08/04/2024 12:11 GMT+7

Ông già nối đôi bờ sông Ba

Hơn chục năm qua, bà con các dân tộc sống nơi thung lũng sông Ba tại Ia Pa (Gia Lai) đã quá quen thuộc hình dáng cây cầu gỗ tạm bợ bắc qua khúc sông cạn được một ông già người Jarai dựng lên.

Cây cầu gỗ mỏng manh như sợi chỉ vắt qua lòng sông Ba đoạn chảy qua Ia Pa (Gia Lai) - Ảnh: TẤN LỰC

Cây cầu gỗ mỏng manh như sợi chỉ vắt qua lòng sông Ba đoạn chảy qua Ia Pa (Gia Lai) - Ảnh: TẤN LỰC

Cây cầu tạm lúc ẩn lúc hiện theo con nước bao năm qua đã giúp kéo những con người xã nghèo Ia Kdăm, Chư Mố xa xôi lại gần với đời sống thị thành.

Nhịp cầu ẩn hiện theo con nước

Tây Nguyên đang giữa mùa khô, sông Ba uốn lượn giữa cao nguyên lộ dần cồn cát vì kiệt nước. Con sông chảy men theo những triền núi thấp phía đông nam Gia Lai trước khi tìm đường xuôi về Phú Yên.

Đến Ia Pa, dòng sông đột ngột ngoặt hình một cánh cung thật gấp rồi tách cái xã nhỏ Ia Kdăm ra khỏi huyện lỵ đông đúc bên đường Trường Sơn Đông. Bởi thế, chỉ cách một dòng sông mà đôi bờ là hai thế giới khác: lặng lẽ và náo nhiệt, thôn quê và thị thành.

Ngay giữa phần khúc sông bị cua ngặt, hơn chục năm qua người dân vùng này đã quá quen mắt với cây cầu gỗ tạm bợ lúc ẩn lúc hiện theo mùa con nước.

Mùa mưa, nước sông Ba cuồn cuộn đổ về, cây cầu gỗ tan nát từng mảnh trôi theo dòng sông.

Để rồi mùa khô năm sau tới, có một ông già lại lặng lẽ khuân vác từng cọc gỗ nhỏ, trần mình giữa dòng nước kiệt đóng những nhịp cầu nối đôi bờ.

Giữa cái nắng to tháng 3, cây cầu gỗ đứng hiên ngang trên dòng nước chỉ còn cao hơn đầu gối.

Thỉnh thoảng đôi chiếc xe gắn máy qua lại làm mấy tấm ván gỗ khua nhộn nhạo theo từng vòng xe.

Trong chái lều thấp lè tè khô khốc dưới chân cầu, ông già Ksor Yan nằm tréo chân khẽ đưa mắt liếc xem ai là người vừa chạy qua.

Ở tuổi 60, ông già người Jarai này trông già hơn nhiều so với tuổi vì dạn dày gió sương, suốt ngày ăn ngủ ngoài trời.

Cái nắng mùa khô nóng hừng hực như thiêu đốt kẻ đi đường, nơi đồng không mông quạnh chẳng cần ý tứ, ông già cởi phăng cúc áo để lộ ngực trần hóng chút hơi mát dòng sông tỏa lên.

Sở dĩ ngày nào ông già cũng phải thân chinh ra nằm nơi chái lều này từ sáng sớm tới tối mịt là bởi để mắt canh cây cầu gỗ.

Con sông chảy vào phận người

Có thể nói dòng sông Ba chảy qua Ia Pa là nơi gắn bó cả cuộc đời già Ksor Yan.

Dòng sông như đã vận vào đời ông, gán cho ông cái nghiệp làm người nối đôi bờ, kéo người dân xã nghèo Ia Kdăm lại gần hơn ánh sáng phố thị. 30 năm lái đò đưa khách qua lại dòng sông, ông già chuyên chở không biết bao nhiêu mơ ước, kỷ niệm của người dân xã nghèo.

Khoảng chục năm trước, cây cầu Ia Pa kiên cố được xây lên giúp bao đời người dân xã này không phải lụy đò qua lại sông Ba.

Ông già Ksor Yan bên cây cầu gỗ bắc qua sông Ba - Ảnh: TẤN LỰC

Ông già Ksor Yan bên cây cầu gỗ bắc qua sông Ba - Ảnh: TẤN LỰC

Thế nhưng điểm xây cây cầu mơ ước chếch hơi xa về phía bắc, người dân sống hai bên sông qua cầu phải đi đường vòng mất khoảng hơn mười cây số. Vậy là vẫn có những người mong muốn lội qua dòng sông để thuận lợi mua bán, làm ăn, học hành.

Gác mấy con đò như cất đi kỷ niệm một thời quá vãng, già Ksor Yan rủ các anh em và mấy đứa con trai trong nhà ra sông xây cầu. Mỗi độ cuối năm, lựa khúc sông cạn, nơi lòng sông hẹp nhất, ông già cùng cả nhà bì bõm dưới dòng nước sông Ba cắm từng cọc gỗ.

Ngày qua ngày, khi hàng cọc cắm thẳng đôi bờ là lúc những tấm ván được đóng đinh, cột dây cáp theo sau. Hì hục cả tháng trời, sau bao ngày vất vả, cây cầu tạm lại mọc lên nối đôi bờ.

Khách qua cầu đủ thành phần, từ cán bộ công chức đi công cán tới dân buôn, nông dân qua lại làm ăn, chăm sóc ruộng đồng. Cây cầu cũng rộng cửa đón những tốp học sinh đến trường, người đi chợ qua lại sắm sửa.

Ai cũng phải gật gù công nhận cây cầu tạm của ông già tiết kiệm biết bao nhiêu là thời gian, công sức dù đôi lúc có hơi rợn người khi phi xe qua mấy tấm gỗ đong đưa trên sóng.

Đưa cha mẹ ra rẫy, nối bước em tới trường

Mùa này về Ia Pa, đi dọc bờ sông Ba là những ruộng thuốc lá xanh ngắt kéo dài như vô tận tới chân trời. Hoa thuốc lá nở rộ từng đốm trắng tinh như điểm xuyết thêm giữa màu xanh trù phú.

Nơi bãi bồi Ia Kdăm, nhờ phù sa và dòng nước sông Ba mà những thửa ruộng như thêm phần tốt tươi, căng đầy sức sống. Trong bản làng, dưới mái nhà sàn, bà con Jarai, Bana cần cù hối hả thu hái, phơi phóng từng lá thuốc trong vụ mùa bội thu.

Chở bao thuốc lá vừa hái trên chiếc xe máy chạy chầm chậm qua cầu, anh Chu Văn Vinh (39 tuổi, trú xã Ia Trok, huyện Ia Pa) ngày nào cũng qua lại cây cầu gỗ năm sáu bận để chăm sóc 3ha thuốc lá. Nhà anh Vinh ở bên này sông, nhưng ruộng rẫy đều nằm cả bên kia bãi bồi Ia Kdăm.

Anh cười, bảo nếu không nhờ cây cầu tạm có lẽ mỗi ngày phải bỏ thời gian chạy gần trăm cây số qua lại chăm ruộng.

Nay nông dân vùng này chỉ phải đi đường lớn khi thuốc lá vào vụ thu hoạch rộ, cần xe tải mang về.

Thương ông già một mình lủi thủi nơi chân cầu, lũ trẻ Jarai, Bana hay rủ nhau ra chái lều chơi cùng ông lão. Giữa nắng trưa, lũ trẻ con cởi trần xếp hàng trên cầu rồi thi nhau nhảy xuống nghịch nước sông Ba.

Sau mỗi cú nhào lộn nước văng tung tóe, lũ trẻ ngây thơ bơi lội cười vang góc trời rồi ngước nhìn ông cụ đang dõi theo trìu mến. Bơi lội chán chê, Siu H'Hợp (11 tuổi), học sinh lớp 5 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, bước vội lên bờ mặc áo trước lúc chào ông già ra về.

Siu H'Hợp cười, bảo nhóm cậu gần chục đứa là học sinh ngày nào cũng qua lại cây cầu này đi học, đi chơi. Đã chục năm trôi qua, cây cầu gỗ tạm giữa sông Ba đã nối bước tới trường cho bao thế hệ học sinh buôn làng này!

Dân góp sức giữ cầu

Cảm cái công ông già, người qua lại hằng ngày thỉnh thoảng đóng góp khoản tiền nhỏ 5.000 đồng chung sức duy tu, bảo dưỡng cây cầu.

Ông cụ hoan hỉ, bảo đó là nguồn dành mua thêm ván gỗ, dây thừng để giặm vá lại cây cầu sau mỗi cơn lũ. Nhìn sợi dây cáp cũ không chống chọi qua được mùa mưa, ông cụ bảo đang dành dụm mua thêm sợi cáp nữa, nghe đâu hết hơn 2 triệu đồng.

Nhưng không phải với ai ông cụ cũng nhận tiền góp. Người làng nói chưa bao giờ thấy ông lão cầm tiền của người nghèo khó hay trẻ con, học sinh hằng ngày qua lại.

Lãnh đạo địa phương này bảo rằng đây là khoản đóng góp tự nguyện của người dân khi thấy cây cầu tiết kiệm được thời gian, công sức cho mình.

Mong cây cầu bê tông kiên cố cho dân

Ông Trương Minh Khang - chủ tịch UBND xã Ia Kdăm - cho hay cây cầu gỗ tạm bắc qua sông Ba của ông Ksor Yan nhiều năm qua đã giúp người dân qua lại giữa xã Ia Kdăm và Ia Mrơn rút ngắn khoảng cách hơn 10 cây số.

Để đảm bảo người xe qua lại an toàn hằng ngày, chính quyền xã và lực lượng công an tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân chú ý đi lại. Theo ông Khang, cây cầu tạm chỉ hoạt động vào mùa khô, khi vào mùa mưa nước sông lên cao cơ quan chức năng sẽ dừng hoạt động để đảm bảo an toàn.

Ông Khang cho biết chính quyền xã Ia Kdăm và xã Chư Mố giáp ranh nhiều lần đề xuất các cấp quan tâm xây dựng cầu bê tông xi măng kiên cố để giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn và lâu dài.

Chuyện không tưởng tượng nổi: những lão nông nghèo Cái Bè xây 300 cầuChuyện không tưởng tượng nổi: những lão nông nghèo Cái Bè xây 300 cầu

TTO - Đó là những lão nông ở Cái Bè, Tiền Giang, nhiều người khó khăn, không ruộng vườn và đau yếu nhưng gần 10 năm qua, họ đã bẻ sắt, trộn hồ, vác gạch, xúc cát... xây hơn 300 cây cầu cho bà con mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên