24/10/2023 15:31 GMT+7

Núi nứt dài cả chục mét, sâu hơn 7m, dân lo sạt lở

Núi Cà Mon ở Quảng Ngãi nứt toác, qua mỗi mùa mưa, vết nứt dài, rộng và sâu hơn khiến người dân sống dưới chân núi thấp thỏm lo sạt lở.

Một vết nứt trên núi Cà Mon chạy dài theo triền đồi - Ảnh: TRẦN MAI

Một vết nứt trên núi Cà Mon chạy dài theo triền đồi - Ảnh: TRẦN MAI

Người dân cho biết núi nứt xuất hiện từ năm 2019, theo thời gian ba vị trí nứt ngày một rộng, dài và sâu hơn. Từ khi núi Cà Mon nứt, người dân thôn Nước Lăng, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi luôn sống trong lo sợ sạt lở, nhất là vào mùa mưa.

Toàn cảnh vết nứt núi Cà Mon sâu 7m, người dân lo sạt lở

Núi nứt, dân thấp thỏm lo sạt lở

Để kịp di dời nếu nguy cơ sạt lở ở mức báo động, người dân liên tục cử người theo dõi những nơi xuất hiện vết nứt. Dẫn chúng tôi lên điểm núi nứt, ông Phạm Văn Lem (thôn Nước Lăng) nói: "Hồi núi mới nứt khá nhỏ, giờ to và dài ra. Bà con rất lo, lỡ mưa to núi sạt xuống là cả làng bị vùi ngay".

Ghi nhận cho thấy ba điểm sạt lở dài cả chục mét, rộng hơn 1m và sâu 5-7m. Do điểm sạt lở nằm bên sườn núi nên khi có mưa, nước từ trên cao đổ thẳng xuống điểm nứt, vết nứt cứ thế lớn dần.

Điểm nứt gần nhất cách ngôi làng người dân sinh sống khoảng 100m. Tiến thêm lên phía đỉnh núi có thêm 2 vết nứt lớn nữa.

Mấy ngày qua mưa lớn, lo sợ sạt lở, ông Lem liên tục lên xuống xem xét tình hình. Nếu vết nứt rộng thêm, ông sẽ thông tin cho cả làng di dời.

Núi Cà Mon xuất hiện ba vết nứt sâu 5-7m, dài cả chục mét - Ảnh: TRẦN MAI

Núi Cà Mon xuất hiện ba vết nứt sâu 5-7m, dài cả chục mét - Ảnh: TRẦN MAI

Sống trong bất an, nhiều lần người dân dưới chân núi nghe tiếng động lạ lập tức ôm đồ tháo chạy. "Chắc vài ngày tới, tôi qua xin người thân cho vợ con ở tạm, qua mùa mưa rồi tính tiếp. Sợ mưa liên tục, nước chảy xuống ngấm vào lòng đất sạt giữa đêm là không chạy kịp", ông Lem nói.

Sau lưng là núi nứt, trước mặt là suối Nước Lăng, chỉ cần mưa lớn là nước chảy cuồn cuộn, cô lập ngôi làng. Người dân mong Nhà nước sớm bố trí chỗ tái định cư, ổn định cuộc sống. Hiện người dân chấp nhận sống tạm bởi tất cả là đồng bào H'rê có cuộc sống khó khăn, không thể tự mua đất xây nhà.

Trước mắt di dời dân, lâu dài xây khu tái định cư

Hiện chính quyền địa phương vận động người dân tạm đến nhà người thân ở vị trí an toàn sống tạm. Ông Phạm Xuân Vinh, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, nói đã đi kiểm tra ba vị trí trên núi Cà Mon bị nứt. Đối chiếu số liệu những năm trước thì vết nứt đã rộng, sâu và dài hơn.

"UBND huyện Ba Tơ đang hoàn tất thủ tục để đấu thầu, triển khai thi công xây dựng dự án khu tái định cư, bố trí cho các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở dưới chân núi Cà Mon đến sinh sống ổn định", ông Vinh nói.

Những vết nứt trên núi Cà Mon đã xuất hiện 4 năm qua, theo thời gian vết nứt ngày càng rộng hơn - Ảnh: TRẦN MAI

Những vết nứt trên núi Cà Mon đã xuất hiện 4 năm qua, theo thời gian vết nứt ngày càng rộng hơn - Ảnh: TRẦN MAI

Để giải quyết nguy cơ sạt lở ở miền núi Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền - phó chủ tịch UBND tỉnh - cho biết đã chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng phương án di dời các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở và báo cáo với tỉnh. Tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao.

"Trước mắt phương án di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở vẫn là phương án ưu tiên hàng đầu", ông Hiền nói.

Mưa lớn, Đà Lạt lại sạt lở đấtMưa lớn, Đà Lạt lại sạt lở đất

Bờ taluy một công trình xây dựng tại hẻm đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn (Đà Lạt) sạt lở trong trận mưa lớn. Hàng trăm khối đất đá đổ xuống khu vực nhà dân bên dưới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên