21/04/2024 07:43 GMT+7

Nợ trái phiếu doanh nghiệp xấp xỉ 10% GDP nền kinh tế

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào cuối năm 2023 khoảng 1 triệu tỉ đồng, tương đương 9,9% quy mô GDP nền kinh tế, bằng 7,4% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại - Ảnh: H.D.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại - Ảnh: H.D.

Những con số trên được Bộ Tài chính đưa ra trong báo cáo tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 2023 và 2024 gửi tới lãnh đạo Chính phủ mới đây.

Hầu hết các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu đều không có bảo đảm

Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2023 cả nước có 432 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thời điểm cuối năm 2023 khoảng 1 triệu tỉ đồng, chiếm 9,9% quy mô GDP của nền kinh tế.

Và dù thị trường trái phiếu có nhiều biến động nhưng trong năm 2023, có 88 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với khối lượng phát hành 296.800 tỉ đồng.

Trong đó, các tổ chức tín dụng phát hành 167.000 tỉ đồng, chiếm 56,3% khối lượng phát hành; doanh nghiệp bất động sản phát hành 87.800 tỉ đồng, chiếm 29,6%; các doanh nghiệp lĩnh vực khác phát hành 42.000 tỉ đồng, chiếm 14,1%.

Hầu hết các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu để huy động vốn đều không có bảo đảm, trong khi có tới 97,7% trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản phát hành có bảo đảm.

Bên cạnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp huy động vốn, trong năm 2023 các doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu trước hạn, với khối lượng khoảng 248.200 tỉ đồng.

Theo đó, các tổ chức tín dụng mua lại trước hạn 126.000 tỉ đồng, các doanh nghiệp bất động sản mua lại trước hạn 55.900 tỉ đồng, lĩnh vực khác mua lại trước hạn 66.300 tỉ đồng.

Và trong 3 tháng đầu năm 2024 các doanh nghiệp tiếp tục mua lại trái phiếu trước hạn với giá trị khoảng 17.600 tỉ đồng.

Về tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ tháng 7-2023 đến cuối năm, Bộ Tài chính cho biết tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 218.150 tỉ đồng, trung bình đạt 1.881 tỉ đồng/phiên giao dịch.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong năm 2023 có 139 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng giá trị khoảng 83.600 tỉ đồng. Trong đó các doanh nghiệp bất động sản chiếm 50,7%, doanh nghiệp xây dựng 4,7%, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chiếm 21,4%, doanh nghiệp sản xuất năng lượng chiếm 5%, doanh nghiệp các lĩnh vực khác chiếm 18,3%.

Trong số 139 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu này, có 33 doanh nghiệp chậm thanh toán từ 1-30 ngày, 38 doanh nghiệp đã có phương án đàm phán với nhà đầu tư, số doanh nghiệp còn lại chưa có phương án rõ ràng.

Thị trường trái phiếu có dấu hiệu cải thiện

Bộ Tài chính đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp nửa cuối năm 2023 đến nay có dấu hiệu cải thiện, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại.

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 khoảng 240.100 tỉ đồng, thấp hơn khối lượng trái phiếu đáo hạn năm 2023 với 261.600 tỉ đồng.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường.

Cụ thể, trong năm 2023 bộ đã triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên thị trường, trong đó có 5 doanh nghiệp kiểm toán, 4 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, 7 công ty chứng khoán, 5 công ty đại chúng và làm việc với 23 doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn.

Bộ Tài chính cũng chia sẻ thông tin với Bộ Công an, các bộ liên quan để triển khai các giải pháp như cấm xuất cảnh với chủ doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc trái phiếu.

Về triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024, theo đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating vào tháng 2-2024, giá trị trái phiếu có rủi ro cao (chậm trả gốc, lãi) thấp hơn đáng kể so với năm 2023 do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính mới tăng lên nhờ vào các chính sách hỗ trợ và môi trường lãi suất thấp.

Các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát nợ trái chủ hơn 52.000 tỉ đồngCác doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát nợ trái chủ hơn 52.000 tỉ đồng

Hơn 20 doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang “ôm nợ” trái phiếu doanh nghiệp khoảng 52.400 tỉ đồng, trong đó số nợ chậm, chưa thanh toán đúng hạn gốc, lãi cho trái chủ khoảng 17.200 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên