách nhìn nhận vai trò của cảnh sát biển được xem là một trong những cách xây dựng vùng biển hòa bình. Ngoài ra, bản thân cảnh sát biển cũng có thể là niềm hy vọng để vun đắp lòng tin, hứa hẹn một lối thoát cho những bế tắc xung quanh vấn đề va chạm trên biển.

Một trong những người cổ vũ mạnh mẽ nhất cho vai trò của cảnh sát biển tại hội thảo Biển Đông hôm 26-10 là ông Hudiansyah Is Nursal, phó giám đốc luật pháp và pháp luật quốc tế của Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia (BAKAMLA).

Theo ông Nursal, vấn đề ở Biển Đông không chỉ là tranh chấp. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát biển Indonesia rất quan tâm tới diễn biến ở Biển Đông, và quan sát diễn biến liên quan tới cảnh sát biển Philippines, Việt Nam và Trung Quốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nursal lấy lại ví dụ liên quan tới Indonesia trong quá khứ, từ đó nhấn mạnh nước này đặt trọng tâm vào cách thức hợp tác với cảnh sát biển các nước khác trong khu vực, vì an ninh hàng hải về bản chất là câu chuyện xuyên quốc gia.

"Đó là lý do chúng tôi dành nhiều nỗ lực phối hợp với khu vực, từ Malaysia, Việt Nam, Philippines, tới Singapore. Bởi tôi cho rằng với sự phối hợp tốt, có niềm tin với nhau, chúng ta có thể sát cánh", ông nói. Theo ông Nursal, hợp tác cảnh sát biển giữa Indonesia và Việt Nam rất mạnh mẽ. Hai nước cũng đã phối hợp tốt cùng Malaysia trong nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có tìm kiếm và cứu hộ.

Tại hội thảo, các diễn giả bàn về "ngoại giao cảnh sát biển" như một cách để lực lượng cảnh sát biển đóng góp vào công tác đối ngoại như những... nhà ngoại giao. Nỗ lực "ngoại giao cảnh sát biển" dù vậy không phải không gặp thách thức. Thách thức đầu tiên nằm ở khâu truyền thông giữa các tàu. Thứ hai là vấn đề thiện chí, vì không phải nước nào cũng sẵn lòng hưởng ứng.

Theo ông Nursal, Indonesia đã tham gia Diễn đàn cảnh sát biển ASEAN, vốn được thành lập từ năm 2014, và đây là một cơ chế tốt để giải quyết khó khăn về truyền thông trong công tác "ngoại giao cảnh sát biển".

Người trẻ muốn góp sức giữ Biển Đông hòa bình

Trong ngày 26-10, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 dành một phiên đặc biệt cho các nhà lãnh đạo trẻ của các nước trong khu vực. Đây là cơ hội để thế hệ kế cận có thể chia sẻ những nghiên cứu và góc nhìn về các vấn đề liên quan Biển Đông.

Trả lời Tuổi Trẻ, anh Nicolás Antonio, sinh viên khoa luật tại Đại học Philippines, nhấn mạnh tầm quan trọng trong các giải pháp hòa bình: "Chúng tôi không muốn chiến tranh. Điều chúng tôi muốn là đối thoại và luật pháp - giải pháp cho xung đột, với nền tảng là các nguyên tắc của luật pháp quốc tế".

Theo anh Antonio, người trẻ có cách riêng để đóng góp cho các vấn đề hiện tại ở Biển Đông. Anh nói: "Chúng tôi là thế hệ của mạng xã hội. Đến từ một quốc gia mà ngư dân là nhóm người nghèo thứ hai, tôi tin rằng mình có thể dùng mạng xã hội để giúp câu chuyện của họ sáng tỏ".

Đinh Thị Tùng Lâm, sinh viên năm thứ tư ngành luật quốc tế Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho biết cô kỳ vọng về việc các quốc gia sẽ cùng đàm phán, thỏa thuận và cùng đưa ra những giải pháp trên cơ sở tôn trọng những quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

"Tôi nghĩ các vấn đề xoay quanh Biển Đông rất phức tạp, không chỉ giải quyết trong hiện tại mà còn ở tương lai. Vì vậy tiếng nói của người trẻ rất cần được lắng nghe và tôn trọng", Tùng Lâm chia sẻ.

Biển Đông âm ỉ giữa những điểm nóngBiển Đông âm ỉ giữa những điểm nóng

Ngày 25-10, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 đã khai mạc tại TP.HCM. Chủ đề của năm nay là "Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên