07/04/2016 12:20 GMT+7

“Ông ấy đâu phải thầy giáo, sao lại chào?”

HẢI ANH (THANH XUÂN, HÀ NỘI)
HẢI ANH (THANH XUÂN, HÀ NỘI)

TTO - Phản hồi bài “Dạy con chào bác bảo vệ” (tác giả Lê Ngọc Hạnh).

Ở Trường mầm non Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM học sinh được giáo dục chào bác đầu bếp, bác bảo vệ. Trong ảnh: khi bác Phạm Văn Định - cấp dưỡng của trường - đẩy xe cơm xuống các lớp học, học sinh chạy ùa ra chào bác - Ảnh: H.HG.
Ở Trường mầm non Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM học sinh được giáo dục chào bác đầu bếp, bác bảo vệ. Trong ảnh: khi bác Phạm Văn Định - cấp dưỡng của trường - đẩy xe cơm xuống các lớp học, học sinh chạy ùa ra chào bác - Ảnh: H.HG.

Đi học về con gái tỏ ra ấm ức. Hỏi chuyện, thì ra con có thói quen chào hỏi mấy cô tạp vụ, lao công và bác bảo vệ mỗi khi gặp ở sân trường, nhưng mấy bạn trong lớp lại cho rằng con gái tôi “có vấn đề”.

Có bạn còn nói: “Cần gì phải chào ông ấy. Ông ấy có phải thầy giáo của mình đâu?”.

Tôi nhẹ nhàng ôm con vào lòng, nói cho con biết rằng con chào hỏi bác bảo vệ, cô lao công là đúng dù họ không phải là người đứng trên bục giảng.

Rồi tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của lời chào không chỉ là xã giao mà còn bày tỏ sự quan tâm, trân trọng đến những người xung quanh và thể hiện nhân cách của chính mình.

Cách đây gần hai tháng, có lần con đánh rơi chiếc ví ở gầm bàn, được cô lao công nhặt được và trả lại. Dù tiền trong ví chẳng đáng là bao, nhưng con gái rất quý chiếc ví ấy. Khi cháu rối rít cảm ơn cô lao công thì một vài bạn xì xào: “Nhiều chuyện quá, chỉ là cái ví rẻ tiền thôi mà bày đặt”.

Con còn kể rằng lối để xe đạp của học sinh trong trường rất chật chội, nhiều bạn lại để xe tứ tung nên bác bảo vệ hằng ngày phải cần mẫn xếp xe gọn gàng lại. Rồi khi các bạn nữ lấy xe ra về, bác lại tươi cười giúp kéo từng chiếc xe trong góc ra.

Có bạn cảm ơn, nhưng cũng có bạn nhận được xe thì phóng đi luôn, chẳng chào hỏi gì bác bảo vệ nữa. Con gái thắc mắc: “Con có cảm giác các bạn xem hành động nhiệt tình của bác bảo vệ là trách nhiệm thôi vậy”.

Con gái còn thủ thỉ chuyện trên lớp có nhiều bạn rất sành điệu. Có bạn xức nước hoa thơm lừng khi đến lớp, có bạn trang điểm gương mặt kỹ lưỡng, làm đẹp như thế nhưng nói năng lại cộc lốc, sẵn sàng văng tục, nói trống không với cả người lớn. Con bảo mỗi khi vào căngtin nhà trường lại bắt gặp nhóm học sinh (cả nam lẫn nữ) ngồi gác chân lên bàn, gọi đồ ăn rất trịch thượng.

Gương mặt buồn hiu, con bảo rằng nhiều bạn chào hỏi thầy cô rất lễ phép, tôn kính nhưng lại hững hờ trước bác bảo vệ, cô lao công cao tuổi trong trường.

Có thể nói rằng học sinh đến trường nếu chỉ để lĩnh hội kiến thức rồi đem về những điểm 9, điểm 10 tròn trĩnh thôi là chưa đủ. Tôi nghĩ rằng các em cần được cha mẹ, thầy cô quan tâm, dạy dỗ nhiều hơn về lối sống, đơn giản chỉ từ những lời chào dành cho bác bảo vệ hay cô lao công trong trường.

Dạy trẻ biết trân trọng những người thầm lặng

Trường tôi đang công tác thường tổ chức những chuyên đề mang ý nghĩa giáo dục thiết thực như: Ơn nghĩa sinh thành, Nhớ ơn thầy cô, Tình bạn đẹp, Sống đẹp, Giá trị cuộc sống... để dạy học sinh biết trân trọng từ những điều nhỏ bé nhất, gần gũi nhất và thân thương nhất.

Ở trường, học sinh thường gọi các chú bảo vệ, các chú phục vụ nhà ăn bằng “bố”; gọi các cô tạp vụ, nhà ăn bằng “má”. Cách xưng hô như thế tạo nên không khí ấm cúng, thân thiện của mái ấm gia đình hơn là trường học.

Cách xưng hô này một phần do thầy cô luôn dạy các em biết yêu thương và trân trọng những người thầm lặng đang bên cạnh các em, góp phần vào sự nghiệp giáo dục chung của nhà trường, của đất nước.

Giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt phòng nội trú, thầy cô luôn nhắc nhở học sinh điều đó nên các em hiểu và trân trọng những con người thầm lặng ngoài bục giảng.

Tuần trước, cháu gái đang học lớp 6 ở Q.1 khoe với tôi rằng cháu vừa làm bài văn miêu tả cô lao công. Cháu cho hay đề kiểm tra một tiết là hãy miêu tả về bác bảo vệ hoặc cô lao công ở trường.

Tôi hỏi: “Thế cháu có làm được không?”. Cháu hào hứng trả lời: “Dạ, cháu làm được ạ. Đề này cháu rất thích vì mới”.

Tôi hỏi: “Vì sao lại mới?”. Cháu đáp lại rằng vì trước đây cháu thường làm các đề miêu tả về ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè...

Rồi cháu cho hay trong lớp có nhiều bạn không làm bài tốt, vì không biết phải tả như thế nào với đề “lạ” này. Qua đề văn, thầy cô cũng đã dạy cho các em bài học biết quan tâm tới những người lao động tay chân bên cạnh mình.

Chở con đi học, tôi cũng thường kể cho con nghe về công việc thầm lặng của bác bảo vệ, cô lao công. Mỗi lần kể là mỗi lần dạy cho con biết ơn những người nhỏ bé trong môi trường con đang học tập. Và tôi cũng không quên dặn con khi gặp bác bảo vệ, cô lao công thì nhớ lễ phép chào.

Chúng ta, những người lớn (nhất là thầy cô và cha mẹ) hãy dạy cho con trẻ biết yêu thương, trân trọng những con người thầm lặng xung quanh mình. Họ là những người làm nhiều việc không tên không tuổi (như bác bảo vệ, cô lao công) nhưng góp phần tạo nên giá trị cuộc sống này.

THÁI HOÀNG

HẢI ANH (THANH XUÂN, HÀ NỘI)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên