02/11/2023 21:34 GMT+7

Nông dân ít xài thuốc bảo vệ thực vật sinh học do giá thành cao

Các thuốc bảo vệ thực vật sinh học chưa được nông dân lựa chọn nhiều trong sản xuất do chi phí sử dụng cao, thời gian bảo quản ngắn, phổ tác động hẹp, chuyên tính, hiệu quả chậm hơn so với thuốc hóa học.

Nông dân huyện Hòn Đất (Kiên Giang) phun thuốc trừ sâu trên ruộng lúa - Ảnh: K.NAM

Nông dân huyện Hòn Đất (Kiên Giang) phun thuốc trừ sâu trên ruộng lúa - Ảnh: K.NAM

Thông tin này được ông Huỳnh Tấn Đạt, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết tại Hội nghị phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 2-11.

Theo ông Đạt, trong 3 năm gần đây (2020-2022) tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình cả nước đang xu hướng giảm dần qua các năm, từ 3,81kg/ha năm 2020 giảm xuống 3,19kg/ha năm 2022.

Trong đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng trung bình trên cả nước vẫn được sử dụng ở mức ổn định và có xu hướng tăng từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022.

Tuy nhiên ông Đạt cho rằng vẫn còn rất nhiều hạn chế như người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã trở thành thói quen do hiệu quả cao, tức thời, giá thành rẻ.

"Các thuốc bảo vệ thực vật sinh học chưa được bà con lựa chọn nhiều trong sản xuất do chi phí sử dụng cao, thời gian bảo quản ngắn, phổ tác động hẹp, chuyên tính, hiệu quả chậm hơn so với thuốc hóa học, không ổn định do bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại cảnh và điều kiện sử dụng”  - ông Đạt chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, nguyên cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng Nhà nước chưa có chính sách phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Thêm vào đó, kinh phí đầu tư và duy trì còn hạn chế....

Ông Hồng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại các thủ tục đăng ký, yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng phù hợp với thực tế tại Việt Nam, đặc biệt cần tạo điều kiện phát triển thuốc sinh học.

"Cần sớm bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất thuốc sinh học, giảm lãi suất vay vốn đầu tư, hỗ trợ công nghệ, từ đó hạ giá thành để nông dân dễ tiếp cận" - ông Hồng nói.

Đại diện Công ty Tân Thành cho hay thời gian qua doanh nghiệp đã hỗ trợ nhiều mô hình nông nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhưng chi phí lại tăng khoảng 20%, trong khi giá bán sản phẩm nông sản lại không cao hơn bao nhiêu so với sản xuất sử dụng thuốc hóa học.

"Nếu Nhà nước không có các chính sách hỗ trợ sản phẩm đầu ra của nông dân sử dụng thuốc sinh học thì rất khó để khuyên bà con chuyển đổi sang dùng sản phẩm này" - đại diện Công ty Tân Thành nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nhấn mạnh định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học rất quan trọng và đã được đề cập trong các đề án của ngành nông nghiệp, như đến năm 2025 tăng số lượng thuốc sinh học đạt 30%, tăng số lượng sử dụng lên 20%.

Để thực hiện theo kế hoạch này, ông Trung đề nghị Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các viện trường, sở, chuyên gia tiếp tục rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng thuốc sinh học.

CropLife CropLife 'bắt tay' Việt Nam giảm phụ thuộc thuốc bảo vệ thực vật độc hại

Bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và tối ưu hóa các giải pháp bảo vệ thực vật là mục tiêu mà CropLife hướng đến khi triển khai chương trình khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên