28/12/2023 15:59 GMT+7

Ông Diệp Dũng: 'Thấy anh em bán rau, bán muối cực quá nên muốn kiếm thêm'

Chiều 28-12, phiên tòa xét xử cựu chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng và 8 bị cáo khác trong vụ gây thất thoát hơn 115 tỉ đồng của Saigon Co.op bắt đầu xét hỏi.

Bị cáo Diệp Dũng tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Bị cáo Diệp Dũng tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Trả lời xét hỏi đầu tiên, ông Diệp Dũng (cựu chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM - Saigon Co.op) thừa nhận hành vi như cáo trạng nêu.

Thấy tiền không sử dụng, lãng phí nên hợp tác đầu tư

Ông Dũng khai năm 2016, sau khi nghe thông tin chuỗi siêu thị Big C chuyển nhượng, Saigon Co.op họp làm thủ tục mua lại Big C. Với tư cách là chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, ông Dũng ký văn bản xin ý kiến và được UBND TP.HCM đồng ý chủ trương cho Saigon Co.op thực hiện thương vụ Big C với điều kiện tự chịu trách nhiệm về việc góp vốn…

Sau đó, HĐQT Saigon Co.op ra nghị quyết huy động nguồn lực của các HTX thành viên hiện hữu và huy động vốn của các tổ chức, cá nhân khác.

Để huy động vốn, Saigon Co.op đã phát hành văn bản gửi các nhà đầu tư tiềm năng để ai quan tâm tham gia góp vốn cùng.

Trả lời câu hỏi: "Nếu thương vụ không thành công thì Saigon Co.op xử lý vốn góp vào như thế nào?", ông Dũng cho biết xử lý theo 2 hướng: Nếu đối tác rút vốn Saigon Co.op sẽ hoàn trả vốn trong vòng 3 ngày. Nếu đối tác không rút vốn Saigon Co.op sẽ cam kết kết nạp vào liên hiệp, đưa vốn của họ vào vốn điều lệ của Saigon Co.op, mở rộng mạng lưới Saigon Co.op.

Đến giữa tháng 3-2016 thì có nhà đầu tư góp vốn. Lần 1, Saigon Co.op huy động được 3.000 tỉ đủ năng lực tài chính để tham gia đấu thầu thương vụ Big C.

Ông Dũng cũng cho biết nếu mất tiền Saigon Co.op phải chịu trách nhiệm. Sau khi thương vụ Big C thất bại, không có ai rút vốn, Saigon Co.op phải thực hiện cam kết kết nạp vào liên hiệp.

Theo ông Diệp Dũng, trong khi chờ xin ý kiến, thấy tiền không sử dụng làm gì, lãng phí quá, nếu đưa vào lưu thông sẽ tạo ra sản phẩm cho xã hội nên ông đã ký rút 1.000 tỉ để hợp tác đầu tư.

"Tại sao không sử dụng hết 3.000 tỉ mà chỉ sử dụng 1.000?", chủ tọa hỏi. "Bị cáo không biết nhà đầu tư muốn sử dụng bao nhiêu, thấy tiền không sử dụng gì thì lãng phí, nếu đưa vào lưu thông sẽ tạo ra lợi nhuận cho Saigon Co.op nên đồng ý với đề xuất của phòng tài chính.

Bị cáo cũng yêu cầu phòng tài chính tìm người hợp tác phải có tài sản để chứng minh năng lực tài chính. Sau đó phòng tài chính báo lại có 2 đối tác là Công ty Đại Á và Đô Thị Mới", ông Dũng nói.

Chỉ muốn nhanh thu hồi vốn để hạn chế rủi ro

Trả lời câu hỏi về lý do chuyển 1.000 tỉ cho 2 công ty trên, ông Dũng nhận sai sót của mình do chỉ nhìn vào điều kiện tiên quyết mà ký hợp đồng hợp tác đầu tư, chứ không để ý rủi ro.

Ông Dũng khai sau khi ký hợp đồng thì được báo lại đối tác sử dụng dòng vốn không hiệu quả, sợ đối tác xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn nên ông Dũng chỉ nghĩ đến việc thu hồi vốn nhanh, tránh rủi ro, nếu nhà đầu tư rút vốn thì có tiền trả.

Bị cáo Diệp Dũng cho rằng ban đầu vẫn nghĩ đó là hợp đồng hợp tác đầu tư, nhưng sau khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết dưới góc nhìn thuế thì là hợp đồng cho vay ngắn hạn.

Chủ tọa tiếp tục hỏi về lý do Saigon Co.op giảm lãi suất từ 7% xuống còn 0%, làm Saigon Co.op không được gì mà còn mất 115 tỉ, không những không thu được tiền lời mà còn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và phạt chậm nộp thuế là khoảng 150 tỉ, thì bị cáo Dũng cho rằng chỉ lo sợ rủi ro mất vốn nên làm sao tránh thiệt hại lớn nhất cho Saigon Co.op.

"Bị cáo thấy anh em bán rau, bán muối cực quá nên muốn kiếm thêm thôi. Bị cáo nghĩ tiền này là tiền kiếm thêm, không được thì thôi", ông Dũng trình bày và xin HĐXX xem xét bối cảnh, động cơ mục đích khi bị cáo thực hiện hành vi.

Theo hồ sơ, với vai trò chủ tịch, ông Diệp Dũng đã không thông qua hội đồng quản trị Saigon Co.op tự ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới 1.000 tỉ đồng.

Ông Diệp Dũng ký ủy nhiệm chi chuyển 1.000 tỉ đồng trong số tiền 3.000 tỉ đồng mà Saigon Co.op huy động để thực hiện thương vụ mua lại Big C trước đó cho hai công ty trên.

Theo hợp đồng hợp tác đầu tư, Saigon Co.op được nhận tỉ lệ lợi nhuận cố định 7%/năm, thời hạn 3 tháng và được thanh toán gốc, lãi một lần vào cuối kỳ hợp tác.

Nhưng đến ngày 24-3-2018, ông Diệp Dũng tiếp tục không thông qua hội đồng quản trị, tự ký thỏa thuận điều chỉnh tỉ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm, dẫn đến việc Saigon Co.op bị thiệt hại 115,6 tỉ đồng lợi nhuận 7% từ 2 hợp đồng hợp tác đầu tư trên.

Xét xử ông Diệp Dũng và đồng phạm trong vụ gây thất thoát 115 tỉ đồngXét xử ông Diệp Dũng và đồng phạm trong vụ gây thất thoát 115 tỉ đồng

Sáng nay (28-12) ông Diệp Dũng và các bị cáo nguyên là lãnh đạo cấp cao tại Saigon Co.op bị xét xử vì gây thất thoát hơn 115 tỉ đồng.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên