21/04/2019 10:04 GMT+7

Nuối tiếc ngôi trường 60 năm tuổi Nguyễn Duy Hiệu

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với 60 năm tuổi sẽ dừng hoạt động để dời về ngôi trường mới sau nhiều tranh luận. Dẫu biết rằng đó là 'điều không thể khác', việc di dời này vẫn gây nên những nuối tiếc.

Nuối tiếc ngôi trường 60 năm tuổi Nguyễn Duy Hiệu - Ảnh 1.

Một góc Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu hiện tại - Ảnh: T.B.D.

Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu được xây dựng từ năm 1958. Trong hệ thống các trường phổ thông tại Quảng Nam, đây là một trong ít ngôi trường có tuổi đời lâu với những dấu tích đặc biệt.

"Quá nuối tiếc"

Những thủ tục cần thiết để bố trí khuôn viên, giải phóng mặt bằng, dự toán tổng mức đầu tư... cho Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu xây mới tại xã Điện Minh - cách trường hiện nay khoảng 1km - đã rục rịch, nhưng cho tới nay nhiều thầy cô tại Trường Nguyễn Duy Hiệu vẫn chưa hay biết. 

Ngày 19-4, khi được hỏi về số phận ngôi trường mà mình đã có 8 năm giảng dạy, thầy Phạm Tấn Sáu - hiệu trưởng nhà trường - nói: "Cách đây hai tháng UBND tỉnh mời tôi lên dự họp để bàn về việc chuyển trường qua nơi khác. Từ đó tới nay, việc quyết định ra sao tôi chưa được nắm".

Thầy Sáu cho biết hiện tại việc giảng dạy tại trường vẫn diễn ra bình thường. Chuyện dời đi hay giữ lại trường từ hai năm nay luôn nhận được mối quan tâm rất lớn từ các giáo viên, cựu học sinh, đặc biệt là những người đã tốt nghiệp và thành danh từ ngôi trường mang tên nhà lãnh tụ phong trào chống Pháp Nguyễn Duy Hiệu.

"Nhiều học trò, bạn bè cũ của tôi khi trở về trường, nghe chuyện Nhà nước tính dời trường qua một địa điểm khác không khỏi bùi ngùi, xót xa. Đấy cũng là tình cảm tự nhiên của một con người, bởi Trường Nguyễn Duy Hiệu chúng tôi đang giảng dạy mang một lịch sử rất đặc biệt" - thầy Phạm Tấn Sáu nói.

Cái "đặc biệt", theo thầy Sáu, là quá trình xây dựng trường đã có công rất lớn của những người dân tại chỗ gắn bó với cách mạng. Một lý do khác khiến việc dời trường có thể sẽ gây ra những âu lo, theo thầy Sáu, là địa điểm nơi xây dựng trường hiện tại từng là nơi "bêu" đầu nhà yêu nước Nguyễn Duy Hiệu sau khi ông bị chém tại Huế.

Nhà giáo Nguyễn Chiến - cựu giáo viên của Trường Nguyễn Duy Hiệu - cho rằng một ngôi trường có bề dày cả về lịch sử lẫn văn hóa và lâu đời như thế không nên di dời mà lựa chọn giải pháp khác. 

Theo ông Chiến, những giá trị lịch sử của ngôi trường là mạch nguồn để nhiều thế hệ học trò trưởng thành, có thể kể đến như GS.TS Trần Văn Thọ, GS.TS Trần Văn Nam, GS.TS Trương Công Lập..., nếu buộc phải di dời sẽ gây ra những tiếc nuối khôn nguôi. 

"Tôi nghĩ rằng việc dời trường qua nơi khác cũng tốt, nhưng một ngôi trường đã qua 60 năm tuổi, đó không còn là một ngôi trường nữa mà là một di tích" - ông Chiến nói.

"Không có phương án khác khả thi"

Việc dời đi hay cho tồn tại trường được chính quyền đưa ra từ năm 2016. Trong khi nhiều cựu giáo chức, học sinh cũ cho rằng cần thiết giữ ngôi trường 60 năm tuổi lại để lưu giữ mạch nguồn, bảo vệ một di tích có giá trị thì những ý kiến ngược lại cho rằng nếu để nguyên thì điều kiện cơ sở vật chất, địa thế trường không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của việc dạy và học.

Thầy Phạm Tấn Sáu cho biết tình hình "căng" tới mức rất nhiều học trò cũ đã tìm về trường để gửi tâm tư. Tại hội thảo 60 năm thành lập Trường Nguyễn Duy Hiệu vào cuối năm 2018, những ý kiến phản đối việc dời trường tiếp tục được nêu lên.

Suốt 3 năm với nhiều hội thảo, nhiều cuộc họp để lắng nghe ý kiến các bên, nhiều phương án được đưa ra nhằm cứu vãn trường cũ nhưng cuối cùng quyết định dời trường qua một địa điểm khác đã được đưa ra. 

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà cho biết mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu thị xã Điện Bàn tích cực phối hợp để giải phóng mặt bằng, động thổ xây mới Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu vào tháng 9 năm nay. 

"Đây thực sự là một quyết định rất khó khăn, chúng tôi đã tiếp thu, lắng nghe ý kiến đầy đủ của các bên nhưng việc tiếp tục cho dạy học ở nơi hiện tại là không thể" - ông Hà nói.

Theo ông Hà, diện tích cũng như vị trí của Trường Nguyễn Duy Hiệu hiện nay không còn đáp ứng được nhu cầu, trong khi trường này có tới gần 2.000 học sinh thì số phòng học lại quá ít, học sinh phải học ca 3 khiến mức độ tập trung của các em không cao. 

Mặt khác, trường cũng nằm ở vị trí ngay sát trục đường lớn, gây ra những mối lo về tai nạn giao thông. 

"Nhiều ý kiến đóng góp đề nghị mở rộng trường, hướng cổng trường qua vị trí khác... nhưng tất cả đều không khả quan. Chúng tôi quyết định dời trường để học sinh, các thầy cô có nơi dạy, học khang trang hơn, đảm bảo mọi thứ tốt hơn" - ông Hà khẳng định.

"Đúng hay sai thì lịch sử sẽ phán xét"

Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết ngay cả thời điểm hiện tại - khi quyết định dời trường đã được duyệt thì những ý kiến phê phán nặng nề vẫn được đưa ra. Tuy nhiên, theo ông Hà, chính quyền quyết định chọn cái gì có lợi nhất.

"Khi trường dời đi, khuôn viên đó sẽ được lưu dụng để làm công viên, làm thư viện, bố trí gian nhà truyền thống phục vụ lưu giữ ký ức Trường Nguyễn Duy Hiệu chứ không có chuyện phân lô bán nền. Việc dời trường đúng hay sai sẽ phụ thuộc vào lịch sử, chúng tôi sai thì lịch sử sẽ... phán xét" - ông Hà nói.

Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu hiện tại có 22 phòng học với trên 1.800 học sinh. Tổng diện tích khuôn viên trường gần 14.000m2. Hiện tại dấu tích về kiến trúc ngôi trường từ ngày ban đầu vẫn còn giữ lại được là dãy phòng học hai tầng nằm ngay chính diện trường, dãy phòng học này hằng ngày vẫn được tổ chức dạy học.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên