01/12/2021 20:57 GMT+7

Nông dân còn yếu thế, phải tìm giải pháp giảm khoảng cách đô thị - nông thôn

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Đây là nhiệm vụ được Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đặt ra tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tình hình thực hiện nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiều 1-12.

Nông dân còn yếu thế, phải tìm giải pháp giảm khoảng cách đô thị - nông thôn - Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (trái) tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT - Ảnh: CHÍ TUỆ

Theo ông Trần Tuấn Anh, sau hơn 13 năm thực hiện nghị quyết 26, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc. Giai đoạn 2008 - 2020, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao 2,94%/năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng 8,17%/năm, nông sản Việt Nam có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững.

Nông thôn Việt Nam có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn thay đổi, kinh tế nông thôn phát triển, chuyển đổi nhanh. Thu nhập bình quân ở nông thôn năm 2020 lên trên 42 triệu đồng/người, vượt mục tiêu đề ra, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh.

Tuy vậy, khu vực "tam nông" nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững, thu nhập ở nông thôn còn thấp, chênh lệch vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao. 

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng trong những năm tới cần phải có giải pháp trọng tâm, đột phá mới để khắc phục hạn chế, đưa nông nghiệp, nông thôn thay đổi về chất. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định đại dịch COVID-19 cho thấy nông nghiệp là một ngành thiết yếu, không chỉ là trụ đỡ của nền kinh tế mà là thước đo mức độ bền vững của quốc gia. Theo ông Hoan, nghị quyết mang tầm dài hạn nên Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều tọa đàm các khối ngành nông nghiệp và tham vấn tổ chức quốc tế để có những tiếp cận mới trong xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030 và tổng kết nghị quyết 26.

Bà Đoàn Thị Thanh Mai - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cho biết thực tế tại một số địa phương, việc tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn chậm.

"Bộ NN&PTNT cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, quy định cụ thể hơn về tích tụ ruộng đất. Bộ cũng cần triển khai đánh giá các mô hình tích tụ đất đai trong thời gian vừa qua và có đề xuất cụ thể mô hình phù hợp với Việt Nam", bà Mai đề nghị.

Theo bà Bùi Thị Thơm - phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đời sống của bà con nông dân còn khó khăn, vẫn là lực lượng yếu thế, thu nhập thấp nhất. "Chúng tôi mong muốn quan tâm nhiều hơn đến người nông dân, làm sao để họ nâng cao nhận thức, kiến thức trong sản xuất nông nghiệp", bà Thơm nói và đề nghị trong nghị quyết tới đây đặt chủ thể người nông dân lên hàng đầu rồi mới đến nông nghiệp, nông thôn.

Tương lai nào cho nông nghiệp Việt Tương lai nào cho nông nghiệp Việt

TTCT - Một danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam năm 2022 đang được Bộ NN&PTNT hỏi ý kiến các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp để ban hành vào cuối tháng 11 này.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên